Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, định hướng đến năm 2050

10/05/2023 16:21

      Ngày 28/4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1693/KH-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

     

Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học trong nông nghiệp làm tăng nguy cơ phát thải khí nhà kính

      Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch gồm: (1).  Đến năm 2025, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải KNK là 53,57 triệu tấn CO2tđ (không bao gồm lượng giảm phát thải KNK từ sử dụng năng lượng trong sản xuất), trong đó, lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) giảm tối thiểu là 14,26 triệu tấn CO2tđ, lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất giảm tối thiểu là 39,31 triệu tấn CO2tđ; tổng lượng phát thải mê-tan không vượt quá 59 triệu tấn CO2tđ. (2). Đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải KNK là 121,9 triệu tấn CO2tđ (không bao gồm lượng giảm phát thải KNK từ sử dụng năng lượng trong sản xuất), trong đó, lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) giảm tối thiểu là 42,85 triệu tấn CO2tđ, lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất giảm tối thiểu là 79,1 triệu tấn CO2tđ; tổng lượng phát thải mê-tan không vượt quá 45,9 triệu tấn CO2tđ, giảm 30% so với mức phát thải năm 2020.

      Các nội dung đưa ra để thực hiện mục tiêu của Kế hoạch gồm:

      (1). Các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK lĩnh vực trồng trọt

      - Mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G) và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp. Ưu tiên triển khai ở những vùng có hệ thống thủy lợi thuận lợi.

       - Thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang lúa-thủy sản (lúa cá, lúa tôm,) và sang cây trồng cạn nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương,…

      -  Đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín cho các khu vực sản xuất lúa tập trung, phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và giảm phát thải KNK, khí mê-tan. Ưu tiên triển khai ở những vùng có hạ tầng thủy lợi trung bình, kém.

      - Mở rộng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và quản lý cây trồng tổng hợp (bón phân, quản lý sâu bệnh hại, v.v) cho lúa, cho cây trồng cạn (bón phân, quản lý sâu, bệnh hại, tưới nước tiết kiệm v.v

      - Thay thế phân đạm urê bằng phân bón chậm tan, phân bón tan có điều khiển, phân bón phức hợp chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm phát KNK.

      - Thu gom, quản lý và tái sử dụng phụ phẩm cây trồng: áp dụng trên diện rộng quy trình, công nghệ thu gom tập trung, xử lý, tái sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải KNK.

      (2).Các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK lĩnh vực chăn nuôi

       - Cải thiện khẩu phần thức ăn cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt

       - Cải thiện chất lượng khẩu phần ăn cho trâu và dê: sử dụng các chế phẩm Zeolite trong khẩu phần ăn của trâu và dê (quy mô nông hộ và trang trại).

      - Cải tiến công nghệ tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ: ứng dụng công nghệ vi sinh trong ủ phân, công nghệ tách phân và nước tiểu trong chăn nuôi lợn để nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi và sản xuất phân bón hữu cơ.

      (3).Các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất.

       - Bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi.

       -  Bảo vệ diện tích rừng ven biển

       - Phục hồi (trồng mới) rừng đặc dụng và rừng phòng hộ

       - Nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng tự nhiên nghèo

       - Nâng cao năng suất và trữ lượng các-bon của rừng trồng gỗ lớn

      - Nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon và bảo tồn đất

       - Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

      Để triển khai thực hiện Kế hoạch hiệu quả, bên cạnh việc giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ ngông nghiệp và PTNT, nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương phải triển khai thực hiện gồm: (1) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương. (2). Tham mưu lồng ghép với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của địa phương để tối ưu nguồn lực xã hội và đóng góp của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản. (3). Phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn và kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm phát thải KNK đối với các cơ sở phát thải KNK của các lĩnh vực thuộc ngành. (4). Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong quản lý, giám sát thực hiện các biện pháp giảm phát thải, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; cung cấp kết quả thực hiện giảm phát thải KNK từ sản xuất nông nghiệp. (5). Tuyên truyền Kế hoạch để nông dân hiểu biết và đồng thuận thực hiện./.

Nguyễn Thị Hằng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 468
Đã truy cập: 2781175