Giải pháp phát triển chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

07/07/2023 08:50

      Chăn nuôi hữu cơ được hiểu là việc chăn nuôi sử dụng các nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thức ăn có thành phần biến đổi gen, thức ăn tăng trọng, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, đồng thời đảm bảo cho động vật có một môi trường sống thoải mái nhất và bảo vệ môi trường sinh thái.

       Thực hiện Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 19/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ thịt (gia súc, gia cầm), trứng (thủy cầm, gia cầm)... đạt tối thiều 2% giai đoạn năm 2025, định hướng đến năm 2030 đạt tối thiểu 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh như lợn, bò thịt, bò sữa, gà thịt, trứng gà, trứng vịt... Năm 2023-2024, triển khai xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi hữu cơ trên các loại vật nuôi (lợn, gà, dê) làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo mục tiêu phát triển chăn nuôi hữu cơ ổn định, bền vững và hiệu quả tỉnh Quảng Ninh cần triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

      (1) Tuyên truyền về chăn nuôi hữu cơ, lựa chọn, xác định vùng, định hướng phát triển theo hình thức chăn nuôi hữu cơ gắn với xây dựng mô hình sản xuất; tổ chức đào tạo tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các vùng, mô hình chăn nuôi hữu cơ đạt chuẩn chứng nhận hữu cơ;

      (2) Hướng dẫn, quảng bá về tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật để chăn nuôi hữu cơ cho người chăn nuôi hiểu, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chăn nuôi hữu cơ có hiệu quả; ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ cho trồng trọt để sản xuất các loại ngũ cốc hữu cơ làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn hữu cơ cho vật nuôi; xây dựng quy trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hữu cơ làm cơ sở áp dụng sản xuất chăn nuôi hữu cơ phù hợp với tự nhiên và điều kiện triển khai trên địa bàn tỉnh; Xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và chọn tạo các giống vật nuôi kháng bệnh và thích ứng với điều kiện chăn nuôi hữu cơ;

      (3) Áp dụng công nghệ thông tin để kiểm soát diện tích cây trồng làm thức ăn hữu cơ cho chăn nuôi, kiểm soát cơ sở chăn nuôi hữu cơ nhằm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm hữu cơ;

(ảnh minh họa)

      (4) Công khai danh sách, địa chỉ các vùng, các đơn vị, hộ chăn nuôi hữu cơ được chứng nhận và thông tin về thị trường, giá cả trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người tiêu dùng biết để lựa chọn sản phẩm; có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi thẩm định và cấp giấy chứng nhận thực phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và cho phép lưu hành, giúp đỡ người chăn nuôi xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm;

      (5) Tăng cường truyền thông về chất lượng của các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, quy trình sản xuất, chế biến và quy định chứng nhận tới cộng đồng, đặc biệt là người sản xuất và người tiêu dùng; tăng cường đào tạo, tập huấn về chăn nuôi hữu cơ và thương mại sản phẩm chăn nuôi hữu cơ cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, chủ trang trại;

      (6) Phát triển thị trường kết hợp các sản phẩm trồng trọt hữu cơ với các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ để phát triển sản phẩm chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong ngành chăn nuôi, ưu tiên cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác thực hiện liên kết chăn nuôi hữu cơ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm hữu cơ cho thị trường; đẩy mạnh chế biến, kết nối phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ./.

 

Trương Thị Hoài Thu - Chi cục Chăn nuôi và Thú y


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1430
Đã truy cập: 3340655