Sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh – Một năm nhìn lại

18/01/2023 15:51

     Năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ của các yếu tố thời tiết bất thuận, sinh vật gây hại nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và chỉ đạo chặt chẽ của Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương, sự quyết tâm vượt khó của người dân, sản xuất trồng trọt tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý.

      Theo số liệu của Cục Thống kê, năm 2022 năng suất nhiều loại cây trồng tăng cao so với năm 2021 như: năng suất cây lúa đạt 52 tạ/ha, bằng 100,17% so cùng kỳ; cây ngô đạt 50 tạ/ha bằng 119% cùng kỳ; cây mía 543,57 tạ/ha, bằng 100,98% so cùng kỳ; rau các loại 166,53 tạ/ha, bằng 105,18% so cùng kỳ;... Tính chung năm 2022, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 223.360,34 tấn, bằng 100,1% so cùng kỳ năm 2021, vượt 1,52% so với kế hoạch được giao tại Quyết định số 4398/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, vượt 1,1% so với kịch bản tăng trưởng được giao tại Kế hoạch số 210/KH-UBND của UBND tỉnh về điều chỉnh Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 28/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng cuối năm 2022.

      Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục thực hiện theo hướng chuyển đổi từ diện tích cây trồng hàng năm không hiệu quả sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn như chuyển đổi diện tích trồng lúa thiếu nước, năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng rau, màu. Năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 931 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngô và cây rau hoa màu các loại. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng cũng góp phần không nhỏ nâng cao giá trị sản xuất của ngành trồng trọt như: cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm 61,4% diện tích (các giống lúa chủ yếu: J02, ST25, Bắc thơm 7, Đài thơm, RVT,...);  vải chín sớm chiếm trên 16% cơ cấu giống vải, tập chung chủ yếu tại Uông Bí; cam V2, cam CS1, cam đường canh chiếm trên 32% cơ cấu giống cam; chè Ngọc Thúy, LDP1, LDP2 chiếm trên 60% cơ cấu giống chè; ổi Đài Loan, thanh long ruột đỏ chiếm 56% diện tích... 

Mô hình sản xuất lúa sử dụng phân vi sinh TN3, khoáng SH01 tại thị xã Quảng Yên, năm 2022

      Năm 2022, diện tích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất trồng trọt và bảo vệ thực vật, diện tích sản xuất đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn cũng được duy trì và mở rộng: Trên địa bàn tỉnh duy trì 1.070 ha diện tích vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP; diện tích áp dụng IPM tăng lên 6.627,9 ha tăng 261,5 ha so với năm 2021, các diện tích áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp có lượng thuốc BVTV sử dụng thường thấp hơn 10-15% so với diện tích không áp dụng; Một số biện pháp thâm canh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu được ứng dụng vào sản xuất trồng trọt góp phần giảm chi phí, giảm tác động của điều kiện thời tiết, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm như công nghệ phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái tại thị xã Đông Triều giúp giảm được khoảng 20-30% lượng nước thuốc sử dụng trên cùng đơn vị diện tích so với phun thuốc bảo vệ thực vật bằng bình bơm tay; công nghệ trồng rau thủy canh; sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính giúp tạo ra các sản phẩm chất lượng, sản phẩm đa dạng, giá trị kinh tế cao (Đến nay, toàn tỉnh có trên 17 ha nhà màng, nhà lưới, nhà kính sử dụng cho việc trồng các loại rau, hoa).

Mô hình IPM trên cây ngô tại xã Hồng Thái Đông - thị xã Đông Triều năm 2022

      Việc thúc đẩy và ứng dụng chuyển đổi số nhằm bắt kịp những thay đổi của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh đang được quan tâm và triển khai ngày càng mạnh mẽ góp phần thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Để thực hiện chuyển đổi số, bước đầu Chi cục Trồng trọt và BVTV đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng và TCCS 775:2020/BVTV Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói. Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 46 cơ sở được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và nội tiêu và 06 cơ sở được cấp mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã đã được cập nhật dữ liệu trên hệ thống dữ liệu quốc gia để thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, truy xuất nguồn gốc…

      Một năm nhìn lại, ngành trồng trọt đã phát huy được lợi thế, sản lượng các loại cây trồng đạt khá, năng suất cao, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Thu Hà - Chi cục Trồng trọt và BVTV


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 325
Đã truy cập: 3282420