Tỉnh Quảng Ninh hiện đang phát triển 02 đối tượng tôm nuôi chủ lực Quốc gia là Tôm thẻ chân trắng và tôm sú với 3.017 cơ sở, tổng diện tích nuôi đạt 7.500 ha (chiếm 23,37% diện tích nuôi trồng thủy sản), trong đó tôm sú 2.800 ha, tôm thẻ chân trắng 4.700 ha tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên và Quảng Yên. Nhờ áp dụng công nghệ, mô hình nuôi phù hợp với điều kiện, kịp thời quan trắc, cảnh báo môi trường, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm nuôi ước đạt khoảng 18.830 tấn, trong đó, tôm sú 1.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 17.830 tấn; năng suất bình quân đạt 2,5 tấn/ha/vụ (tôm Sú 0,36 tấn/ha và tôm Thẻ chân trắng 3,8 tấn/ha).
Các cơ sở nuôi tôm đã áp dụng nhiều mô hình nuôi khác nhau và hầu hết các mô hình nuôi đều ứng dụng công nghệ sinh học nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước, nâng cao sức khỏe tôm nuôi, hạn chế chất thải độc hại ra môi trường. Đã có nhiều mô hình hiệu quả, cho năng suất và lợi nhuận cao, như: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính; mô hình nuôi tôm trong bể nổi tròn (khoảng 100 ha, chiếm 1,3% diện tích nuôi tôm); mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn ít thay nước; mô hình nuôi tôm trong ao đất bền vững (khoảng 150 ha, chiếm 2% diện tích nuôi tôm); mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường và dịch bệnh (khoảng 4.700 ha, chiếm 62% diện tích nuôi tôm)… Đặc biệt hiện nay một số cơ sở nuôi tôm tại thành phố Móng Cái đã áp dụng mô hình CPF-COMBINE, theo đó quy trình sản xuất được triển khai hoàn toàn trong nhà bạt nhằm hạn chế các tác động của thời tiết, được chia thành 04 giai đoạn, giúp người nuôi kiểm soát được con giống, chất lượng nước đầu vào, các yếu tố môi trường trong ao, hệ thống xử lý chất thải Biogas, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải từ ao tôm, đồng thời khí gas sau khi xử lý có thể được sử dụng để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất; năng suất nuôi đạt được 10 - 12 kg/m3.
Mô hình nuôi tôm trong nhà bạt tại Móng Cái
Nuôi tôm trong ao đất bền vững
Về nguồn tôm giống: Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 04 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống với công suất thiết kế khoảng 10 tỷ Post/năm (Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh; công ty TNHH thuỷ sản Minh Hàn; Hợp tác xã Minh Linh; công ty TNHH kinh doanh tôm giống Tuần Châu). 06 tháng đầu năm 2023 đã sản xuất, ương dưỡng và cung ứng trên 500 triệu con giống tôm Sú, tôm Thẻ chân trắng, đạt 60% kế hoạch, trong đó, cung ứng trong tỉnh khoảng gần 300 triệu con, tỉnh ngoài 200 triệu con (Riêng Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh đã sản xuất, cung ứng được 494 triệu con giống tôm Thẻ chân trắng, trong đó thị trường Quảng Ninh 284 triệu con). Ngoài ra, tôm giống thả nuôi trong tỉnh còn được cung ứng từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh như Công ty C.P Việt Nam, Grobest, Thông Thuận, Uni-President Việt Nam, Long Thăng,…
Thăm mô hình sản xuất tôm giống tại Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh
Về thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học: Toàn tỉnh có 26 cơ sở đại lý mua, bán sản phẩm thức ăn, thuốc thú y, chất cải tạo xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản của các doanh nghiệp: CP Việt Nam, Grobest, HANVET, Cty TNHH-CPSH Thắng Lợi, Bayer, Hoàn Cầu,… Trong 6 tháng đầu năm các đại lý đã cung ứng khoảng trên 25.000 tấn thức ăn công nghiệp và hàng trăm tấn chế phẩm sinh học, thuốc thú y, chất cải tạo xử lý môi trường phục vụ sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh: Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và Dịch bệnh (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1) xây dựng kế hoạch quan trắc và cảnh báo môi trường năm 2023; đến nay đã tổ chức được 02 đợt quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi tôm, nhuyễn thể, cá biển, cá nước ngọt với tổng số mẫu thu, phân tích là 1.710 mẫu, tại 18 vùng nuôi thuộc 09 địa phương Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí; thông qua kết quả quan trắc đã kịp thời cảnh báo, khuyến cáo đến các địa phương để quản lý, chỉ đạo và tổ chức sản xuất.
Trong 06 tháng đầu năm, theo thống kê tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh như: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Hạ Long đã xuất hiện dịch bệnh Đốm trắng, Hoại tử gan tụy, vi bào tử trùng trên tôm nuôi với diện tích là 91 ha (bằng 1,2% tổng diện tích nuôi) và 161 cơ sở nuôi bị thiệt hại, ước khoảng trên 15 tỷ đồng. Tôm bị bệnh tập trung vào cuối tháng 3, cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Cán bộ lấy mẫu thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản
Về vật tư, hóa chất phòng, chống dịch bệnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ cấp phát 18,5 tấn Chlorine cho 03 huyện: Tiên Yên (5 tấn), Móng Cái (13,5 tấn), Đầm Hà (5 tấn) để xử lý các ổ dịch trên tôm nuôi. Các địa phương đã chủ động cấp phát, hướng dẫn các cơ sở nuôi xử lý ổ dịch theo quy định; tổ chức mua hóa chất dự phòng phòng, chống dịch tại địa phương và động viên nhân dân chủ động phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
Về chế biến, tiêu thụ tôm thương phẩm: Hiện Quảng Ninh có 09 nhà máy sơ chế, chế biến thuỷ sản đông lạnh, thuỷ sản khô (tôm, cá, mực, nhuyễn thể), công suất kho lạnh khoảng 2.700 tấn, cấp đông đạt 380 tấn/ngày; sản lượng chế biến xuất khẩu hàng năm khoảng 7.500 tấn. Riêng tôm thương phẩm, trong 6 tháng đầu năm, các nhà máy đã thu mua, chế biến khoảng trên 2.000 tấn (chiếm 14,6% sản lượng tôm nuôi trong tỉnh). Khoảng trên 16.000 tấn tôm thương phẩm được xuất bán dạng tươi sống, ướp đá cho các thương lái để cung ứng cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng và các chợ đầu mối ở Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… trong khi đó, nhiều nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh vẫn phải nhập tôm nguyên liệu từ các tỉnh khác, thậm chí các tỉnh phía Nam.
Về xác nhận cơ sở nuôi chủ lực và sản xuất tôm theo chuỗi giá trị: Đến hết tháng 6/2023 đã hướng dẫn, tiếp nhận đăng ký nuôi tôm theo Luật Thủy sản năm 2017 cho 450 cơ sở, đạt 14,9 % tổng số cơ sở nuôi toàn tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi, còn có những khó khăn, thách thức đối với nghề nuôi tôm: (1) Mặc dù trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, tuy nhiên mới đáp ứng được trên 70% nhu cầu; còn lại, người dân vẫn phải nhập giống từ tỉnh ngoài về nuôi dẫn đến dịch bệnh khó kiểm soát, nguy cơ lây lan ra vùng nuôi khác. (2) Hạ tầng kỹ thuật tại các vùng nuôi tập trung còn thiếu và yếu (chưa có hệ thống cấp, thoát nước riêng cho vùng nuôi - nguồn nước dễ bị ô nhiễm; các vùng nuôi thâm canh vẫn còn tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất - do tiết giảm, cắt điện luân phiên… phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện), công nghệ kỹ thuật sản xuất chưa thực sự ổn định, nhất là tại các cơ sở nhỏ…. (3) Năng suất nuôi tôm trung bình của các cơ sở còn rất thấp (3,2 tấn/ha/năm). (4) Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn thô sơ, (sản phẩm tôm xuất khẩu chủ yếu ở dạng ướp đá, tươi sống) dẫn đến giá trị xuất khẩu chưa cao; liên kết chuỗi từ cung ứng vật tư, con giống, nuôi thương phẩm đến chế biến, thương mại còn lỏng lẻo; Giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực (do giá thức ăn nuôi tôm cao; giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng) xong giá bán giảm, ảnh hưởng tâm lý người nuôi. (5) Công tác đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ còn chậm, tỷ lệ đăng ký ở một số địa phương trong tỉnh thấp (Cẩm Phả 8 cơ sở, Đầm Hà 23 cơ sở, Quảng Yên 9 cơ sở, Uông Bí 9 cơ sở); tỷ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo chứng nhận GAP, hữu cơ còn thấp (Cả tỉnh hiện có 02 cơ sở nuôi tôm đạt chứng nhận VietGAP).
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó là do: (1) Nguyên nhân khách quan, do: (i) Thời tiết biến động phức tạp; (ii) Giá xăng dầu tăng đột biến gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng vật tư đầu vào (giá vật tư, thức ăn, nhân công...) và tiêu thụ tôm nuôi trên địa bàn; (iii) Chính sách biên mậu trong nhập khẩu thủy sản từ phía thị trường Trung Quốc có nhiều thay đổi, trong khi việc thích ứng của chủ các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh chưa đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu của thị trường. (iv) Chưa có quy định chi tiết và hướng dẫn việc thu hút đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực thủy sản; (v) Chưa hoàn thành hạ tầng, bàn giao mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại các khu công nghiệp đã được quy hoạch; (vi) Tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết và hợp tác nên không tạo ra sự tương hỗ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; mô hình quản lý dựa vào cộng đồng ở các vùng nuôi chưa tổ chức được để triển khai thực hiện quy chế quản lý vùng nuôi an toàn; (vii). Vốn nhà nước đầu tư cho nuôi trồng thủy sản còn hạn chế; mức vay tín dụng dành cho nuôi trồng thủy sản thấp, lãi suất chưa ưu đãi.
Nhằm tiếp tục thực hiện đúng, đảm bảo các chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng năm 2023, 06 tháng cuối năm, Chi cục Thủy sản tiếp tục xác định triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tổ chức triển khai nuôi trồng thủy sản theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023. Trong đó chú trọng phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng, xây vùng nuôi tôm thâm canh tập trung; nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng có khả năng và được quy hoạch chuyển đổi sang nuôi tôm nước lợ theo hình thức nuôi thâm canh. (2) Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch số 108/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 07/8/2018 về việc ban hành Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm nước lợ Quảng Ninh đến 2025. (3) Hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, không để bùng phát bệnh dịch; tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi nhiều giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm lúa, tôm hữu cơ, nuôi tôm công nghệ cao... để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung, kịp thời khuyến cáo người dân chủ động kế hoạch sản xuất, thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. (4) Xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 Phê duyệt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tổ chức thành công mô hình thí điểm liên kết chuỗi trong nuôi tôm tại Cẩm phả, làm cơ sở nhân rộng trong tỉnh. Chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt tình hình diễn biến giá tôm nguyên liệu, phân tích hiệu quả sản xuất từng cỡ tôm thu hoạch, dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất. (5) Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm đáp ứng đủ điều kiện thành phần hồ sơ thực hiện đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ./.