Ngành tôm nước ta mặc dù có khá nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển tốt như điều kiện tự nhiên thuận lợi, người nuôi tôm có bề dầy kinh nghiệm cùng đội ngũ doanh nghiệp năng động với công nghệ chế biến hiện đại. Tuy nhiên năm 2023, ngành tôm được dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các tác động như cạnh tranh khốc liệt của thị trường, dịch bệnh, thời tiết... Để nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, hạn chế rủi ro, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 cao hơn năm trước, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội, doanh nghiệp và người nuôi cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể:
Đối với các đơn vị thuộc Bộ (Tổng cục Thủy sản; Cục Thú y; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Trung tâm Khuyến nông quốc gia...)
- Tổ chức các hội nghị chuyên đề; đôn đốc địa phương đẩy mạnh thực hiện đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (cấp mã số cơ sở nuôi tôm); chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong ngành tôm.
- Kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nguyên liệu; kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm. Chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
- Tổ chức khép kín chuỗi giá trị sản xuất nuôi tôm theo hướng an toàn, bền vững. Kịp thời thông tin, phối hợp xử lý các rào cản từ thị trường nhập khẩu tôm; phối hợp với Hiệp hội VASEP để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ tôm.
- Đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ để giải quyết thực trạng ngành tôm và xây dựng các quy trình công nghệ mới hiệu quả, thân thiện với môi trường để người dân, doanh nghiệp áp dụng...
Các địa phương ven biển
- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách ưu đãi về đất đai cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
- Thực hiệt tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2023; đẩy mạnh triển khai thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi theo quy định.
- Tổ chức liên kết giữa các địa phương tham gia chuỗi tôm; ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng.
- Tăng cường thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản. Ngăn chặn có hiệu quả việc lạm dụng thuốc, kháng sinh trong nuôi tôm.
- Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở nuôi trồng, sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường.
- Thực hiện có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi công nghệ cao... và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh thăm một số cơ sở sản xuất, chế biến tôm trên địa bàn
Các Hội, Hiệp hội về thủy sản
- Tuyên truyền, vận động các hội viên thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn; tích cực áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất.
- Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để kịp thời lắm bắt các quy định của pháp luật, yêu cầu của thị trường.
Các doanh nghiệp, người nuôi
- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, an toàn thực phẩm, thú y. Khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực để được cấp mã số cơ sở nuôi tôm.
- Chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất để chủ động ứng phó với điều kiện môi trường, dịch bệnh...có thể gây bất lợi cho tôm nuôi.
- Liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
- Tuân thủ các quy định về sử dụng giống, chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm; truy xuất nguồn gốc./.