Tập trung phòng trừ sinh vật gây hại bảo vệ lúa xuân 2023

14/04/2023 16:02

     V Đông Xuân 2022 – 2023, theo kế hoạch toàn tỉnh gieo trồng 33.172,9 ha cây hàng năm. Trong đó lúa xuân 15.031 ha; ngô: 4.249,4 ha; lạc: 1.519 ha, tương: 225,5 ha, khoai lang: 1.837,5 ha, rau xanh các loại trên 8.047 ha, một số cây trồng khác…

      Tính đến ngày 10/4/2023, diện tích gieo trồng vụ Đông xuân 2022-2023 ước đạt 33.005 ha, đạt 99,49% kế hoạch, trong đó diện tích lúa khoảng 14.984 ha đạt 99,69% kế hoạch, hiện trà xuân sớm đang giai đoạn làm đòng, đòng già - thấp tho trỗ; trà lúa xuân muộn đang giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ - đứng cái. Từ đầu vụ đến nay, một số đối tượng sinh vật gây hại đã phát sinh và gây hại trên lúa, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá và sâu cuốn lá nhỏ. Các địa phương đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện phun phòng trừ bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, …. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết những ngày qua trời nhiều mây, âm u, mưa nhỏ, mưa phù kéo dài gây khó khăn cho công tác phun trừ các đối tượng sinh vật hại, nhưng lại là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sinh vật hại phát sinh gây hại.

      Qua kiểm tra đồng ruộng, hiện nay sâu cuốn lá nhỏ lứa 2: sâu non cao điểm 1 đang gây hại mật độ phổ biến: 3-5 con/m2, cao: 20-30 con/m2, cục bộ 60-70 con/m2 (T1-T3) tại Hạ Long, Hải Hà, Đông Triều, Uông Bí, Ba Chẽ… cá biệt tại Ba Chẽ có điểm >150 con/m2; diện tích nhiễm 390,5 ha (nhiễm trung bình 50,5 ha, nặng: 05 ha); cao điểm 2: trưởng thành đang vũ hóa mật độ phổ biến: 0,5-2 con/m2, cao: 5-7 con/m2, cục bộ >15 con/m2 tại Uông Bí, Ba Chẽ; dự kiến sâu non lứa 2 cao điểm 2 nở và gây hại tập trung từ 17/4 trở đi trên trà lúa xuân muộn giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 đang nở và gây hại với mật độ phổ biến 100-150 con/m2, cao: 800-1.000 con/m2, cục bộ >3.000 com/m2 phát dục tuổi 1-3; thời gian tới rầy tiếp tục phát sinh, gây hại trên các trà lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, làm đòng, trỗ bông, mật độ nơi cao > 3.000 con/m2. Bệnh đạo ôn lá đang tiếp tục phát sinh và gây hại mạnh trên các giống nhiễm như TBR 225, JO2, Thiên ưu, BC15,... Tỷ lệ bệnh PB: 1-2%, cao: 15-20% (Cấp 1 - 3), cục bộ >30% (số lá) tại Hạ Long, Tiên Yên, Hải Hà, Ba Chẽ, Đầm Hà, Bình Liêu, Móng Cái,... Diện tích nhiễm khoảng  420 ha (nhiễm nặng 20,5ha). Bệnh khô vằn phát sinh gây hại tập trung từ đầu tháng 4, hiện đang gây hại mạnh với tỷ lệ bệnh hại phổ biến 2-3%, cao: 10-15%, cục  bộ: 40% (Số dảnh) tại Đông Triều, Hạ Long, Uông Bí,... diện tích nhiễm là 400ha (nhiễm trung bình 05 ha). 

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa

      Để bảo vệ an toàn cho sản suất lúa vụ xuân 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế), Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường bám sát đồng ruộng theo dõi chặt chẽ diến biến phát sinh gây hại của các đối tượng sinh vật hại; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ dân tự kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời các diện tích lúa có mật độ sâu, bệnh tới ngưỡng phòng trừ, tranh thủ thời tiết thuận lợi để phun thuốc kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”. Cụ thể:

      * Ðối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 2

      - Tiếp tục phun trừ những diện tích lúa bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại có mật độ từ trên 50 con/m2 trở lên (đối với giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ); từ trên 20 con/m2 trở lên (đối với giai đoạn đứng cái - làm đòng).

       - Khuyến cáo sử dụng một trong các loại thuốc sau: Bemab 52 WG, Angun 5WG, Peran 50EC, Virtako 40WG, Reasgant 3.6EC, ,... để phun trừ. Những nơi có mật độ sâu cao đề nghị phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3 - 5 ngày.

       * Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng

      Kiểm tra, phun trừ toàn bộ những diện tích có mật độ từ 1.500 con/m2, sử dụng một số loại thuốc như: Babsax 400 WP, Anvado 100WP, Bassa 50EC, Goldra 250WG, Sạch rầy… Đối với những nơi có mật độ trên 2.000 con/m2 sử dụng hỗn hợp 2 loại thuốc thuốc như:  2 gói Babsax 400 WP (hoặc 2 gói Anvado 100WP) + với 60 ml thuốc Bassa 50EC pha với 30 lít nước phun cho 1 sào.

       * Đối với bệnh khô vằn

       - Đảm bảo giữ đủ nước trong ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh, làm đòng, trỗ bông;

      - Ngừng bón đạm và phân NPK giầu đạm, ngừng phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá trên những diện tích lúa bị bệnh;

      - Phun trừ cho những diện tích có tỷ lệ bệnh từ 10% số dảnh bị bệnh trở lên bằng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Validacin 3SL, 5L, Anvil 5SC, Vanicide 5SL,....

      * Đối với bệnh đạo ôn

      - Ngừng bón đạm và phân NPK giầu đạm, ngừng phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá trên những diện tích lúa đã xuất hiện bệnh đạo ôn.

      - Những ruộng có tỷ lệ bệnh đạo ôn hại từ trên 5% số lá, cần tiến hành phun phòng trừ bệnh bằng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Filia-525SE; Tilbis Super 550SE, Fuji-One 40EC, Difusan 40EC,…(Liều lượng nồng độ pha theo hướng dẫn trên bao bì). Đối với những diện tích bị bệnh đạo ôn hại nặng cần tiến hành phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3 - 4 ngày. Luôn giữ đủ nước trong ruộng từ 3-5 cm.

      - Khi kiểm tra thấy bệnh dừng gây hại thì tiếp tục chăm sóc, bón phân cho cây lúa bình thường.

      Lưu ý nếu các đối tượng sinh vật hại cần phòng trừ xuất hiện cùng lúc, các hộ dân có thể phối hợp các loại thuốc nhưng phải giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. 

      Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật cung ứng trên địa bàn bảo đảm cung cấp thuốc chất lượng cho nông dân./.

Nguyễn Thị Hằng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 316
Đã truy cập: 3315120