Để làm được điều này, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng cây Cát sâm giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống là cần thiết. Trung tâm Khuyến nông giới thiệu nội dung “Kỹ thuật nhân giống và trồng cây Cát sâm”; Đây là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học “Phát triển cây Cát sâm (Miletia speciosa) tại Quảng Ninh” theo Quyết định số 1159/QĐ-SNN&PTNT ngày 16/9/2019 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.
I. Nhân giống
- Hạt giống: Thu hái quả vào tháng 11-12 khi quả chín. Quả loại đậu, khi chín quả hơi dẹt, màu vàng nâu. Sau khi thu hái tiến hành phơi khô, quả khô chuyển màu đen và tự tách hạt ra. Hạt củ cát sâm giầu dinh dưỡng nên dễ bị thối hỏng. Gieo hạt tươi sau khi thu hái càng tốt. Nếu để bảo quản phải phơi hoặc sấy khô đạt độ ẩm 12%, bảo quản trong lọ thủy tinh màu tối, kín. Trong lượng 1.000 hạt trung bình: 280,7 gam.
- Xử lý hạt giống: Rửa sạch hạt giống, ngâm trong nước ấm (30-40oC) 4-6 giờ, ủ hạt vào cát ẩm sau 3-4 ngày, khi hạt nứt nanh, nảy mầm tiến hành cấy vào bầu. Kích cỡ bầu 8x15cm, thành phần ruột bầu 99% đất tầng B + 1% supe lân.
- Chăm sóc cây giống: Tưới giữ ẩm thường xuyên cho cây giống. Cây trước khi xuất vườn 15-30 ngày, hạn chế tưới nước, chỉ tưới đủ ẩm, 3-4 lần/tuần. Phun phòng định kỳ 2 tuần/lần. Cây được 2-3 tháng khi bộ rễ vượt qua khỏi đáy bầu tiến hành đảo bầu kết hợp phân loại cây con ra từng khu vực để tiện cho việc chăm sóc.
- Tiêu chuẩn cây xuất vườn: Tuổi cây 4-6 tháng; Chiều cao cây: 25-35cm; Đường kính cổ rễ: 0,25-0,3cm; Cây không bị sâu bệnh.

Cây giống Cát sâm đạt tiêu chuẩn xuất vườn tại vườn ươm Trung tâm Khuyến nông
II. Trồng cây
1. Chuẩn bị
- Chọn đất trồng: Đất vùng trung du hoặc đồi núi độ cao 200-600m so với mặt nước biển, độ dốc dưới 15%. Đất ẩm mát và thoát nước, thành phần cơ giới trung bình, tầng dày trên 0,5m nhiều mùn, tơi xốp, thoát nước tốt.
- Làm đất, bón phân lót:
+ Làm đất: Làm đất toàn diện, lên luống. Luống rộng 1,0-1,2 m, rãnh luống rộng 60-70cm, tạo hố trên luống, mỗi hố trên luống cách nhau 1m. Làm đất cục bộ: Dọn sạch vườn đồi, vận chuyển cỏ rác ra khỏi khu trồng. Đào hố kích thước 40 x 40 x 40cm. Cuốc hố theo hàng; hàng cách hàng 2m-2,5m, cây cách cây 1,0m.
+ Bón lót và lấp hố: Bón lót 3-5kg phân chuồng hoai mục và 0,2kg phân NPK + 0,5kg phân vi sinh/hố. Việc bón phân lót được kết hợp với khi lấp hố và phải hoàn thành trước khi trồng từ 8-10 ngày. Lấp hố bằng đất mặt không lẫn đá, được nhặt sạch cỏ, rễ cây và đập nhỏ.
Cách bón và lấp hố: dùng cuốc cào lớp mặt lấp đầy 1/2 chiều sâu của hố, sau đó bỏ phân theo lượng quy định xuống hố, tiếp tục lấp đất màu đến 2/3 chiều sâu của hố rồi trộn đều với phân trong hố. Cuối cùng lấp đất đầy hố, vun thành hình mu rùa cao hơn miệng hố 5cm.
2. Trồng, chăm sóc
- Thời vụ trồng: Có 2 vụ trồng cây trong năm;
+ Vụ Xuân-Hè là vụ chính: từ tháng 2 đến tháng 5.
+ Vụ Thu là vụ trồng phụ: từ tháng 8 đến tháng 9.
- Mật độ: 4.000-5.000 cây/ha.
Cây giống đạt tiêu chuẩn được vận chuyển khỏi vườn ươm đi trồng, bảo quản tránh cây bị đứt rễ, gẫy thân, ngọn ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây sau khi trồng. Tiến hành trồng cây khi đất trong hố đủ ẩm. Nên chọn những ngày trời râm hoặc nắng nhẹ để trồng cây.
- Trồng dặm: Sau khi trồng cây từ 8-10 ngày phải tiến hành kiểm tra tỷ lệ sống để tiến hành trồng dặm. Cây con trồng dặm phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật như trồng chính. Việc trồng dặm phải tiến hành làm 2-3 đợt nhưng không kéo dài quá một tháng, để đảm bảo tỷ lệ sống đạt trên 90%.

Mô hình trồng cây Cát sâm tại xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ do Trung tâm Khuyến nông thực hiện
- Chăm sóc: Ngay sau khi trồng, phủ thảm mục hoặc rơm rạ lên kín miệng hố để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Khi cây đã vươn cao, cắm cây hoặc làm giàn cho cây leo. Chăm sóc 2 năm liền, mỗi năm 2 lần. Bón thúc lần 1 vào thời điểm trước ra hoa (tháng 4-6), lần 2 bón sau khi ra hoa (tháng 10-11). Bón thúc kết hợp làm cỏ, vun gốc rộng 0,8-1m. Lượng bón 0,2 kg NPK (5:10:3)/cây. Thường xuyên theo dõi phòng trừ sâu bệnh và bảo vệ cây trồng.
Hoàng Thị Thế - Trung tâm Khuyến nông