KỸ THUẬT THU HOẠCH, SƠ CHẾ, BẢO QUẢN HỒI

22/03/2023 08:21

      Cây Hồi (Illicium verum Hook.f ) được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, chủ yếu được sử dụng làm gia vị, làm thuốc chữa bệnh, làm hương liệu, chế biến lâm sản và hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến thức ăn chăn nuôi, bảo vệ môi trường, sinh thái...

 Đối với cây trồng bằng hạt sau khoảng 5-7 năm tuổi, cây ghép khoảng 3 năn tuổi thì bắt đầu cho quả. Làm tốt các khâu từ thu hạch đến sơ chế, bảo quản để góp phần đảm bảo hiệu quản sản xuất, người nông dân cần chú ý:

 1. Thu hoạch 

 a. Thời vụ thu hoạch: Vụ Đông (vụ mùa) thu hoạch vào tháng 8 đến tháng 9 dương lịch. Vụ Xuân - Hè (vụ chiêm) thu hoạch vào tháng 3 đến tháng 4 dương lịch.

 b. Thời điểm thu hoạch: Thu hoạch khi quả đã già, quả chuyển màu xanh đậm, cánh quả đều và mẩy, cứng, bóng, hạt bên trong bắt đầu chuyển màu nâu. Tỷ lệ tinh dầu thu được có sự khác biệt tại các thời điểm thu hoạch.

Thời điểm thu hoạch

Tỷ lệ thu hồi (quả khô/100kg tươi)

Tỷ lệ tinh dầu thu hồi (số kg/100kg tươi)

Vụ mùa (Vụ Đông)

Tháng 6

20

2,2

Tháng 7

20

2,5

Tháng 8

22

3,0

Tháng 9

25

3,5

Vụ chiêm (Vụ Xuân – Hè)

Tháng 1

 

2,0

Tháng 2

 

2,2

Tháng 3

 

2,5

Tháng 4

 

2,5

 Lưu ý khi thu hoạch:

 - Quả Hồi khi đến giai đoạn thu hoạch phải thu đồng loạt.

 - Tuyệt đối không được bẻ cành làm ảnh hưởng đến quả của vụ sau.

 2. Sơ chế, bảo quản 

 a. Sơ chế

 Sau khi thu hái phải ủ sấy và phơi nhằm giữ hình thái, chất lượng quả quy trình phơi sấy quả như sau:

 - Ủ sấy quả:

 + Tạo lò ủ sấy: Lò ủ sấy được tạo bằng cách xếp hoặc xây gạch thành 6 trụ có chiều cao 0,8m, chiều rộng 1,5-2m, chiều dài tuỳ theo lượng quả ủ sấy nhiều hay ít. Trung bình có thể ủ sấy từ 1-2 tấn quả. Phía trên các trụ kê gỗ cách đều nhau có khe hở để cho hơi nóng có thể bốc lên ủ sấy quả. Bên dưới kệ có treo một vài tấm sắt để hấp thụ nhiệt từ than nhằm tạo nhiệt nóng đều đồng thời tránh cho các bao hồi bên trên bị cháy khi đốt than.

 + Xếp Hồi lên kệ: Quả tươi được đóng trong các bao tải buộc kín. Sau đó xếp đống lên trên kệ, sau khi xếp xong đậy bạt kín.

 + Phương pháp ủ sấy: Rải đều than củi bên dưới sàn, tiến hành đốt than để ủ sấy quả ở nhiệt độ khoảng 60-700C, không nên để nhiệt quá cao làm quả bị chín nhũn gây ảnh hưởng đến chất lượng quả. Sau khoảng 12 tiếng kiểm tra quả trong bao, khi cánh quả bị mất màu xanh của diệp lục có thể mang ra phơi nắng hoặc sấy. Không dùng các hóa chất chống mốc không rõ tên, nguồn gốc, xuất xứ hoặc hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng mua bên ngoài để xử lý trước khi ủ sấy quả.  

 - Phơi hoặc sấy quả:

 + Phơi quả: Quả sau khi ủ sấy, làm sạch tiến hành rải đều lên toàn bộ phên làm bằng tre nứa hoặc sân phơi một lớp mỏng ở nơi thoáng, cách xa nguồn ô nhiễm (chuồng gia súc, gia cầm, cống rãnh…); chỉ phơi vào những ngày có nắng nhẹ (nhiệt độ cao nhất trong ngày không quá 360C), thời gian phơi từ 1-5 ngày. Cứ 6-7 giờ thì đảo quả một lần; đảo nhẹ nhàng tránh làm dập quả, gẫy cánh. Cuối giờ chiều hàng ngày, thu gom quả thành đống giữa sân (kích thước đống quả trung bình cao 0,8-1m; đường kính 1,2-1,5m), sau đó phủ bạt lên đống quả để tránh nhiễm sương. Khi quả đạt đến độ khô cần thiết (bẻ cuống hoa gãy giòn, bấm móng tay vào cánh hoa thấy cứng), quả có màu vàng cánh gián là đạt tiêu chuẩn. Hồi khô được cất giữ trong bao tải dứa để ở nơi cao thoáng mát. Không nên tận dụng những khoảng trống quanh nơi ở, đường đi để phơi. Nếu phơi trong những ngày lượng nắng không đủ sẽ làm cho mầu quả xỉn, nhăn dẫn đến chất lượng thấp, giá bán thấp.

 + Sấy quả: Trong trường hợp vào mùa hái quả gặp trời mưa không phơi được, cần xây một lò sấy dung tích khoảng 1,5x1,0x1,0m hoặc có thể rộng hơn tuỳ theo lượng ít hay nhiều. Ở phía trên đặt một tấm tôn hoặc sắt, ở phía dưới đun củi làm nóng miếng tôn. Quả được trải mỏng đều trên tấm tôn đó để sấy khô. Thời gian sấy thường từ 30 đến 48 giờ (1,5 đến 2 ngày sấy liên tục). Khi quả đạt đến độ khô cần thiết (bẻ cuống hoa gãy giòn, bấm móng tay vào cánh hoa thấy cứng), có màu vàng cánh gián là đạt tiêu chuẩn.

Ảnh minh họa

 b. Bảo quản

 Quả khô sau khi được ủ sấy để nguội cho vào bao tải buộc chặt, được bảo quản bằng cách đặt trên giá, cách mặt đất tối thiểu 30cm, cách tường tối thiểu 20cm; xếp thành đống vững chắc trong nhà kho kín, sạch sẽ, thoáng khí, cách xa nguồn ô nhiễm (chuồng gia súc, nhà vệ sinh…), không có côn trùng phá hoại. Thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện quả bị ẩm phải mang phơi hoặc sấy lại. Khi phát hiện quả bị nấm, mốc, tuyệt đối không được xử lý mốc bằng một số hóa chất chống mốc không rõ tên, nguồn gốc, xuất xứ hoặc hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng./.

Chu Văn Trí - TTKN


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1032
Đã truy cập: 2786840