Để chủ động kịp thời ứng phó với hiện tượng bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đối với đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị Phòng Kinh tế/Nông nghiệp và PTNT; Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố quan tâm hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi, cụ thể như sau:
1. Khuyến cáo các doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phù hợp chăm sóc nuôi dưỡng cho đàn gia súc, gia cầm và vật nuôi thủy sản. Tăng cường các biện pháp làm mát chuồng nuôi bằng cách: Dùng lưới đen, bạt, và các vật dụng sẵn có che chắn xung quanh chuồng nuôi tạo sự thoáng mát nhằm giảm nhiệt độ chuồng nuôi. Thiết kế hệ thống phun mưa, phun nước trực tiếp lên mái chuồng vào những thời điểm nắng nóng cao độ trong ngày (từ 11h trưa đến 16h chiều) và sử dụng tốt hệ thống thông gió để hạ nhiệt, hạn chế thấp nhất lượng phân hữu cơ tại chuồng nuôi, cụ thể:
- Đối với gia cầm nuôi nhốt: (a) Nên giảm nhiệt độ chuồng nuôi, nếu có điều kiện có thể thả đàn gia cầm ra vườn, các gốc cây quanh chuồng nuôi. Đặc biệt hạn chế vận chuyển gia cầm vào thời điểm nắng nóng gay gắt trong ngày. (b) Bổ sung thêm nước uống cho đàn gia cầm, giảm lượng tinh bột, tăng đạm, vitamin, khoáng vào khẩu phần ăn để tăng cường sức đề kháng. (c) Nên cho gia cầm ăn vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát hoặc ban đêm. (d) Hạn chế sử dụng vác xin phòng bệnh cho gia cầm vào các ngày nắng nóng.
- Đối với gia súc: (a) Về chuồng trại, cần có các biện pháp cải thiện tiểu khí hậu chuồng nuôi. Giữ mật độ gia súc trong chuồng vừa phải, cần đảm bảo độ thông thoáng. (b) Nên vận chuyển gia súc tốt nhất vào sáng sớm hoặc tối đêm; thành thùng xe làm chấn xong để tăng độ thông thoáng, có mái che và đảm bảo cho gia súc uống đủ nước trước khi vận chuyển. (c) Về chăn thả: Vào những ngày nắng nóng hoặc sau khi tiêm phòng vắc xin cần có chế độ quản lý thích hợp, không chăn thả và làm việc ngoài trời lúc nắng gắt. Nên tắm cho trâu bò từ 1-2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể và phòng bệnh ký sinh trùng ngoài da. (d) Cung cấp đủ nước uống, thức ăn tinh, thô xanh và bổ sung khoáng chất cho đàn vật nuôi.
- Đối với nuôi trồng thủy sản: duy trì mức nước trong ao đảm bảo >1.5 mét ( tùy theo từng đối tượng nuôi), dùng lưới đen che chắn tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời để giảm tác động của nắng nóng với thủy sản (Nếu điều kiện cho phép). Đặc biệt cần có biện pháp giảm khí độc đáy ao, đầm nuôi, ổn định pH, ô xy hòa tan trong nước, để tránh bị sốc nhiệt, các yếu tố môi trường gây ra. Bổ sung vitamin, khoáng vào khẩu phần ăn để tăng cường sức đề kháng hạn chế tối đa thiệt hại cho đàn vật nuôi thủy sản.

Phòng chống nắng nóng cho gia cầm bằng dàn lạnh tại Công Ty Cổ phần Phát triển chăn nuôi và Nông- Lâm- Ngư nghiệp Phúc Long
2. Chỉ đạo cán bộ Thú y các xã, phường, thị trấn vận động các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, thu gom chất thải, rác thải xung quanh chuồng nuôi góp phần làm giảm sức nóng, khí độc từ chuồng nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng, phun thuốc diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt...
3. Các cơ sở chăn nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi phát hiện sớm gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để báo cán bộ thú y kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời. Tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại các loại vác xin cho gia súc, gia cầm, đảm bảo kế hoạch tiêm phòng tỉnh giao.
4. Tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống nắng nóng, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các chủ cơ sở chăn nuôi trên địa bàn theo kế hoạch đã ban hành./.
Trần Thị Thắm - Chi cục Chăn nuôi và Thú y