Các Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá được thành lập; mô hình hoạt động thực hiện đúng theo quy định; đã bố trí phòng làm việc, xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên, tổ chức in các biểu mẫu, sổ theo dõi, nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và trang bị các điều kiện phục vụ hoạt động của Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá. Việc tuyên truyền thực hiện các quy định về khai báo tàu cá cập, rời bến đã được triển khai thực hiện đến tận các chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu cá. Đã thực hiện kiểm soát tàu cá cập, rời bến, giám sát sản lượng thuỷ sản qua các điểm kiểm soát: Từ 01/01/2023 đến nay, số lượt tàu cá cập, rời bến tại các điểm kiểm soát là 2.305 lượt tàu, trong đó: 1.121 lượt cập, 1.184 lượt rời cảng; sản lượng thuỷ sản khai thác kê khai tại các điểm kiểm soát là 2.831,4 tấn (chiếm 11,7% tổng sản lượng thuỷ sản khai thác 04 tháng đầu năm); đã thực hiện cấp phát 812 mẫu nhật ký khai thác thuỷ sản, báo cáo khai thác thuỷ sản; thu 1.126 quyển nhật ký khai thác thuỷ sản, báo cáo khai thác thuỷ sản. Trong quá trình triển khai thực hiện còn có một số khó khăn liên quan đến bố trí nguồn nhân lực chuyên trách, kinh phí hỗ trợ, phụ cấp cho thành viên Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện (tại văn bản số 2061/SNN&PTNT-CCTS ngày 22/5/2023), cụ thể:
Về sắp xếp, bố trí nhân lực chuyên trách trực tại các Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá: Tại Khoản 1 Điều 2 của Quyết định số 1412/QĐ-UBND ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh, quy định: “Thành lập Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá do UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập và thực hiện thường trực 24/24 giờ trong ngày, 07 ngày trong tuần tại các điểm kiểm tra, kiểm soát tàu cá được công bố; thành phần gồm các lực lượng: Đại diện Lãnh đạo phòng Kinh tế (hoặc phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) các huyện, thị xã, thành phố (làm Trưởng bộ phận); các thành viên gồm: Đại diện Bộ đội Biên phòng quản lý khu vực bến, cảng (nếu có), đại diện lãnh đạo UBND và cán bộ xã, phường, thị trấn, đại diện Tổ chức quản lý bến, cảng, khu neo đậu tránh trú bão và các thành phần khác phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương”. Đồng thời, tại Khoản 3 Điều 2 của Quyết định số 1412/QĐ-UBND ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh, quy định: “UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm: Bố trí đầy đủ nhân lực có đủ năng lực, trình độ, sức khỏe tham gia Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các điểm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo quy định”. Các địa phương căn cứ các quy định trên để bố trí đầy đủ nhân lực, thành phần tham gia Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá đảm bảo theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Cảng cá Cái Rồng
Về kinh phí hỗ trợ, phụ cấp (nguồn kinh phí, mức hỗ trợ, phụ cấp…) cho thành viên Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá: Về nguồn kinh phí: Hàng năm UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch và chủ động bố trí kinh phí ngân sách cấp huyện (chi sự nghiệp kinh tế) thực hiện cùng với các nội dung đã được phê duyệt tại Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh về công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định gắn với thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 01/9/2017 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 đến năm 2025.

Thuyền trưởng tàu cá làm thủ tục rời cảng Cái Rồng
Về chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác của thành viên Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá được quy định tại Khoản 3 Điều 2 của Quyết định số 1412/QĐ-UBND ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh: “Chế độ tiền lương và các chế độ, phụ cấp khác của cán bộ làm việc tại Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá do cơ quan quản lý cán bộ đó chi trả theo quy định hiện hành”, cụ thể: Lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo quy định của các thành viên của Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá do cơ quan quản lý trực tiếp thanh toán, chi trả trong quỹ lương của cơ quan, đơn vị (kinh phí giao tự chủ). Đối với các khoản chi phí cho cá nhân làm thêm giờ (ngoài giờ hành chính) tại các Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá được thanh toán trên cơ sở chế độ quy định tại Điều 98 Bộ Luật lao động năm 2019 hiện hành: Làm ngoài giờ hành chính ngày thường được thanh toán bằng 150% mức lương hiện hưởng; ngày nghỉ hàng tuần (thứ bảy, chủ nhật) bằng 200%; ngày lễ, tết bằng 300%. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường; người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định nêu trên còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày. Nguồn kinh phí chi trả thuộc dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị được bố trí theo nhiệm vụ tại kế hoạch công tác của cấp huyện (kinh phí giao không tự chủ); cơ quan, đơn vị có thành viên Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá căn cứ nhiệm vụ được phân công kế hoạch, lập dự toán báo cáo Ủy ban nhân cấp huyện quyết định; trường hợp nhu cầu chi vượt quá dự toán được giao, thì đề xuất Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét cấp bổ sung cho cơ quan đơn vị có thành viên Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá; trường hợp hết năm ngân sách còn dư, phải hoàn trả ngân sách nhà nước.

Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại bến cá tạm phường Cao Xanh
Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bố trí nhân lực, kinh phí hỗ trợ cho các thành viên Tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá nhằm nâng cao hiệu quả trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá, giám sát sản lương thuỷ sản khai thác, góp phần khắc phục tồn tại hạn chế trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh./.