GIỚI THIỆU MỘT SỐ CÔNG NGHỆ MỚI TRONG NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP

18/09/2023 11:23

      Tại Quảng Ninh, tôm nước lợ là một trong những đối tượng nuôi chủ lực với diện tích, sản lượng tôm ngày càng tăng và có đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp.

      Cụ thể, năm 2021, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt 7.000 ha, sản lượng 14.000 tấn; năm 2022, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 7.500 ha, sản lượng 23.287 tấn (năng suất 3,1 tấn/ha/năm); mục tiêu năm 2023, diện tích nuôi đạt 7.680 ha, sản lượng 26.925 tấn (năng suất 3,5 tấn/ha). Với mục tiêu lấy con tôm làm mũi nhọn đột phá trong tăng trưởng ngành nông nghiệp nói riêng và phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững nói chung thì việc áp dụng các biện pháp kĩ thuật, công nghệ thân thiện với môi trường trong quản lý, chăm sóc là hướng đi tất yếu. Để hướng đế mục tiêu trên, xin giới thiệu đến người sản xuất một số công nghệ mới trong nuôi tôm công nghiệp sau:

      Công nghệ Nanobuble - Bọt Nano

      Công nghệ Nano là xu hương mới, đã được ứng dụng phổ biến trong các lĩnh vực y khoa, môi trường và công nghiệp. Trong nuôi thủy sản, một số nghiên cứu ứng dụng Nanobuble đã được triển khai trên thế giới và Việt Nam trong nuôi cá tra và cá nước ngọt. Nanobubble là những bóng khí nhỏ với đường kính nhỏ hơn 200nm có thể tồn tại trong cột nước hàng tuần. Nanobuble có tỷ lệ diện tích bề mặt trên thể tích lớn, di chuyển theo phương ngang trong dung dịch chất lỏng do đó chúng được lưu giữ lâu trong chất lỏng và ổn định. Các bong bóng nano khi vỡ sẽ sản sinh các gốc tự do có tác dụng diệt khuẩn vì thế công nghệ nghệ này có thể loại bỏ các chất ô nhiễm và tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, Oxy nanobubble  và Ozone nanobubble có khả năng hòa tan vào nước cao hơn và ổn định hơn so với khí oxy bình thường. Nồng độ oxy chuyển vào nước có thể tăng từ 0.0482 mg/l/phút đến 750 mg/l/phút khi sử dụng Oxy nanobuble. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy Nanobubble có thể giảm trên 70% COD, BOD5 và 96% tổng chất rắn lơ lửng. Ozone Nanobubble có hiệu quả cao trong việc loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ. Ngoải ra, ozone-nanobubble có hiệu quả kiểm soát vi khuẩn 100 % Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử trên tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) sau 5 - 6 phút bổ sung ozone-nanobubble với hệ thống.

      Hệ thống tạo Ozone Nanobubble thường bao gồm 01 máy tạo ôxy, 01 máy tạo ozone và 01 máy tạo nanobuble được kết hợp với nhau. Để bổ sung ozone-nanobubble vào bể thí nghiệm, hệ thống tạo Ozone Nanobubble được kết nối với hệ thống ống dẫn hình tròn đặt ở xung quanh đáy bể nhằm phân bố đều lượng ozone-nanobubble trong bể và giảm thiểu tác động cơ học trực tiếp của ozone-nanobubble đến tôm nuôi. Kết quả nghiên cứu khi sử dụng máy tạo ôxy công suất 5 lít/phút, máy tạo ozone công suất 20g ozone/giờ và máy tạo nanobubble công suất 2,5hp (1,9 KW) với lượng nước bơm ra là 4.000 l/giờ và tạo ra nanobubble với kích thước trung bình 168,9 ± 73,8nm, mật độ 1,04x109 ± 2,6x108 hạt/ml. Hệ thống này đã được dùng để cung cấp oxy naobubble và ozone nanobuble cho 9 bể (25 - 35m3) nuôi tôm thương phẩm.  Kết quả nuôi tôm cho thấy trọng lượng tôm lúc thu hoạch của các bể sử dung oxy nanobubble và ozone nanobubble lần lượt là 11,48 ± 2,66 và 13,87 ± 1,65g/con. Ozone nanobubble có tác dụng làm tăng DO, giảm mật độ Vibrio tổng số trong nước và tăng tốc độ sinh trưởng của tôm so với tôm nuôi theo công nghệ thông thường và tôm nuôi có sử dụng oxy nanobubble. 

Mô hình nuôi tôm công nghiệp tại thành phố Cẩm Phả

      Công nghệ Copefloc – Nuôi tôm công nghệ cao sử dụng thức ăn tự nhiên

      Copefloc = Copepods + Biofloc là sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong ao nuôi hoặc thức ăn lên men có nguồn gốc thực vật như cám gạo hoặc đậu nành lên men; kết hợp với thức ăn công nghiệp giúp giảm chi phí sản xuất (giảm giá thành thức ăn), tôm tăng trọng nhanh hơn, giảm giá thành nuôi tôm.

      Nguyên lý cơ bản của công nghệ Copefloc là mô phỏng quá trình tự nhiên qua việc thúc đẩy sự phát triển của động vật thủy sinh (chủ yếu là Copepoda) làm thức ăn cho tôm nuôi và thúc đẩy các vi sinh vật có lợi để tạo các Biofloc nhằm duy trì chất lượng nước. Quá trình này được thực hiện qua việc bổ sung các nguồn carbon, probiotics vào ao nuôi. Công nghệ đã góp phần phát triển ngành nuôi tôm theo hướng thân thiện môi trường, đầu tư thấp, bền vững, an toàn sinh học nhờ những khả năng vượt trội như: (1) Sử dụng nguyên liệu và phụ phẩm từ nông nghiệp để phát triển thức ăn (động vật thủy sinh) cho tôm nuôi trong ao nên giảm được chi phí thức ăn công nghiệp; (2) Loại bỏ Ammonia tự do trong nước ao nuôi bằng cách chuyển hóa thành protein trong sinh khối vi khuẩn dị dưỡng trong các Biofloc; (3) Động vật thủy sản nuôi sử dụng Biofloc làm thức ăn do vậy làm tăng tỷ lệ chuyển hóa protein trong thức ăn; (4) Nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh do ít phải thay nước.

      Công nghệ Copefloc được phát triển trên cơ sở công nghệ Biofloc và được xem như là sự kết hợp của kỹ thuật nuôi sinh khối động vật thủy sinh kết hợp với phát triển và duy trì các hạt floc trong ao nuôi. Công nghệ này có những khác biệt so với công nghệ Biofloc khi sử dụng lượng carbon ít hơn và tỷ lệ C:N không cần chính xác tuyệt đối. Hơn nữa, việc quản lý các floc trong ao đơn giản hơn do thiết kế ao cho phép loại bỏ một phần các floc. Bằng cách áp dụng công nghệ Copefloc, một nguồn thức ăn rẻ tiền là các phụ phẩm hoặc sản phẩm nông nghiệp như cám gạo, bột đậu nành,... được bổ sung vào ao nuôi để gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao. Tôm nuôi trong ao sử dụng đồng thời thức ăn tự nhiên và thức ăn bổ sung. Nhờ vậy mà mô hình nuôi tôm sẽ giảm chi phí đầu tư thức ăn và hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ rệt so với các công nghệ nuôi thâm canh hiện nay (Romano, 2017).

      Vận hành quy trình Copefloc khá đơn giản. Mô hình nuôi Copefloc mật độ thả thấp, dao động từ 80 - 120 con/m2. Sau khi ao được cải tạo đạt yêu cầu kỹ thuật, sử dụng 400 - 500kg (50 ppm) cám gạo nghiền mịn và lên men sau 24 - 48 giờ sẽ được bổ sung vào ao nuôi theo công nghệ Copefloc. Dung dịch cám gạo và nước được trộn với tỷ lệ 1:5 có bổ sung men vi sinh sử dụng là các chủng Bacillus spp với mật độ vi khuẩn 108 - 109 CFU/g và tỷ lệ men là 4g hoặc 4ml cho 10kg cám gạo. Quá trình lên men có tiến hành sục khí liên tục và sử dụng các tấm che tối cho thùng hoặc bể lên men. Tiếp tục bổ sung cám gạo lên men hàng ngày với liều lượng 30 - 50 kg/ha cho đến khi độ trong đạt 30 - 50cm. Tiếp tục sục khí và giữ hàm lượng oxy hòa tan > 5 ppm, giá trị pH từ 7,5 - 8,0 cho đến khi thả giống. Tiếp tục bổ sung cám gạo đã ủ men với liều lượng như trên hàng ngày trong toàn bộ quá trình nuôi với lượng 2 - 3 kg/1000 m2 (2 - 3 ppm).

      Kết qủa mô hình thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng cho thấy năng suất tôm nuôi đạt 12,80 - 14,49 tấn/ha, kích cỡ thu hoạch 17,75 - 22,475g/con (tương đương 44 - 56 con/kg). Hệ số chuyển đôi thức ăn từ 0,75 - 0,83 và tỷ lệ sống >71%; chi phí sản xuất giảm 30,5% so với chi phí của mô hình cùng mức năng suất; tỷ suất lợi nhuận/chi phí đạt từ 0,89 - 1,27 lần./.

Chu Văn Trí - TTKN


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1853
Đã truy cập: 2906741