Thiệt hại do cháy rừng đã tác động tiêu cực môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu toàn cầu với những đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài đã làm cho cháy rừng càng trở nên nghiêm trọng. Trên thế giới thường xuyên xảy ra cháy rừng, có những quốc gia để xảy ra cháy rừng kéo dài thời gian liên tục từ 2- 3 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại lên đến hàng triệu ha, tác động tiêu cực rất lớn đến kinh tế và môi trường. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa nhanh, rộng; các hoạt động kinh tế tiềm ẩn nguy cơ gia tăng hiểm họa xảy ra cháy rừng. Dự báo cho những năm tiếp theo, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng nhiều và mức độ ảnh hưởng đến cháy rừng là rất lớn; bên cạnh đó, các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, du lịch cũng tác động đến tình hình cháy rừng. Cháy rừng là thảm họa của nhân loại, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng, làm biến đổi môi trường sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Triển khai thực hiện đề án Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy và bảo vệ rừng cấp bách tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2019, các cháy rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm cả về quy mô và mức độ thiệt hại
Tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ Quốc, có diện tích đất liền trên 6.100 km2 và diện tích vùng biển với 2.077 hòn đảo đá, đất. Tỉnh Quảng Ninh có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 435.932 ha, chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 370.144 ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh thành trong cả nước; Điều kiện thổ nhưỡng là Nhóm đất vàng đỏ diện tích 378.526,8 ha chiếm 64,2% diện tích đất tự nhiên thuận lợi cho công tác phát triển rừng. Quảng Ninh là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và sôi động nhưng có tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,06% cao hơn mức bình quân chung cả nước là 13,05%, đứng thứ 14/63 tỉnh thành. Rừng Quảng Ninh có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, vành đai biên giới, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, tạo nguồn sinh thủy đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước. Rừng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế theo hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững ngành du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rừng là tài nguyên du lịch vô giá, rừng gắn liền với khu vực phân bố tài nguyên khoáng sản; tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Rừng góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, rừng là vành đai xanh bảo vệ biên giới.
Năm 2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy và bảo vệ rừng cấp bách tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2019”; đề án tập trung cho công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập chữa cháy rừng để nâng cao ý thức trách nhiệm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của các cấp chính quyền đồng thời nâng cao nhận thức, kỹ thuật, kỹ năng về bảo vệ rừng, chữa cháy rừng cho các lực lượng tại chỗ (cộng đồng dân cư, chủ rừng, người dân ..) và nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân sống trong và gần rừng.
Triển khai thực hiện Đề án, giai đoạn 2015 – 2019, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực chỉ đạo, điều hành và kiểm soát cháy rừng của chính quyền các cấp và các lực lượng chữa cháy rừng từng bước được cải thiện, rừng đã được bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng ngày càng giảm cả về quy mô và mức độ thiệt hại đến tài nguyên rừng do cháy rừng gây ra.
Theo thống kê, trong những năm gần đây, hằng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 25 vụ cháy rừng, đã huy động khoảng 10.000 lượt người tham gia chữa cháy
Mặc dù công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được các cấp, các ngành luôn quan tâm. Tuy nhiên Quảng Ninh là địa phương có diện tích rừng trồng thuần loài tập trung lớn với các loài cây dễ cháy như: Thông, Keo, Bạch đàn, Sa mộc và các loại tre nứa... , chỉ số khô hạn cao so với trung bình của cả nước, hàng năm có từ 6 đến 9 tháng khô hanh hoặc nắng nóng kéo dài, bên cạnh là sự biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Mặt khác, một số tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo thống kê, trong những năm gần đây, hằng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 25 vụ cháy rừng, đã huy động khoảng 10.000 lượt người tham gia chữa cháy. Nhìn chung rừng vẫn bị thiệt hại nhiều, làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là một địa phương có định hưởng phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ.
Nâng cao năng lực quản lý, đầu tư trang thiết bị hạ tầng phòng cháy chữa cháy rừng là hết sức cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng trong giai đoạn hiện nay
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, hiện nay Kiểm lâm được bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ hơn so với Luật Bảo vệ và phát triển rừng, nhất là việc “Bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân chưa giao, chưa cho thuê”; mặt khác từ năm 2016, Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận thực hiện toàn bộ nhiệm vụ của Chi cục lâm nghiệp. Đứng trước những khó khăn, thử thách trong tình hình mới, việc nâng cao năng lực quản lý, đầu tư trang thiết bị hạ tầng phòng cháy chữa cháy rừng và ứng dụng công nghệ tiến tiến vào công tác quản lý cho lực lượng Kiểm lâm hiện nay là hết sức cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ngày 10/02/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 177/QĐ-TTg của về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2030, mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, mất rừng, kiểm soát hiệu quả cháy rừng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Triển khai Quyết định số 177/QĐ-TTg, để hoàn thành mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến 2025, tầm nhìn đến 2030; Sở Nông nghiệp và PTNT đang đề xuất UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án: “Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2030”.
Dự kiến, Dự án triển khai trên địa bàn 13/13 huyện, thị xã, thành phố. Các nội dung đầu tư thực hiện theo Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 2047/BNN-TCLN ngày 05/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại về việc triển khai Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ./.