Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có đàn trâu với 29.313 con, đàn bò 34.790 con, đàn lợn 280.425 con, đàn gia cầm 4.318.400 con. Tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại đạt 102.490 tấn. Toàn tỉnh hiện có 37.952 cơ sở chăn nuôi, trong đó 3 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 85 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 315 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và 37.549 cơ sở chăn nuôi nông hộ.
Hội nghị triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh vật nuôi, thủy sản năm 2023
Năm 2022, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2021. Không xuất hiện thiệt hại do dịch bệnh trên cá biển và cá nước ngọt nuôi. Các ổ dịch xảy ra đã sớm được phát hiện, tổ chức khoanh vùng, khống chế kịp thời, không lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho nhân dân và ngân sách. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi đã chủ động, tích cực đầu tư vào sản xuất, bảo vệ đàn vật nuôi, đóng góp thực hiện chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đưa ra các giải pháp triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2023. Trong đó kiến nghị tập trung nâng cao hiệu quả của hệ thống thú y cấp huyện, cấp xã; quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ; đẩy mạnh quản lý, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; chú trọng nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh…
Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra công tác phòng chống rét tại mô hình nuôi cá nước lạnh xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu.
Bước vào năm 2023, nhận định lợi thế của ngành chăn nuôi Quảng Ninh là thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tốt, cơ chế chính sách hỗ trợ chăn nuôi tương đối đầy đủ; tuy nhiên đặc thù chăn nuôi của tỉnh là nhỏ lẻ; mô hình tổ chức quản lý nhà nước về thú y còn nhiều bất cập... Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác năm 2023, tiến tới mục tiêu tăng trưởng GRDP của ngành khoảng 3 - 5%, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh ban hành chính sách và tổ chức thực hiện hiệu quả, chủ động các giải pháp phòng chống dịch bệnh, phòng từ xa, từ sớm. Các địa phương nên ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các nội dung kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Đồng thời chú trọng ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới..../