Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của ngành Nông nghiệp và PTNT

10/07/2023 16:13

       Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh 6 tháng đầu năm 2023 triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều thuận lợi mới khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp nối đà tăng trưởng hai con số của tỉnh trong 7 năm liên tiếp 2016 - 2022 và của ngành 02 năm liên tiếp 2021- 2022 tăng trên 5%; dịch bệnh Covid-19 trong nước đã được kiểm soát, du lịch phục hồi, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản tăng cao. Bên cạnh đó, cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của dịch bệnh Covid-19; ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino, nắng nóng kéo dài; xung đột ở Ukraina khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

 Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chung sức, đồng lòng của chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 6 tháng đầu năm 2023 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực ngành quản lý, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động, văn bản chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện góp phần vào tăng trưởng chung của Tỉnh và đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thành công chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.

 Theo số liệu ước tính giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng theo giá so sánh 2010 ước đạt 7.208 tỷ đồng, giá trị tăng thêm ước đạt 3.646 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 4,48%, cao hơn 1,2 điểm % cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,28%); cao hơn 0,52 điểm % kịch bản tăng trưởng 6 tháng của tỉnh (kịch bản 3,96%); chiếm tỷ trọng 4,9% trong GRDP, đóng góp 0,23 điểm % tăng trưởng GRDP. Toàn ngành đã tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện, bền vững trên tất cả các lĩnh vực ngành quản lý về nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị.

 1. Lĩnh vực Nông nghiệp: Giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp ước đạt 3.449 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,85% trong cơ cấu ngành; giá trị tăng thêm ước đạt 153 tỷ đồng, tăng trưởng ước đạt 1,44%.

 - Về trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2022-2023 ước đạt 32.940 ha cây các loại, tăng 3,5% kế hoạch vụ, bằng 99,94% cùng kỳ. Dự kiến tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 104 nghìn tấn, bằng 97,3% cùng kỳ, tăng 2,4% kịch bản tăng trưởng.

 - Về chăn nuôi: Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về phương thức chăn nuôi đã được cơ cấu lại, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ, áp dụng khoa học công nghệ; chăn nuôi hữu cơ gắn với các giống đặc sản bản địa có giá trị kinh tế cao gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn duy trì tổng đàn, đáp ứng tiêu thụ nội tỉnh. Ước tính tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có trên 47,2 triệu con, tăng 1,63% cùng kỳ. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 46.450 tấn, tăng 3,6% cùng kỳ, tăng 0,2% kịch bản; chủ yếu tăng sản lượng gia cầm 12,3%, bò 12,1%, trâu 11%; sản lượng thịt lợn tương đương cùng kỳ.

 2. Lĩnh vực Lâm nghiệp: Giá trị sản xuất lĩnh vực Lâm nghiệp ước đạt 516 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,15% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; giá trị tăng thêm ước đạt 336 tỷ đồng, tăng trưởng ước đạt cao 8,73%. 

Giá trị sản xuất lĩnh vực Lâm nghiệp ước đạt 516 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,15% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; giá trị tăng thêm ước đạt 336 tỷ đồng, tăng trưởng ước đạt cao 8,73%

 Công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng. Các địa phương, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng và tham gia các Kế hoạch về việc tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão năm 2023, toàn tỉnh đã trồng được trên 4,7 triệu cây, tương đương diện tích 2.544,15 ha. Đến nay, diện tích rồng rừng tập trung toàn tỉnh ước đạt 9.460 ha, bằng 96,7% cùng kỳ, tăng 4% kịch bản tăng trưởng. Trong đó có 631,87 ha Lim, Giổi, Lát (trồng rừng tập trung là 548,37 ha, trồng phân tán là 83.531 cây, quy đổi bằng 83,5 ha) đạt 31,59% chỉ tiêu UBND tỉnh giao 2.000 ha, bằng 49% so với cùng kỳ. 

 3. Lĩnh vực Thủy sản: Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản ước đạt 3.243 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao 45% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; giá trị tăng thêm ước đạt 1.789 tỷ đồng, tăng trưởng lĩnh vực thủy sản ước đạt 6,41%. Tổng sản lượng 6 tháng đầu năm ước đạt cao 89.770 tấn, tăng 5,5% cùng kỳ, tăng 20% kịch bản, chiếm tỷ trọng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành, tập trung chủ yếu vào nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 52.473 tấn, chiếm 59% tổng sản lượng thủy sản, tăng 9,2% cùng kỳ, tăng 39,4% kịch bản tăng trưởng. Sản lượng khai thác ước đạt 37.297 tấn, tăng 0,7% cùng kỳ, vượt 0,3% kịch bản tăng trưởng. 

Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

 4. Thủy lợi: Hiện trên địa bàn tỉnh có 262 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; kết quả cấp nước các công trình đến thời điểm hiện tại Bộ chỉ số nước sinh hoạt nông thôn: (1) Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh: 99,96%. Trong đó: Tỷ lệ sử dụng từ công trình cấp nước tập trung 61,94%, tỷ lệ sử dụng từ công trình cấp nước nhỏ lẻ 38,03%; (2) Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT: 86,37%. Trong đó: Tỷ lệ sử dụng từ công trình cấp nước tập trung 58,23%, tỷ lệ sử dụng từ công trình cấp nước nhỏ lẻ 28,14%; (3) Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh: 100%; Tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT: 70,16%; Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh: 100%; Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT: 67,17%.

 5. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số: Ngành Nông nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và mở rộng đầu tư thuộc phạm vi quản lý. Hiện nay Sở đã đưa 137 thủ tục hành chính được thực hiện ở 3 cấp. Trong đó đã chuyển 99/104 (95%) thủ tục hành chính cấp tỉnh về giải quyết tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giải quyết tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Các thủ tục hành chính trước khi đưa vào Trung tâm đều được rà soát, đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục và cắt giảm 50% về thời gian giải quyết.

 Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung bám sát chỉ đạo của Bộ, của Tỉnh chủ động ban hành các Chương trình, Kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị: đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện, bền vững cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị. Hoàn thành đạt và vượt kế hoạch 8/8 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 6/8 chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao vượt so với cùng kỳ và kịch bản tăng trưởng như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP)  khu vực I; tổng sản lượng thủy sản, tập trung vào sản lượng nuôi trồng thủy sản; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng; sản lượng thịt hơi xuất chuồng, duy trì tỷ lệ che phủ; diện tích tưới tiêu vụ Đông Xuân. Ngoài ra, có 2/8 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra nhưng có chiều hướng giảm so với cùng kỳ: tổng sản lượng lương thực tăng 2,4% so với kế hoạch, bằng 97% so với cùng kỳ; diện tích trồng rừng tập trung tăng 4% so với kế hoạch, bằng 96,7% so với cùng kỳ./.

Kim Thanh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1288
Đã truy cập: 2894107