
Với những giá trị đa dạng sinh học, khu vực rừng Quảng Nam Châu đáp ứng với tiêu chí của một Khu bảo tồn loài – sinh cảnh, theo tiêu chí phân hạng rừng đặc dụng quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP
Quảng Nam Châu là tên chung vùng rừng núi rộng lớn với 3 đỉnh cao tạo thế chân kiềng gồm: Đỉnh Quảng Nam Châu cao 1.507m, Cao Xiêm cao 1.330m, Ngàn Chi cao 1.166m. Quảng Nam Châu thuộc phía Đông cánh cung Đông Triều, cánh phía Tây gồm dẫy Yên Tử đỉnh cao 1.068m và dẫy Thiên Sơn đỉnh Am Vát cao 1.094m.

Đa dạng sinh học ngày càng đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững kinh tế xã hội gắn với môi trường sinh thái.
Khu vực được đề xuất thành lập khu bảo tồn loài-sinh cảnh Quảng Nam Châu nằm trên địa bàn 6 xã, thuộc 3 huyện Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà có diện tích 16.934,96 ha, trong đó có 14.286,64 ha rừng tự nhiên (84,4%), rừng trồng 807,22 ha (4,8%); đất trống 1.799,55 ha (10,6%); mặt nước, đất khác 41,55 ha (0,2%). Đây là khu vực có hệ động, thực vật rừng tương đối phong phú. Theo kết quả điều tra ban đầu đã xác định được có 634 loài thực vật bậc cao, 121 loài chim; 61 loài thú; 31 loài lưỡng cư; 30 loài bò sát. Nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và danh lục đỏ quốc tế đang bị đe doạ, cần phải bảo vệ khẩn cấp (riêng động vật đã có 62 loài đang bị đe dọa cần được bảo vệ)...

Diện tích rừng và đất rừng Quảng Nam Châu tiếp giáp khu vực vành đai biên giới. Tăng cường công tác quản lý rừng cũng chính là tăng cường vai trò quan trọng trong phòng hộ quốc phòng, an ninh biên giới
Diện tích rừng trong khu vực đề xuất thành lập Khu bảo tồn hiện thuộc vùng phòng hộ đầu nguồn trọng yếu của khu vực các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu và cho cả thành phố Móng Cái. Bảo vệ được các giá trị đa dạng sinh học, các hệ sinh thái rừng tự nhiên, rừng trồng ở khu vực đầu nguồn này cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng hộ cho các khu vực hạ lưu; hạn chế lũ lụt và cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp và hàng ngàn người dân sinh sống trong khu vực.

Khu vực rừng Quảng Nam Châu có hệ động, thực vật rừng tương đối phong phú
Mặc dù có nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, tuy nhiên trong những những năm qua công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này đang gặp nhiều khó khăn: rừng và đất rừng trong khu vực được xác định chủ yếu là rừng phòng hộ và một diện tích nhỏ rừng sản xuất; do là rừng phòng hộ và sản xuất nên việc bảo tồn đa dạng sinh học không được ưu tiên; kinh phí hoạt động hạn chế, chủ yếu cho công tác bảo vệ rừng; nguồn nhân lực, trang thiết bị không được đầy đủ...do vậy, tài nguyên rừng vẫn bị xâm hại...

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 89,1%, đây là tỉ lệ che phủ cao so với nhiều khu rừng đặc dụng khác hiện có tại Việt Nam và đáp ứng để trở thành Khu bảo tồn theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP
Để khắc phục được những khó khăn trong công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn; việc thành lập Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh Quảng Nam Châu là hết sức cần thiết.

Các hoạt động săn bắt đã dẫn đến sự suy giảm tài nguyên động vật hoang dã. Thành phần loài cũng như số lượng cá thể các loài thú lớn giảm đi nhanh chóng và nhiều loài không còn ghi nhận được thông tin trong điều tra
Được sự chỉ đạo, thống nhất, giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với Trung tâm Viễn thám và Công nghệ thông tin thuộc Viện Điều tra, Quy hoạch rừng, đơn vị chủ rừng và các cấp chính quyền địa phương thực hiện điều tra, khảo sát xây dựng Đề án thành lập Khu rừng đặc dụng Quảng Nam Châu. Kết quả điều tra, đánh giá so với các tiêu chí rừng đặc dụng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định, Khu rừng đặc dụng Quảng Nam Châu hoàn toàn đáp ứng với tiêu chí là Khu bảo tồn loài – sinh cảnh. Khu bảo tồn loài – sinh cảnh được thành lập sẽ góp phần bảo vệ nguồn gen động, thực vật, nhất là đối với các loài quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, môi trường, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào các dân tộc trong vùng.
Hiện nay Đề án thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Quảng Nam Châu đã hoàn thiện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, xem xét phê duyệt. Đề án đã phân tích đánh giá tính khoa học, thực tiễn để phát huy được giá trị tự nhiên, bảo vệ hệ động thực vật và đảm bảo công tác quản lý phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Khu bảo tồn loài-sinh cảnh có đề xuất xác lập quy chế quản lý giữa các đơn vị, kinh phí quản lý hoạt động và hoạt động xây dựng mạng lưới giải pháp đào tạo, áp dụng công nghệ, bảo tồn, tuyên truyền trong quá trình thực hiện./.