Kiểm soát, khống chế ổ dịch bệnh Dại động vật tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ

28/06/2023 15:32

      Ngày 24/6/2023, tại hộ ông Đặng Văn Phúc, thôn Làng Mới, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ xuất hiện chó bị ốm, chết do bệnh Dại. Qua kết quả điều tra dịch tễ, ngày 02/6/2023 có một con chó lạ thả rông (không phải chó nuôi trong thôn) vào làng cắn nhiều chó của các hộ dân trong thôn, đến ngày 18-24/6/2023, một số chó nuôi của hộ dân trong thôn bị cắn trước đó có biểu hiện nghi bị bệnh Dại, người dân đã đập chết và tiêu hủy tổng số 12 con/8 hộ dân. Nhận định mức độ nguy hiểm của ổ dịch bệnh dại trên chó nuôi có nguy cơ cao phát sinh bệnh dại trên người nếu không kiểm soát triệt để nguồn lây bệnh.

 Để khẩn trương kiểm soát, khống chế ổ dịch bệnh dại tại xã Nam Sơn, ngày 27/6/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 2756/SNN&PTNT-CNTY đề nghị Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện Ba Chẽ chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

 1. Ủy ban nhân dân huyện Ba Chẽ: 

 * Đối với xã Nam Sơn: Thực hiện công bố ổ dịch bệnh Dại tại xã Nam Sơn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định; rà soát, thống kê chính xác đàn chó, mèo nuôi, yêu cầu các hộ dân thực hiện nghiêm túc việc nhốt, xích chó, mèo theo dõi trong thời gian 21 ngày; giám sát chặt chẽ đàn chó, mèo có tiếp xúc với đàn chó, mèo của 08 hộ dân và của hộ ông Đặng Văn Phúc, khi thấy chó, mèo có biểu hiện ốm, chết phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh Dại và thực hiện tiêu hủy theo quy định; thống kê số người có tiếp xúc với đàn chó bị bệnh, nghi bị bệnh, yêu cầu khẩn trương đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng. 

Xử lý, tiêu hủy chó ốm, nghi mắc bệnh tại các hộ dân lân cận ổ dịch bệnh dại thôn Làng Mới, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ

 * Đối với các xã, thị trấn khác:

 - Rà soát, thống kê chính xác đàn chó nuôi trên địa bàn xã, yêu cầu các hộ dân thực hiện nhốt, xích, hạn chế tiếp xúc với chó, mèo, nếu buộc phải tiếp xúc thì phải có biện pháp bảo hộ để tránh nguy cơ lây truyền bệnh dại; giám sát chặt chẽ đàn chó, mèo, khi thấy chó, mèo có biểu hiện ốm, chết nghi bệnh dại báo chính quyền địa phương và cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm bệnh Dại và có biện pháp xử lý kịp thời.

 - Khẩn trương thực hiện tiêm phòng vắc-xin Dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn, bảo đảm đạt tỷ lệ 100% tổng đàn hiện có; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung đối với chó, mèo nuôi mới, chó, mèo chưa tiêm phòng; khuyến khích người dân mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi.

 - Giao UBND cấp xã thành lập đội bắt giữ và xử lý chó thả rông, chó chưa tiêm phòng; xử phạt nghiêm đối với chủ vật nuôi vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh Dại; bố trí kinh phí hỗ trợ cho đội bắt giữ chó thả rông duy trì hoạt động.

 - Giao Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn xã Nam Sơn và các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định; thực hiện điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ và lấy mẫu xét nghiệm chó, mèo bị bệnh, nghi dại; bám sát chỉ đạo về chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm kiểm soát, khống chế ổ dịch bệnh Dại trên địa bàn.

 - Giao phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì tham mưu, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh dại theo quy định; tổng hợp báo cáo dịch bệnh theo quy định về UBND huyện, Sở Nông  nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để chỉ đạo kịp thời.

 - Giao cơ quan Y tế địa phương phối hợp với cơ quan Thú y và chính quyền địa phương để xác định số người cần đi điều trị dự phòng, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đi điều trị dự phòng tại các cơ sở y tế và triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý ổ dịch bệnh Dại trên người theo quy định.

 - Tăng cường tuyên truyền về đặc điểm, tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, cách nhận biết người và động vật mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại và biện pháp xử lý, phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật; khuyến cáo người bị chó, mèo cắn xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị cắn và đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các loại thuốc khác không theo quy định của ngành y tế thay thế vắc-xin để điều trị dự phòng bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn. 

Xử lý, tiêu hủy chó ốm, nghi mắc bệnh tại các hộ dân lân cận ổ dịch bệnh dại thôn Làng Mới, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ

 2. Sở Y tế: Đề nghị chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ trì, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND huyện Ba Chẽ thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại trên người; cung ứng đủ huyết thanh kháng dại, vắc-xin dại tại điểm tiêm chủng để phục vụ kịp thời theo yêu cầu phòng, chống dịch; chia sẻ kịp thời thông tin về ổ dịch bệnh dại, về số người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng tại cơ sở y tế.

 3. Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y

 - Cử cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại hiệu quả, đảm bảo kiểm soát, khống chế nhanh ổ dịch. Cung cấp tài liệu truyền thông về phòng chống bệnh dại động vật; hướng dẫn cơ quan thú y địa phương điều tra dịch tễ ổ dịch bệnh Dại, xác định nguy cơ và thực hiện giám sát chặt chẽ ổ dịch.

 - Phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh trong công tác điều tra, giám sát, xử lý ổ dịch, trao đổi thông tin nhằm kiểm soát bệnh Dại truyền lây từ động vật sang người. Tổng hợp báo cáo diễn biến và kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định./.

Đỗ Thanh Hương - Chi cục Chăn nuôi và Thú y


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1136
Đã truy cập: 2893955