DỊCH BỆNH VÀ CHỈ ĐẠO KHÔI PHỤC SẢN XUẤT TÔM NUÔI SAU DỊCH BỆNH

29/06/2023 10:10

      Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, tình hình thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến bất thường; dẫn đến những biến động lớn của các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, pH, độ mặn, hàm lượng ôxi hòa tan… là một trong những tác nhân cao gây bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi thời gian qua.

      Kết quả quan trắc môi trường và giám sát dịnh bệnh chủ động tại một số địa phương trọng điểm về nuôi tôm của tỉnh đã phát hiện sự có mặt các tác nhân gây bệnh trên tôm nuôi như: hoại tử gan tụy, đốm trắng, vi bào tử trùng; kết quả giám sát định kỳ một số yếu tố môi trường nước ao nuôi cho thấy có sự biến động theo chu kỳ ngày đêm của một số yếu tố môi trường trong nước ao nuôi cao hơn cùng kỳ những năm trước. 

Mẫu Tôm thẻ chân trắng bị hoại tử gan tụy

      Để nhanh chóng xử lý triệt để nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm (nhất là Tôm thẻ chân trắng - Litopenaeus vannamei), hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm, ổn định sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành tôm của tỉnh và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao; Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, UBND các xã có nuôi tôm khẩn trương tập trung triển khai những nội dung trọng điểm như sau:

      Một là, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2023 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 24/02/2023 và những hướng dẫn, chỉ đạo về khung thời vụ nuôi tôm; quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản của Sở Nông nghiệp và PTNT.

      Hai là, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện những giải pháp kỹ thuật để hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát bệnh trên tôm và khôi phục sản xuất sau dịch bệnh với giải pháp sau: (1) Phun khử trùng bờ ao nuôi. Hạn chế người đi vào cơ sở nuôi; người chăm sóc, quản lý của cơ sở nuôi hạn chế sang cơ sở đang có dấu hiệu bệnh hoặc tôm (thủy sản nuôi) chết chưa rõ nguyên nhân; trường hợp cần thiết phải vào thì cần thay quần áo và đi qua bể nước khử trùng (Chlorine, fomol 5%). Tuyệt đố không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước “an toàn”. (2) Thường xuyên duy trì ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi trên cơ sở định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc H2S, HN3, NO2- và kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio theo hướng dẫn của nhà sản xuất. (3) Sử dụng vôi bột (CaO) rải xung quanh bờ ao, đóng chặt cống cấp và thoát nước; quây lưới quanh bờ ao và có biện pháp phù hợp để ngăn chặn sự xâm nhập của cua, còng, cá và các loài chim. (4) Đối với những ao nuôi đã xác định dương tính với các tác nhân gây bệnh trên tôm như: hoại tử gan tụy, đốm trắng, vi bào tử trùng… hoặc có tôm bị chết do dịch bệnh cần thực hiện nghiêm các quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh; thực hiện đủ các biện pháp kỹ thuật về khử trùng, tiêu độc theo hướng dẫn; cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả nuôi vụ mới. 

Ao nuôi tôm và kiểm tra tôm nuôi định kỳ

      Ba là, đối với các đơn vị chuyên môn của Sở (Chi cục: Chăn nuôi và Thú y, Thủy sản; Trung tâm Khuyến nông) căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã phân công, chủ động phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế các địa phương có nuôi tôm để nắm tình hình, đề xuất, tham mưu các giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch sản xuất tôm năm 2023.

      Trên đây là diễn biến dịch bệnh thời gian qua và các giải pháp chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Các giải pháp đưa ra dựa trên các thông tin dự báo của nhiều đơn vị chuyên môn khác nhau; mục đích thông báo đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản để có kế hoạch sản xuất tôm trong các tháng tiếp theo cho phù hợp, tránh các rủi ro và đạt hiệu quả kinh tế cáo nhất./.

Mr. Cricket - CCTS


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1449
Đã truy cập: 3318141