Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông thực hiện xây dựng 01 mô hình trình diễn trồng cây hồi ghép theo hướng hữu cơ quy mô 02ha - 03 hộ tham gia tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu. Các hộ tham gia được nhận hỗ trợ 100% cây giống và phân bón, đồng thời đối ứng công lao động thực hiện mô hình (chăm sóc, quản lý,…). Sau 5 tháng trồng, cây sinh trưởng và phát triển tốt; tỷ lệ sống trung bình đạt 92%; chiều cao cây trung bình đạt 83,67 cm; đường kính gốc trung bình đạt 1,9 cm, không thấy xuất hiện sâu hại.
Hộ dân chăm sóc mô hình trồng mới năm 2022
Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị để nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công ty CPTM Tổng hợp Song Mộc ký kết hợp đồng liên kết giữa các bên bao gồm: Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Ninh, UBND xã Đồng Văn, đại diện nhóm hộ tham gia và Công ty CPTM Tổng hợp Song Mộc về việc thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm hồi ghép tại huyện Bình Liêu. Nội dung xây dựng mô hình quản lý sản xuất đã góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND “Về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh” của Hội đồng Nhân dân tỉnh ngày 30/7/2019.
Về đào tạo tập huấn: Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 02 lớp tập huấn trong và ngoài mô hình cho 60 lượt học viên, là các hộ trồng cây hồi trong vùng quy hoạch, các vùng lân cận chưa được tham gia dự án, cán bộ hỗ trợ cộng đồng, nông dân có nhu cầu tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ. Sau buổi tập huấn, các học viên đã nắm bắt được kiến thức và kỹ năng cơ bản như: quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng hồi ghép theo hướng hữu cơ; Kỹ thuật chuyển đổi rừng trồng Hồi sang canh tác hữu cơ; Quy trình đánh giá, chứng nhận Hồi hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu; nắm được chủ trương, chính sách của Nhà nước trong hỗ trợ cho các đối tượng tham gia dự án nói riêng và các hộ trồng hồi nói chung…
Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nhân giống cây hồi bằng phương pháp ghép
Về thông tin, tuyên truyền: Trung tâm Khuyến nông đã chỉ triển khai thực hiện các nội dung của thông tin, tuyên truyền và đạt được những kết quả nhất định như: Phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện phát tờ gấp kỹ thuật cho người dân trong vùng. Tờ gấp kỹ thuật được thiết kế và biên soạn ngắn gọn kèm hình ảnh minh hoạ giúp truyền tải kỹ thuật tới người dân một cách dễ dàng nhất; Tin bài quảng bá được tuyên truyền thông qua việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh; hội thảo sơ kết dự án.
Đoàn kiểm tra mô hình tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu
(Đại diện Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm DVKTNN huyện Bình Liêu, UBND xã Đồng Văn và hộ dân)
Nhằm phát huy những thành công đã đạt được, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng Kế hoạch số 27/KH-KN ngày 31/01/2023 về việc thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng Hồi ghép theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu” năm 2023, tiếp tục hoàn thành tốt mục tiêu của dự án. Trong đó, việc hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển vùng cây lâm sản ngoài gỗ (cây Hồi) theo hướng hữu cơ gắn liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, là một trong những nhiệm vụ trong tâm của dự án nhằm phát huy sản phẩm có thế mạnh của địa phương; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng nông thôn mới; từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp đồng bộ, bền vững nhằm nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện sinh kế và thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới tại huyện Bình Liêu./.