5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động

17/04/2023 10:28

      Xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và toàn xã hội; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

      Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc của Tổ Quốc, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; có địa hình rất đa dạng gồm: đồi núi, đồng bằng, biển, đảo và thềm lục địa gắn liền với vai trò vị trí của rừng như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, di tích Yên Tử... Với gần 70% diện tích tự nhiên là rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp, diện tích đất có rừng đứng thứ 18/63 tỉnh thành trong cả nước; những năm qua, tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 55% (đứng thứ 14/63 tỉnh thành và cao hơn mức bình quân chung cả nước là 13%). Rừng Quảng Ninh có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, vành đai biên giới, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, tạo nguồn sinh thủy đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước. 

Rừng giữ vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “Nâu” sang “Xanh” của tỉnh Quảng Ninh

      Xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và toàn xã hội; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 13-CT/TW, tỉnh Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo rừng, triển khai đồng bộ, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

      Ngay sau khi Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xây dựng Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 20/3/2017 để triển khai thực hiện; Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững (Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019) và nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để triển khai. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện được triển khai nghiêm túc, bài bản, sâu rộng, chi tiết, quyết liệt, có hiệu quả; trở thành nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện công tác năm, quý, tháng của cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương. Các Chương trình hành động, kế hoạch triển khai Chỉ thị đã bám sát quan điểm, chủ trương, định hướng, mục tiêu của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xác định những nhiệm cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Năm 2010, độ che phủ rừng của Quảng Ninh là 46,2%, diện tích rừng là 310.359,00 ha; đến năm 2017 độ che phủ rừng là 54,4% và đến năm 2022 độ che phủ rừng đạt 55% với tổng diện tích có rừng là 339.982,81 ha. Trong thời gian dài, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt góp phần tăng 29.623,81 ha rừng, tương ứng tăng thêm 8,8% độ che phủ rừng, đồng thời giữ vững độ che phủ rừng 55% đến năm 2025; bảo vệ, duy trì ổn định diện tích rừng tự nhiên; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành lâm nghiệp đạt 6,67%/năm.

      Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc quán triệt, triển khai đồng bộ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong kiểm tra, giám sát, thanh tra về quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp vào chương trình công tác, qua đó đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sai phạm. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, quản lý đất lâm nghiệp; kiên quyết điều chỉnh, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, để đất lâm nghiệp hoang hóa, chuyển nhượng, cho, tặng đất trái phép.

      Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức đa dạng … trên tất cả các hạ tầng truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử, cổng thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội. đã góp phần giúp nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng bền vững, phòng chống cháy rừng cho cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, các tổ chức, doanh nghiệp nghiệp, các chủ rừng, hộ gia đình và các tầng lớp Nhân dân, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động, triển khai Chỉ thị số 13-CT/TW đạt hiệu quả.

      Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao; cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp từ tỉnh tới cơ sở được kiện toàn, củng cố; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về lâm nghiệp được bổ sung, hoàn thiện, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi.

      Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; đặc biệt là ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019). Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh. Chỉ đạo, điều hành, xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng liên ngành ở địa phương trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng, trong thanh tra, kiểm tra, giám sát chính quyền các cấp, các ngành đối với công tác quản lý và sử dụng rừng, đất rừng, tài nguyên than, khoáng sản, các khu kinh tế, khu công nghiệp, đất lấn biển, đất có nguồn gốc lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và mặt nước ven biển, chuyển mục đích sử dụng rừng. Đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong phạm vi dự án, phạm vi khảo sát lập quy hoạch.

Từ năm 2017 đến hết năm 2022, Tỉnh đã ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có 03 Nghị quyết về các chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện có

      Lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, sắp xếp lại Chi cục Kiểm lâm trên cơ sở sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm, thực hiện tham mưu quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo hướng tinh gọn bộ máy, thống nhất về chức năng quản lý, bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng và nâng cao năng lực của lực lượng Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

      Xác định chính sách là một giải pháp quan trọng cho phát triển lâm nghiệp, căn cứ vào các quy định của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức rà soát, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện thí điểm tại một số địa phương để có đánh giá điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, do đó các chính sách đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

      Công tác phòng, chống cháy rừng được cấp uỷ, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, 100% địa phương cấp huyện, cấp xã thành lập Ban Chỉ huy Phòng, cháy chữa cháy rừng; xây dựng Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; kịp thời nắm bắt, cảnh báo phát hiện sớm nguy cơ cháy rừng thông qua phần mềm phát hiện sớm cháy rừng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, duy trì chế độ trực cháy, phát hiện sớm lửa rừng, giám sát người ra, vào các khu vực rừng dễ cháy và sự phối hợp của các lực lượng chức năng, phát huy có hiệu quả các tổ, đội phòng chống cháy rừng tại cơ sở. Hàng năm, thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó cháy rừng; thi tìm hiểu Luật Lâm nghiệp và quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; tập huấn nghiệp vụ quản lý lửa rừng, kiến thức và kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng; do vậy diện tích cháy rừng được hạn chế tối đa và giảm qua các năm. 

Công tác diễn tập ứng phó cháy rừng, tập huấn nghiệp vụ quản lý lửa rừng, kiến thức và kỹ thuật PCCCR thường xuyên được tổ chức

      Với quan điểm xuyên suốt và nhất quán là thực hiện phát triển xanh, bền vững, các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng được rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai và thực hiện ngay trong quá trình lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Rà soát toàn bộ các quy hoạch, cập nhật, kiểm kê rừng, xác định rõ hiện trạng, ranh giới, diện tích, trữ lượng rừng và đất chưa có rừng giúp quản lý, hoạch định chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ rừng

      Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã ban hành các Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/01/2014, số 16-NQ/TU ngày 09/5/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh và các chỉ đạo khác về tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản; trong đó đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung quản lý đất rừng có khoáng sản, kiên quyết thu hồi chủ hộ nhượng bán, chuyển đổi có tiềm ẩn đầu cơ, lợi dụng khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân để vi phạm lợi dụng dự án nhằm khai thác trái phép than và khoáng sản... Qua đó các ngành chức năng của Tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, rà soát đối với các khu vực đất rừng nơi có khoáng sản; đồng thời chủ động làm việc với các địa phương khu vực giáp ranh với tỉnh (như Lạng Sơn, Bắc Giang...) để kịp thời phối hợp cung cấp thông tin, tuần tra, xử lý, khắc phục ngay các dấu hiệu hành vi vi phạm, không để xảy ra các vấn đề phát sinh gây phức tạp trong công tác quản lý.

      Các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh được cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan xem xét kỹ lưỡng, theo nguyên tắc hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, trực tiếp là Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trong kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, sử dụng rừng, đất rừng. Từ năm 2017 đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 235 dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích 3.115,68 ha. Tỉnh không có dự án chuyển mục đích sử dụng rừng để phát triển thủy điện, trồng cao su và đến nay chưa có dự án bị đình chỉ, thu hồi đất do sai phạm trong chuyển mục đích sử dụng rừng. Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư được thực hiện nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng thẩm định với chính quyền địa phương, tiến hành khảo sát thực tế, kiểm tra hiện trường trước khi họp thẩm định.

      Công tác điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng được thực hiện đồng bộ, giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm rừng trái pháp luật, hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

      Tỉnh đã quán triệt, triển khai xác định rõ trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền; các cơ quan nhà nước; các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và toàn xã hội. Hằng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng đưa nội dung kiểm tra, giám sát, thanh tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và sử dụng rừng, đất lâm nghiệp; thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch ba loại rừng; việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp vào chương trình công tác để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sai phạm. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý; các vi phạm đều được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. 

Đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông bằng công nghệ mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đảm bảo chất lượng, hiệu quả rừng trồng mới.

      Công tác phát triển rừng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phát triển kinh tế rừng, dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, ưu tiên. Tỉnh đã chỉ đạo tập trung triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch phát triển lâm nghiệp gắn với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương. Quản lý chặt chẽ đất bãi triều, diện tích rừng ngập mặn; lập quy hoạch tổng thể và kế hoạch sử dụng đất và tài nguyên vùng bãi triều hợp lý, bền vững; coi quỹ đất có mặt nước biển và rừng ngập mặn là nguồn lực và tài nguyên quý hiếm để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; 

Công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp được quan tâm, thực hiện chặt chẽ thông qua việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con và giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống, góp phần năng suất, chất lượng rừng trồng

      Quy hoạch phát triển chế biến lâm sản được thực hiện gắn liền với quy hoạch vùng nguyên liệu, chỉ cấp phép xây dựng mới nhà máy chế biến lâm sản tổng hợp khép kín bằng công nghệ hiện đại tạo ra thành phẩm giá trị gia tăng, có công suất phù hợp với sản lượng lâm sản khai thác và theo quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đổi mới công nghệ chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm lâm sản, hạn chế tối đa tiến tới dừng việc xuất khẩu dăm gỗ và gỗ ván ép. 

Thu hút xây dựng các nhà máy chế biến lâm sản tổng hợp khép kín, công suất lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến; đồng thời giảm cơ sở chế biến nhỏ lẻ

      Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW được tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở; đã tạo sự chuyển biến rõ nét, mạnh mẽ, thực chất về nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, phát triển xanh, tuần hoàn sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực năm 2019. Đã triển khai, hoàn thành 18/18 nội dung nhiệm vụ cấp tỉnh và các nhiệm vụ cấp huyện đã được chỉ đạo trong Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 20/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến rõ nét, tình trạng vi phạm pháp luật lâm nghiệp giảm cả số lượng và mức độ; diện tích rừng tự nhiên được duy trì và bảo vệ tốt./.

Thành Minh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 891
Đã truy cập: 2784020