Tăng cường phòng chống sinh vật gây hại lúa vụ Mùa 2023

15/09/2023 15:32

      Vụ Mùa năm 2023, toàn tỉnh gieo cấy ước đạt 22.422 ha, hiện nay trà lúa Mùa sớm đang giai đoạn chắc xanh, trà lúa Mùa trung giai đoạn làm đòng - trỗ bông, trà Mùa muộn đang giai đoạn đứng cái - làm đòng. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ninh, thời tiết trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối vụ có nhiều diễn biến phức tạp, nắng mưa xen kẽ, rất thuận lợi cho các đối tượng sinh vật gây hại phát triển gây hại trên lúa, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, sâu đục thân 2 chấm,…

     

                                   Kiểm tra sinh vật gây hại trên đồng ruộng

      Qua kiểm tra thực tế tại một số huyện, thị xã, thành phố, hiện nay một số đối tượng sinh vật gây hại đang phát sinh, gây hại mạnh, đặc biệt trong thời gian tới trà lúa mùa trung sẽ trỗ tập trung từ khoảng 17-25/9, nếu không theo dõi và có biện pháp phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại sẽ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng lúa vụ Mùa 2023.

      Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sinh vật hại gây ra, bảo vệ năng suất lúa vụ mùa năm 2023, bà con nông dân cần chú trọng, quan tâm một số đối tượng có nguy cơ gây hại mạnh trên diện rộng trong thời gian tới như sau:

      - Bệnh đạo ôn cổ bông: Theo dõi sát tình hình thời tiết, cây trồng để có biện pháp phòng trừ thích hợp, đăc biệt chú ý những vùng có nguy cơ bệnh gây hại mạnh (giống nhiễm, những diện tích lúa đã bị nhiễm đạo ôn lá). Khi tỷ lệ bệnh từ 2-2,5% số bông, hoặc ngay khi lúa bắt đầu trỗ và khi lúa đã trỗ đều cần phun trừ bằng các thuốc đặc hiệu như Filia-525SE; Tilbis Super 550SE, Kabum 650WP; Fuji-One 40EC, Difusan 40EC,…

      - Sâu đục thân 2 chấm: Cần kiểm tra xác định mật độ ổ trứng sâu, trên diện tích lúa thấp tho trỗ có mật độ ổ trứng sâu đục thân từ 0,3 ổ/m2 trở lên hoặc khi lúa chuẩn bị trỗ bông (trước trỗ 4 - 5 ngày) và khi lúa trỗ bông được 5% có thể sử dụng các biện pháp thủ công như ngắt, tiêu hủy các ổ trứng sâu và dùng một số thuốc đặc hiệu như Virtako 40WG, Dupon prevathon 5SC để phun phòng trừ.

      - Rầy nâu, rầy lưng trắng: Kiểm tra mật độ rầy trên đồng ruộng, phun trừ những diện tích có mật độ từ 1.500 con/m2, sử dụng một số loại thuốc như: Babsax 400 WP, Anvado 100WP, Bassa 50EC,… để phun trừ.

      Ngoài ra, bà con cần quan tâm theo dõi một số đối tượng sinh vật gây hại khác như sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 (trên diện tích lúa mùa muộn); bọ xít dài, bệnh bạc lá, bệnh đen lép hạt, bệnh đốm nâu...

      Lưu ý:

      - Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

      - Sau khi phun trừ nếu gặp trời mưa phải tiến hành kiểm tra, nếu mật độ và tỷ lệ còn cao thì tiến hành phun lại.

Nguyễn Thị Hằng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 834
Đã truy cập: 3315638