Nhiệt độ nước là thông số quan trọng trong quản lý chất lượng môi trường nuôi thủy sản. Nhiệt độ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của động vật thuỷ sản hoặc gián tiếp thông qua các quá trình lý hoá của thuỷ vực. Nhiệt độ cao hoặc dao động lớn sẽ gây sốc, giảm sức đề kháng của động vật thủy sản, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng tỷ lệ sống. Nhiệt độ nước cao còn là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển.
Nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ nước tăng lên, các chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao sẽ phân huỷ mạnh, quá trình phân hủy chất hữu cơ không chỉ tiêu hao nhiều oxy hoà tan trong nước mà còn thải ra các khí độc ở đáy ao như: N-NH3, N-NO2 khuyếch tán vào nước gây ngộ độc cho động vật thủy sản. Mặt khác, nắng nóng trong thời gian dài tạo điều kiện cho các loại tảo trong ao phát triển mạnh làm giảm hàm lượng oxy hòa tan trong nước vào ban đêm và sáng sớm.
Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng và nâng cao hiệu quả sản xuất. Chi cục Thủy sản (đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) khuyến cáo cơ sở nuôi thủy sản cần áp dụng một số biện pháp sau đây để ổn định môi trường ao nuôi và hạn chế các tác động xấu đến thủy sản nuôi:
1. Đối với vùng nuôi tôm
- Kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rõ rỉ mất nước. Duy trì mực nước trong ao tối thiểu từ 1,2 – 1,8m để ổn định nhiệt độ nước ao nuôi. Chuẩn bị nước sạch trong ao lắng/lọc để cung cấp hoặc thay thế một phần nước ao nuôi khi cần.
- Tăng cường quạt nước vào thời điểm từ 10 – 18h để tránh sự phân tầng nhiệt, tăng cường oxy hòa tan ở tầng đáy. Quạt khí vào ban đêm từ 2h đêm đến 4h sáng để tránh thiếu oxy hòa tàn trong nước.
- Cho tôm ăn vào sáng sớm và chiều mát. Giảm 30 – 40% lượng thức ăn cho tôm vào những ngày nắng nóng trên 35ºC. Ngừng cho tôm ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39 – 40ºC. Kiểm tra lượng thức ăn dư thừa và xi phông đáy để loại bỏ nguồn chất hữu cơ.
- Bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm định kỳ 2 đợt/tháng, mỗi đợt cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày để tăng cường sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ.
- Hạn chế đánh bắt, san thưa và vận chuyển tôm khi thời tiết nắng nóng, trong trường hợp cần thiết nên tiến hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Thường xuyên quan sát màu nước ao nuôi và tôm thông qua phản xạ, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân. Nếu có biểu hiện bất thường cần báo ngay cán bộ kỹ thuật phụ trách để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hình ảnh vùng nuôi tôm tập trung
2. Đối với vùng nuôi ngao tập trung
- Kiểm tra bãi nuôi hàng ngày, khai thông các vùng nước đọng trên mặt bãi, tránh hiện tượng nhiệt độ tăng cao cục bộ làm chết ngao nuôi. Khi có hiện tượng bất thường, phải báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp ứng phó kịp thời.
- Định kỳ vệ sinh ngay mặt bãi, vây cọc, tu sửa chân vây lưới, tạo sự thông thoáng cho nước triều lên xuống, làm tăng nguồn thức ăn cho ngao.
- Đối với những bãi nuôi có thời gian phơi bãi quá 4h/ngày và trùng với thời điểm xuất hiện nắng nóng cần san thưa mật độ để ngao có thể vùi mình xuống sâu, nếu mật độ quá dày ngao bị chồng lên nhau những con ở trên dễ bị chết do sốc nhiệt độ.
- Thu tỉa ngao đã đạt kích cỡ thu hoạch tránh rủi ro do nắng nóng kéo dài gây ra; tuân thủ quy định của cơ quan chuyên môn về mùa vụ thả nuôi, chất lượng con giống. Không nên thả giống ở thời điểm nhiệt độ cao và nắng nóng kéo dài.
3. Đối với vùng nuôi hàu tập trung
- Vệ sinh, loại bỏ rong rêu, vật bám ở dây treo, hàu nuôi…, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên các chòi canh, nhà bè nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
- Kiểm tra hàu nuôi và loại bỏ hàu chết tránh gây ô nhiễm môi trường từ đó giảm sự phát triển của vi khuẩn, hạn chế lây nhiễm và ảnh hưởng của vi khuẩn Vibiro spp. Duy trì mật độ nuôi phù hợp, không thả nuôi hàu với mật độ cao dẫn đến thiếu nguồn thức ăn cho hàu phát triển, làm hàu yếu, tăng nguy cơ nhiễm bệnh vi khuẩn.
- Hạ sâu dây nuôi hầu xuống dưới 2m để hạn chế ảnh hưởng nắng nóng.
- Định kỳ kiểm tra hàu nuôi để có biện pháp xử lý khi có dấu hiệu bất thường.
- Thu hoạch hàu nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm.

Hình ảnh vùng nuôi nhuyễn thể bằng lồng bè
4. Đối với vùng nuôi cá trong ao
- Duy trì mực nước trong ao trên 1,5m để hạn chế sự biến động nhiệt độ, pH nước ao nuôi.
- Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Khi đánh bắt và vận chuyển cá phải tiến hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
- Sử dụng máy bơm nước trong những ngày nắng nóng để tránh hiện tượng phân tầng nước. Tăng cường máy quạt nước vào ban đêm, đặc biệt từ 2 giờ đêm đến 4 giờ sáng để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong ao để tránh thiếu oxy vào ban đêm và sáng sớm do tảo phát triển mạnh khi nắng nóng kéo dài.
- Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lớn có thể làm cá yếu, sức đề kháng giảm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây hại. Do đó nên bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng 3 g/kg thức ăn, đồng thời phòng bệnh cho cá bằng cách vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi, mỗi lồng 1 – 2 túi, mỗi túi 3 – 4kg vôi, độ sâu treo túi vôi bằng 1/3 độ sâu mực nước trong lồng nuôi.
- Cho cá ăn vào sáng sớm và chiều mát. Khi nhiệt độ nước trên 35°C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Ngừng cho cá ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39 – 40ºC.

Hình ảnh ao nuôi cá Rô phi
5. Đối với cá nuôi lồng trên sông/hồ
- Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng.
- Khi mực nước trên sông/hồ giảm. Cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu để bảo đảm độ sâu lồng nuôi luôn ở mức 2,5 – 3,0m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao.
- Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi vào thức ăn cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát (buổi sáng cho ăn nhiều hơn buổi chiều) để cá nuôi có thể sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Khi nhiệt độ nước trên 35°C thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Ngừng cho cá ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39 – 40ºC.
- Tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ nuôi trong lồng. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.
Trên đây là các khuyến cáo giải pháp của Chi cục Thủy sản đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Các giải pháp đưa ra dựa trên các thông tin dự báo của nhiều đơn vị chuyên môn khác nhau; mục đích thông báo đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản tham khảo để có kế hoạch sản xuất trong các tháng tiếp theo cho phù hợp, tránh các rủi ro và đạt hiệu quả kinh tế cáo nhất./.