Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua mạng đạt khá cao. Tuy nhiên, việc thực hiện dịch vụ công toàn trình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức:
Theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng thì Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
Về căn cứ pháp lý, Ủy ban nhân dân tỉnh mới phê duyệt cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 77 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt 74,04% thủ tục hành chính cấp tỉnh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Một số lĩnh vực như: Kiểm lâm, Thủy lợi có thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính phức tạp, bao gồm các Dự án, Đề án, thuyết minh, dự toán, bản vẽ thiết kế, bản đồ, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành.
Hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh hoạt động chưa ổn định, vẫn còn sự cố dẫn đến không tải được các file văn bản đính kèm và đẩy các file văn bản lên hệ thống, dẫn đến không thực hiện được các thao tác ký số văn bản.

Cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tại Trung tâm dịch vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh
Các giải pháp nâng cao chất lượng trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh:
Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ trong giải quyết thủ tục hành chính để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh công bố thêm các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch điện tử trên cổng dịch vụ công quốc gia, số hóa hồ sơ đầu vào đảm bảo thể thức và thành phần hồ sơ; thanh toán phí, lệ phí qua tài khoản của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, nhận kết quả trực tuyến (đối với văn bản điện tử) hoặc qua đường bưu điện (đối với văn bản giấy).
Đẩy mạnh việc thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả, luân chuyển hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng, không để xảy ra tình trạng quá hạn, trễ hẹn.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình nâng cấp hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh; rà soát xóa bỏ các tài khoản không còn sử dụng (công chức nghỉ hưu trí, thôi việc, chuyển khỏi ngành...), không đề xuất tạo mới tài khoản khi công chức chuyển đơn vị hoặc quên tài khoản để giảm áp lực xử lý dữ liệu của hệ thống, dẫn đến quá tải cho máy chủ.
Với các giải pháp đồng bộ như trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh./.