Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành QCĐP về vật liệu sử dụng trong NTTS. Sau 02 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp vào cuộc của các Sở, ban, ngành, địa phương, sự chấp hành quy định của các cơ sở NTTS trên biển, sự tham gia tích cực của các cơ sở sản xuất vật liệu nổi, đã đạt được 1 số kết quả nhất định.

Toàn cảnh Hội nghị
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 15 đơn vị sản xuất, cung ứng phao nhựa được công bố hợp quy; danh sách các cơ sở sản xuất, cung ứng phao nhựa được công bố hợp quy theo quy định được thông báo, công bố rộng rãi đến các hộ dân nuôi trồng thủy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả chuyển đổi vật liệu nổi đạt quy chuẩn kỹ thuật địa phương đến nay có khoảng hơn 2.400.000 quả phao xốp, đã chuyển đổi sang phao nhựa theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương là hơn 1.200.000 quả, đạt 50%.
Kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản; kiểm tra lấy mẫu tại một số các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu nổi, cơ sở nuôi trồng thủy sản được thực hiện thường xuyên. Một số địa phương đã quyết liệt chỉ đạo công tác giải tỏa, di dời, xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép, không đúng quy hoạch, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy. Công tác thông tin, tuyên truyền đã có hiệu quả. Việc rà soát, giao, cho thuê mặt nước, khu vực biển đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản là hộ gia đình, cá nhân ở các địa phương được thực hiện theo hướng bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, chủ trương sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các cơ sở sản xuất vật liệu nổi cũng đã tích cực nghiên cứu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với điều kiện môi trường và đối tượng nuôi.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành QCĐP về vật liệu sử dụng trong NTTS
Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, khó khăn cần có sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương, các cơ sở sản xuất vật liệu nổi cùng toàn thể bà con nuôi trồng thủy sản trên biển. Việc sắp xếp các cơ sở nuôi trồng thủy sản theo hướng hình thành các vùng nuôi biển tập trung phù hợp với quy hoạch của huyện, tỉnh, tiến tới hoàn thành việc giao, cho thuê mặt nước, khu vực biển các cơ sở nuôi trồng thủy sản là hộ gia đình, cá nhân ở các địa phương còn chậm. Tồn tại, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận để đảm bảo thực hiện phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ, cấp mã vùng nuôi trồng thủy sản. Việc thu gom phao xốp hỏng, cũ hoặc do người nuôi thủy sản trên biển tự bỏ còn hạn chế; các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương thiếu phương tiện, lực lượng kiểm tra thường xuyên trên biển. Tiến độ thực hiện chuyển đổi phao xốp trong nuôi biển sang loại phao nổi phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật địa phương, thân thiện môi trường ở các địa phương chậm, không đảm bảo lộ trình đề ra hoàn thành trong năm 2022; trong khi sự chỉ đạo điều hành của chính quyền một số địa phương về quản lý nuôi trồng thủy sản trên biển chưa chặt chẽ, đôi lúc thiếu kiên quyết, quyết liệt.

Đồng chí Ngô Tất Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu kết luận tại Hội nghị
Đánh giá quá trình 02 năm thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi, đồng chí Ngô Tất Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh rất quan tâm chú trọng phát triển kinh tế thủy sản, nhất là hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển; nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản trên biển đã có chuyển biến tích cực về nhận thức trong thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi thân thiện với môi trường, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật địa phương; không để phát sinh phao xốp mới và nuôi trồng thủy sản trái phép ngoài quy hoạch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích các đơn vị sản xuất phao nhựa dùng trong nuôi trồng thủy sản chủ động đa dạng hóa mẫu mã, kích cỡ sản phẩm theo nhu cầu thực tế sản xuất và hoàn thiện thủ tục công bố hợp quy. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đề nghị các địa phương và các sở, ngành có liên quan phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên cơ sở diện tích đất, đất có mặt nước và khu vực biển để phát triển nuôi trồng thủy sản đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở nuôi trồng thủy sản trong quy hoạch, nhất là nuôi biển lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền giao, cho thuê đất, mặt nước, khu vực biển theo quy định gắn với thực hiện đồng bộ việc chuyển đổi vật liệu nổi, cấp phép nuôi trồng thủy sản và cấp mã cơ sở nuôi; Xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các vùng nuôi tôm, nuôi biển tập trung, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản…; bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất, cơ sở thu mua, các trung tâm dịch vụ hậu cần, dịch vụ nghề cá và chế biến thủy sản./.