Chủ động phương án bảo vệ thực vật vụ Mùa, vụ Đông năm 2023

27/06/2023 08:50

       Vụ Đông xuân 2022 - 2023 thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động tới sản xuất nông nghiệp và tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sinh vật hại trên cây trồng. Thời gian các đối tượng sinh vật gây hại phát sinh tương đương và sớm hơn cùng kỳ năm trước, tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật hại trên lúa là 3.962,2 ha, tăng 945 ha so với cùng kỳ. Một số đối tượng sinh vật hại trên lúa như sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn,…mức gây hại cao hơn cùng kỳ năm 2022. Nguồn sinh vật hại này là nguy cơ tiềm ẩn bùng phát gây hại trong vụ mùa 2023.

 Theo kế hoạch diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh: Vụ Mùa năm 2023 là 29.519 ha cây hàng năm, trong đó diện tích lúa 22.434 ha; ngô 1.530 ha; khoai lang: 922 ha, lạc: 396 ha; tương: 153 ha, rau xanh các loại 2.861 ha, cây trồng khác 1.222 ha; Vụ Đông năm 2023 diện tích gieo trồng khoảng 7.680 ha, trong đó: Ngô: 902 ha, rau các loại 4.814 ha, tương 16 ha, lạc 56 ha, khoai lang 712 ha, cây khác 1.180 ha.

 Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Quảng Ninh, năm 2023 hiện tượng El Nino xuất hiện sớm, có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn so với năm 2022. Trong tháng 5/2023, nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn; đặc biệt, cao điểm của nắng nóng từ tháng 6 đến tháng 8, xuất hiện các đợt nắng nóng kéo dài. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông từ khoảng nửa cuối tháng 6 trở đi. Hiện tượng thời tiết cực đoan như nóng, mưa, bão, lũ,... trong thời gian tới có khả năng diễn biến phức tạp và các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng có nhiều diễn biến bất thường trong vụ mùa và vụ đông 2023.

 Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh, để chủ động phòng trừ sinh vật hại trong vụ Mùa và vụ Đông năm 2023, các đơn vị chuyên môn, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần chủ động xây dựng, triển khai phương án bảo vệ thực vật, hướng dẫn người sản xuất phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại cây trồng, bảo vệ an toàn cho sản xuất góp phần đảm bảo năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. 

Vệ sinh đồng ruộng, gieo mạ chuẩn bị cho sản xuất lúa vụ Mùa năm 2023

 1. Dự báo tình hình sinh vật gây hại vụ Mùa, vụ Đông năm 2023

 * Trên cây lúa: các đối tượng sinh vật gây hại chính gồm: Rầy nâu - rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, chuột, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh lùn sọc đen.

 Ngoài ra, cần chú ý: Bọ trĩ, dòi đục nõn, ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ hại ở đầu vụ, giai đoạn lúa hồi xanh - đẻ nhánh; bọ xít dài, nhện gié, bệnh đen lép hạt hại cuối vụ, giai đoạn  lúa đòng - trỗ - chín sáp.

 * Trên cây ngô: Các đối tượng sinh vật hại chính gồm: Sâu keo mùa thu, sâu xám, sâu ăn lá, sâu đục thân, rệp cờ, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá, bệnh lùn sọc đen.

 * Trên cây tương, lạc: Các đối tượng chính: Sâu khoang, giòi đục ngọn, rệp, sâu đục quả hại đậu tương; sâu khoang, rầy xanh lá mạ, bệnh chết ẻo cây con, bệnh đốm lá hại lạc.

 * Trên cây hoa: Các đối tượng chính như rệp, sâu xanh, sâu khoang, bệnh gỉ sắt, bệnh thối rễ - củ hoa ly,…

 * Trên cây rau: Sâu khoang, sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, bọ nhảy, rệp hại rau thập tự; bệnh thán thư, phấn trắng, sương mai, mốc sương,... hại các cây rau ăn lá và rau ăn quả khác.

 Chuột hại các cây trồng trong vụ mùa, vụ đông, nhất là ở những diện tích ven làng, đồi gò, ao hồ, bờ cao,…giai đoạn cây con, cây ra hoa - đậu quả, bắp ngô non - chắc hạt, lúa đẻ nhánh - làm đòng – chín.

 Mức độ và quy mô gây hại của một số loại sâu, bệnh chính trong vụ mùa, vụ đông 2023 có khả năng tương đương và cao hơn so với năm 2022.

2. Diễn biến một số đối tượng hại chính trên cây lúa và biện pháp phòng trừ

 (1). Rầy nâu- rầy lưng trắng

 Dự kiến trong vụ mùa 2023 rầy sẽ phát sinh 4 lứa:

 - Lứa 5: Rầy cám ra khoảng nửa đầu tháng 7, gây hại diện hẹp trên mạ mùa, lúa mùa sớm, mùa trung vào giai đoạn 2-5 lá/hồi xanh - đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ.

 - Lứa 6: Rầy cám rộ nửa đầu tháng 8, gây hại diện rộng trên lúa mùa sớm giai đoạn đòng - trỗ - ngậm sữa, chắc xanh; lúa mùa trung, muộn giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ - đứng cái - đòng.

 -  Lứa 7: Rầy cám rộ khoảng nửa đầu tháng 9, gây hại trên lúa mùa sớm, mùa trung giai đoạn trỗ - chín, thu hoạch; mùa muộn giai đoạn đứng cái - đòng;

 - Lứa 8: Thời gian rầy cám ra rộ khoảng đầu tháng 10 gây hại trên trà lúa mùa trung, mùa muộn giai đoạn trỗ - chín – thu hoạch.

 *Biện pháp phòng trừ:

 - Vệ sinh đồng ruộng.

 - Sử dụng giống kháng rầy; Cần gieo cấy tập trung, đúng lịch thời vụ;

 - Cấy mật độ hợp lý, bón phân cân đối, tránh bón quá nhiều đạm. Thường xuyên thăm đồng

 - Khi mật độ rầy trên đồng ruộng từ 1.500 con/m2 trở lên cần tiến hành phun trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật như: Anvado 100WP,  Babsax 400WP, Vuachest 800 WG,Bassa 50EC, Vuachest 800 WG,…

 (2). Sâu đục thân

 Dự kiến sâu đục thân sẽ phát sinh 3 lứa:

 - Lứa 3: Trưởng thành rộ từ giữa tháng 6. Sâu non hại trên mạ, lúa mùa sớm, mùa trung và lúa gieo thẳng.

 - Lứa 4: Trưởng thành rộ khoảng đầu - giữa tháng 8. Sâu non gây bông bạc trên lúa mùa sớm giai đoạn trỗ và dảnh héo trên lúa mùa trung, mùa muộn giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái, làm đòng.

 - Lứa 5: Trưởng thành rộ khoảng giữa tháng 9 – đầu tháng 10. Sâu non gây bông bạc trên lúa mùa trung giai đoạn trỗ - chín, lúa mùa muộn giai đoạn đòng già - trỗ bông.

 * Biện pháp phòng trừ:

 - Vệ sinh đồng ruộng

 - Thường xuyên theo dõi mật độ ổ trứng, mật độ sâu trên đồng ruộng. Tiến hành phun thuốc phòng trừ khi mật độ ổ trứng 0,5 ổ trứng/m2 (giai đoạn lúa đẻ nhánh) hoặc 0,3 ổ trứng/m2 (giai đoạn đòng - trỗ); những nơi có mật cao cần tiến hành phun trừ 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4-5 ngày.

 Khuyến cáo sử dụng một số loại thuốc sau để phun trừ: Virtako 40WG, DuponTM prevathon® 35WG, Faifos 5GR,…

 (3). Sâu cuốn lá nhỏ

 Dự kiến trong vụ mùa 2022 sẽ phát sinh 4:

 - Lứa 4: Trưởng thành vũ hóa khoảng nửa cuối tháng 6. Sâu non hại diện hẹp trên mạ, lúa mùa sớm giai đẻ nhánh đẻ nhánh rộ, lúa mùa trung, mùa muộn giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh. 

 - Lứa 5: Trưởng thành vũ hóa khoảng nửa cuối tháng 7. Sâu non hại trên lúa mùa sớm giai đẻ nhánh rộ - đứng cái, làm đòng, lúa mùa trung, mùa muộn giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh rộ. 

 - Lứa 6: Trưởng thành vũ hóa rộ nửa cuối tháng 8. Sâu non hại diện rộng trên các trà lúa mùa trung, mùa muộn giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái - làm đòng - trỗ.

 - Lứa 7: Trưởng thành rộ từ nửa cuối tháng 9. Sâu non hại chủ yếu trên lúa mùa muộn cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.

 * Biện pháp phòng trừ:

 - Vệ sinh đồng ruộng

 - Khi sâu gây hại với mật độ cao cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ sử dụng một số loại thuốc sau: Angun 5WG, Bemad 5.2 WG, Reasgant 3.6EC, Tasieu 5WG, …

 (4). Bệnh khô vằn

 Bệnh thường phát sinh, phát triển và gây hại diện rộng trên tất cả các trà lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - chín (từ giữa tháng 8 - giữa tháng 10).

 * Biện pháp phòng trừ:

 - Vệ sinh đồng ruộng. Gieo cấy đúng thời vụ, đảm bảo mật độ hợp lý, bón phân cân đối tránh bón thừa đạm.

 - Tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc hóa học khi tỷ lệ bệnh trên 10% số dảnh, sử dụng một số loại thuốc sau để phun trừ: Validacin 3SL/5SL, Anvil 5SC, Tilt super 300EC, A-V-T Vil 5SC, Vanicide 5SL,…

 3. Một số đối tượng hại trên cây ngô và biện pháp phòng trừ

 Các đối tượng sâu, bệnh chính gồm: Sâu keo mùa thu hại từ đầu đến cuối vụ, hại mạnh giai đoạn 3 - 7 lá. Sâu xám, sâu ăn lá, bệnh huyết dụ hại giai đoạn đầu vụ; sâu đục thân, rệp cờ, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá, bệnh lùn sọc đen hại mạnh giai đoạn ngô từ 7 lá đến cuối vụ.

 (1). Sâu xám

 Sâu xám là loài sâu đa thực gây hại chủ yếu vào giai đoạn cây con.

 * Biện pháp phòng trừ

 - Vệ sinh đồng ruộng. Luân canh với cây trồng nước.

 - Khuyến cáo sử dụng một số loại thuốc trừ sâu dạng hạt rải xuống hàng hoặc hốc. Hoặc sử dụng một trong các loại thuốc diệt sâu như: Shepatin 18EC/36EC; Padan 95SP; Reasgant 3.6EC; Wamtox 100EC,... nên phun vào buổi chiều mát.

 (2). Sâu keo mùa thu

 Sâu keo mùa thu là loài sâu đa thực gây hại trên cây ngô từ giai đoạn 3 lá – thu hoạch nhưng mạnh nhất giai đoạn 3 – 7 lá.

 * Biện pháp phòng trừ:

 - Vệ sinh đồng ruộng. Luân canh ngô - lúa nước ngay sau vụ ngô.

 - Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng.

 - Khi mật độ sâu keo mùa thu từ 4 con/m2 trở lên, khoanh vùng diện tích bị sâu hại để phun trừ, phun trừ khi sâu ở tuổi 1-3. Sử dụng một số loại thuốc như: Radiant 60SC, Match 050EC, Angun 5WG, Tasieu 5WG,…để phun trừ.

 (3). Rệp hại ngô

 Rệp hút nhựa ở trên nõn ngô, bẹ lá, bông cờ, lá bi, làm cho cây ngô mất hết dinh dưỡng, trở nên gầy yếu, bắp bé đi, chất lượng hạt xấu kém. Ngô bị hại lúc còn non có thể không ra bắp được.

 * Biện pháp phòng trừ:

 - Vệ sinh đồng ruộng.

 - Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Khi thấy mật độ rệp cao, khả năng gây hại lớn, có thể dùng một trong các loại thuốc như: Limater 7.5EC, Tasieu 1.9EC, Reasgant 3.6EC, Actara 25WG,...

 4. Một số sâu bệnh hại trên cây rau và biện pháp phòng trừ.

 (1). Sâu tơ

 Trong vụ đông, sâu tơ gây hại mạnh từ tháng 11 đến đầu tháng 12.

 * Biện pháp phòng trừ:

 - Biện pháp sinh học: Sử dụng thiên địch của sâu tơ như nhóm ăn mồi, nhóm ong ký sinh, nhóm vi sinh vật gây bệnh, dùng bẫy pheromone có hiệu quả diệt trưởng thành sâu tơ;

 - Biện pháp canh tác: Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ các lá già, làm cỏ; Luân canh với cây không cùng ký chủ, dùng bẫy dính màu vàng theo dõi bướm sâu tơ, trồng xen với cây họ cà sẽ đuổi được bướm của sâu tơ

 + Áp dụng quy trình IPM trong sản xuất rau, khi mật độ sâu cao có thể sử dụng các loại thuốc như: Delfil WG (32BIU), Catex 1.8EC/3.6EC, Pegasus 500 SC, Pesieu 500SC,…

 (2). Bọ nhảy sọc cong

 Bọ nhảy là loài sâu hại khó trị dứt điểm, lại phát tán nhanh. Nếu không phòng chống kịp thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng rau.

 * Biện pháp phòng trừ:

 - Vệ sinh đồng ruộng. Áp dụng cơ cấu luân canh thích hợp với cây trồng khác Họ thập tự.

 - Giai đoạn cây con cần chăm sóc tốt cho cây phát triển nhanh tránh sự xung yếu kéo dài. Khi mật độ bọ nhảy cao có thể dùng một số loại thuốc sau: Reasgant 3.6EC, Pesieu 500 SC, Oshin 20WP, Angun 5WG,...

 (3). Sâu khoang

 Sâu khoang là đối tượng khó phòng trừ do chúng có nhiều cây ký chủ nên thường xuyên xuất hiện trên đồng ruộng và rất dễ kháng thuốc hóa học.

 * Biện pháp phòng trừ:

 - Vệ sinh đồng ruộng. Thường xuyên thăm ruộng.

 - Sử dụng luân phiên một số thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ sâu khoang khi cần thiết. Dùng các loại thuốc ít độc như: Aremec 18EC, Reasgant 3.6EC, Pesieu 500 SC, Wamtox 100EC, ... các loại chế phẩm vi sinh: thuốc có nguồn gốc từ Bt như V-BT; Delfin WG (32BIU),...

 5. Trên cây cà chua, khoai tây, ớt: Sâu xám, sâu khoang, sâu ăn lá, sâu đục quả, bọ phấn, rệp, giòi đục lá, nhện đỏ, nhện trắng; bệnh xoăn lá, bệnh khảm lá virus, bệnh héo xanh vi khuẩn, bệnh mốc sương, thán thư, đốm lá,...gây hại cục bộ.

 6. Trên cây đậu tương: Giòi đục lá, đục ngọn, bệnh lở cổ rễ hại mạnh giai đoạn cây con; sâu khoang, sâu cuốn là, rệp, bệnh sương mai, gỉ sặt, sâu đục quả,...gây hại giai đoạn phát triển thân lá - ra hoa đậu quả.

 7. Trên cây lạc: Sâu khoang, sâu cuốn lá, rầy xanh lá mạ, bệnh đốm lá, bệnh héo rũ,...gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lạc.

 8. Trên dưa chuột, dưa hấu, bầu bí: giòi đục lá, rệp, sâu ăn lá, bệnh sương mai, bệnh giả sương mai, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng, bệnh héo rũ...gây hại ở các giai đoạn.

 9. Một số sâu bệnh hại trên cây ăn quả và biện pháp phòng trừ

 (1). Trên cây na

 * Rệp bông (rệp sáp):

 - Rệp gây hại cả trên lá và quả na, làm cho lá bị quăn, quả bị chai không phát triển được. Nếu rệp có mật độ cao, chúng bao phủ cả bề mặt của quả làm cho quả non bị rụng hoặc bị khô tóp lại đeo bám trên cây. Rệp sáp phấn xuất hiện quanh năm trên các vườn na, gây hại nặng vào mùa nắng.

 - Biện pháp phòng trừ:

 + Sau khi thu hoạch, tỉa xén cành làm cho vườn thật thông thoáng đồng thời loại bỏ cành đã bị nhiễm rệp sáp;

 + Khi mật độ rệp cao, có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu ít gây hại cho thiên địch như: Actara 25WG, Movento 150OD, Difluent 10WP/25WP, Vimite 10 EC,.... Nên phun 2 lần liên tiếp cách nhau 7-10 ngày để bảo đảm diệt sạch rệp sáp. Chú ý đảm bảo thời gian cách ly.

 * Sâu đục quả:

 - Trưởng thành đẻ trứng trên các vết nứt của quả ngay khi quả còn rất nhỏ. Sâu non nở ra đục vào bên trong phần thịt quả. Thường một quả có nhiều sâu gây hại cùng một lúc.

 - Biện pháp phòng trừ:

 + Thu gom, tiêu hủy tàn dư thực vật, quả bị sâu hại; Từ khi cây na có quả non trở đi thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm những quả bị sâu phá hại, kịp thời thu gom quả bị hại đem chôn hoặc đốt để hạn chế mật độ sâu ở những đợt tiếp theo;

 + Xử lý hóa chất: Xử lý vào thời điểm sâu non nở rộ và chưa kịp đục, chui vào bên trong quả thì hiệu quả phòng trừ mới cao. Dùng một trong các thuốc như: Vitako 40 WG, Dupont Prevathon 5SC,... phun lúc quả còn nhỏ. Chú ý phun vào quả chứ không phun tràn lan cả vườn để tiết kiệm thuốc, duy trì được quần thể thiên địch trong vườn.

 * Bệnh thán thư:

 - Bệnh gây hại tất cả các bộ phận trên mặt đất của cây. Khi hại trên hoa và quả gây khô đen và rụng, quả lớn bị khô đen một phần; gây hại trên lá có thể gây khô rụng lá và trên cành làm cành khô héo. Bệnh phát triển mạnh khi có ẩm độ và nhiệt độ cao.

 - Biện pháp phòng trừ:

 + Cắt lá, tỉa cành tạo cho vườn na thông thoáng nhằm hạn chế sự phát triển và lây lan của bệnh;

 + Sau khi thu hoạch na cần dọn sạch tàn dư thực vật trong vườn, trong điều kiện thời tiết ẩm ướt đặc biệt tránh gây tổn thương đến cây;

 + Phun ngừa khi quả còn non đến trước thu hoạch 15 ngày. Phun định kỳ 1 tháng 1 lần, có thể sử dụng các loại thuốc như: Daconil 75WP, Score 250 EC,,...

 (2). Trên cây Nhãn, Vải:

 * Bọ xít nâu:

 - Bọ xít là đối tượng gây hại nguy hiểm đối với nhãn, vải. Bọ xít chích hút nhựa làm rụng hoa và quả, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng của quả.

 - Biện pháp phòng trừ:

 + Vệ sinh vườn, tỉa cành để các hoa và đọt non ra tập trung;

 + Diệt bọ xít trưởng thành qua đông (tháng 12 và tháng 1 bắt bọ xít qua đông rung cây cho bọ xít rơi xuống đất để bắt hoặc phun thuốc vào những nơi bọ xít qua đông);

 + Kiểm tra thường xuyên để ngắt bỏ ổ trứng, thu bắt trưởng thành đem đốt;

 + Biện pháp hóa học: Khi mật độ bọ xít cao có thể sử dụng một số loại thuốc sau để phun trừ: Reasgant 3.6EC, Tasieu 5WG, Angun 5WG,...

 * Nhện lông nhung:

 - Lá, hoa, quả có một lớp lông mịn bao phủ, nhện sống trong lớp lông. Ban đầu khi mới bị hại vết hại có màu xanh hơn bình thường, sau đó chuyển sang màu trắng bạc, trắng hơi vàng rồi vàng nâu cuối cùng thành màu nâu sẫm, đó cũng là lúc nhện lại chuyển sang các chồi non khác. Nhện lông nhung chỉ phát sinh ở bề mặt dưới làm cho lá nhỏ, cong queo, màu sắc của lớp lông nhung này cũng đậm dần theo sự phát triển của lá.

 - Biện pháp phòng trừ:

 + Dùng các loại thuốc trừ nhện trong danh mục được phép sử dụng trên cây ăn quả để phun trừ như: Ortus 5SC, ... và dùng theo khuyến cáo trên nhãn bao bì. Nếu để lộc dài mới phun thì hiệu quả sẽ không cao (lộc dài quá 3 cm);

 + Cắt bỏ toàn bộ các cành bị hại và đem đốt. Biện pháp này phải thực hiện trước khi vết lông nhung có màu vàng nâu để ngăn ngừa sự di chuyển của nhện;

 + Sau thu hái tiến hành cắt tỉa và dọn vệ sinh cho vườn cây giúp tán cây thông thoáng, giảm khả năng cư trú và gây hại của nhện;

+ Bón phân cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ sẽ làm giảm tỷ lệ nhện gây hại.

 (3). Trên cây cam, quýt:

 * Sâu vẽ bùa: Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm khi cây ra đọt non, gây hại nhiều vào tháng 7, 8, 9.

 - Biện pháp phòng trừ:

 + Tỉa cành, bón phân hợp lý cho cây ra chồi tập trung để hạn chế sự phá hại liên tục của sâu, thuận lợi cho việc phun thuốc phòng trừ;

 + Tiến hành phòng trừ sớm khi độ dài của chồi đạt 1-2 cm hoặc thấy dặc điểm nhận biết gây hại của sâu vẽ bùa. Sử dụng các loại thuốc sau: Angun 5WG, Reasgant 3.6EC,…

 * Ngài Chích hút: Các vết chích do Ngài Chích hút gây hại tạo những đốm vàng trên quả, quả bị hại thường khô cứng, không có nước, bị hại nặng có thể thối và rụng. Ngoài ra, những vết thương này còn tạo điều kiện cho nhiều loại nấm bệnh như Fusarium spp., Colletotrichum spp.,… tấn công gây hại.

 - Biện pháp phòng trừ:

 + Thường xuyên vệ sinh vườn cây sạch sẽ, phát quang hết những bụi rậm, cỏ dại... để hạn chế nơi trú ẩn của con trưởng thành và nơi sinh sống của sâu non;

 + Từ khi quả bước vào giai đoạn da lươn trở đi, phải kiểm tra vườn cam quýt thường xuyên để kịp thời phát hiện con trưởng thành. Nếu thấy có con trưởng thành có thể dùng đèn pin hoặc đèn ác quy… soi và dùng vợt bắt vào ban đêm (từ 6 giờ tối đến 10 giờ đêm);

 + Đặt bẫy thức ăn bằng cách dùng chuối, mít, xoài, dứa chín,…trộn với thuốc trừ sâu (vị độc, tiếp xúc hoặc lưu dẫn) đặt trong vườn cam quýt (khoảng 5-10 bẫy/ha) để dẫn dụ thu hút con trưởng thành đến tiêu diệt.

 Ngoài ra, cần theo dõi diễn biến các loài sinh vật hại khác như sâu xanh bướm phượng, rệp muội, ruồi đục quả, nhện đỏ, bệnh loét, bệnh ghẻ, bệnh thối xanh, bệnh Greening…để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. 

 10. Một số sâu bệnh hại trên cây công nghiệp và biện pháp phòng trừ

 (1). Trên cây chè:

 * Bọ trĩ hại chè: Trong vụ mùa bọ trĩ gây hại mạnh vào tháng 7-9.

 - Biện pháp phòng trừ:

 + Chăm sóc cây khỏe, trừ cỏ dại đúng yêu cầu kỹ thuật. Thu hái đúng lúc ngắt bỏ trứng và bọ trĩ. Sử dụng cây che mát, tưới phun mưa trực tiếp vào búp chè khi bọ trĩ rộ.

 + Khi mật độ bọ trĩ cao có thể sử dụng thuốc: Actara 25WG, Tasieu 5 WG,.... để phòng trừ.

 * Nhện đỏ hại chè: Nhện đỏ xuất hiện gây hại quanh năm trên nương chè, đặc biệt thời tiết khô hạn nhện phát triển gây hại mạnh. 

 - Biện pháp phòng trừ:

 + Trồng và chăm sóc cây chè khoẻ mạnh để có thể chống chịu được nhện hại như trồng cây che bóng và tủ gốc để tăng độ ẩm, bón phân cân đối và đầy đủ đáp ứng dinh dưỡng cho cây chè sinh trưởng phát triển mạnh, tưới nước dạng phun mưa cho chè trong mùa khô, thu hái chè đúng lứa, vệ sinh đồng ruộng và diệt cỏ dại;

 + Khi cần thiết tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Aremec 3.6EC, Reasgant 3.6EC, Tasieu 5WG,...

 * Bệnh chấm xám: Bệnh tập trung vào mùa mưa, nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển từ 25-28oC. Trong năm bệnh hại nặng từ tháng 7-10.

 - Biện pháp phòng trừ:

 + Bệnh mới xuất hiện có thể thu gom lá bệnh xử lý triệt để;

 + Khi bệnh phát sinh gây hại mạnh cần phải phòng trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật có thể sử dụng một trong các loại thuốc: Daconil 75WP, Lilacter 0.3SL, … để phòng trừ.

 Ngoài ra cần chú ý đến một số đối đượng khác như: Bọ xít muỗi, rầy xanh,  bệnh thối búp, bệnh phồng lá,…

 (2). Trên cây dong riềng:

 * Bệnh cháy lá: do Vi khuẩn Pseudomonas sp gây ra.

 - Biện pháp phòng trừ:

 + Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước và sau khi trồng bằng vôi bột và chế phẩm Trichoderma;

 + Chọn giống sạch bệnh;

 + Xử lý giống bằng vôi bột, xi măng, tro bếp hoặc keo liền sẹo;

 + Bón phân cân đối để cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh;

 + Thường xuyên ngắt tỉa lá già, lá bệnh;

 + Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh kịp thời, rắc vôi vào đất tại chỗ đã nhổ bỏ cây bị bệnh thối thân;

 + Khi cần thiết có thể sử dụng các loại thuốc BVTV có chứa các hoạt chất  như: Validamycin, Kasugamycin, Metalaxyl (Validacin 5SL, Kasumil 2, Probicol 200WP...) để phun trừ, phun thuốc ướt đều hai mặt lá.

 * Bệnh thối thân: do nấm Do nấm F. oxysporum gây ra.

 - Biện pháp phòng trừ: Các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, chọn giống, chăm sóc,... áp dụng như đối với bệnh cháy lá.

 + Khi cần thiết sử dụng các loại thuốc BVTV có chứa các hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Chlorothalonil, Hexaconazole (Ridomil gold 68WG, Daconil 75WP, Anvil 5EC)…

 11. Trên cây lâm nghiệp: Chú ý sâu róm hại thông; châu chấu che lưng vàng; sâu đo ăn lá, bệnh chết héo trên cây keo; sâu đục ngọn cây Lim, cây Lát,...

 12. Trên cây dược liệu (Ba kích, Trà hoa vàng,…): Chú ý bệnh thán thư, đốm lá, thối rễ,…./.

Đinh Quang Trung - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1247
Đã truy cập: 2894066