Bệnh muội đen hại cam và biện pháp quản lý

27/09/2023 10:21

      Cây cam là một trong những loại cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khoảng trên 670 ha tập trung chủ yếu tại: Đông Triều, Vân Đồn, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà,…

 Hiện nay, cây cam đang giai đoạn phát triển quả - quả già, thời gian vừa qua thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa, đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sinh vật phát sinh gây hại trên cây cam như: Rệp sáp, ruồi đục quả, bướm chích hút quả, bệnh muội đen, bệnh loét,… Trong đó, bệnh muội đen đang có xu hướng phát sinh, gây hại mạnh. Sau đây là những đặc điểm nhận biết và biệp pháp quản lý bệnh muội đen trên cây cam:

 * Triệu chứng, tác hại của bệnh muội đen:

 Ở mặt dưới của lá ban đầu có những đốm tơ màu đen hơi tròn, kích cỡ nhỏ từ vài mm đến 1cm, hơi nổi gồ lên, sau đó vết bệnh lan rộng thành mảng lớn, bệnh nặng xuất hiện trên cả mặt lá, có khi phủ kín cả lá, làm giảm khả năng quang hợp của cây. Trên bề mặt vỏ quả, vết bệnh là các chấm nhỏ, đốm càng già thì màu đen càng sậm hơn.

 Khi cạo bỏ lớp muội đen đi sẽ thấy mô lá phía dưới của đốm bệnh có màu thâm đen.

 Bệnh làm giảm sản lượng, giảm chất lượng quả.

 Nếu bị bệnh nặng bộ lá sẽ phát triển kém, khiến cây còi cọc.

 * Nguyên nhân gây bệnh:

 Bệnh do nấm Meliola commixta gây ra.

 * Đặc điểm phát sinh, phát triển của bệnh:

 Bệnh muội đen thường xuất hiện ở mặt dưới của những lá cam đã già (nhất là những lá nằm ở dưới thấp), khi bệnh nặng thì lan lên mặt trên của lá, lên quả, bệnh không xuất hiện ở những lá non.

 Bệnh gây hại nhiều ở những vườn trồng dày, thiếu ánh sáng, ẩm độ trong vườn cao.

 Bệnh có quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, giai đoạn cuối vụ, lúc sắp thu hoạch qủa. 

 Vết bệnh ở mặt dưới lá cam, Vết bệnh ở mặt trên lá cam và Vết bệnh trên quả cam

 * Biện pháp quản lý:

 Không nên trồng quá dày, tạo cho vườn cam luôn thông thoáng và độ ẩm thấp để giảm thiểu sự phát triển của nấm.

 Chủ động thoát nước tốt trong mùa mưa.

 Thường xuyên tỉa bỏ những cành tược, cành già không có khả năng cho quả, cành bị sâu bệnh gây hại, dọn cỏ rác, để vườn luôn được thông thoáng, đủ ánh sáng.

 Chăm sóc bón phân, tưới nước đầy đủ để cây luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Đây là biện pháp hết sức quan trọng, thường mang lại hiệu quả phòng ngừa bệnh rất cao.

 Nếu vườn bị bệnh gây hại nhiều có thể sử dụng một trong những loại thuốc trừ nấm như: Score 250EC, Pylacol 700WP,... để phun. Khi phun cần tuân theo nguyên tắc “4 đúng”./.

Phạm Thị Hiệp - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 362
Đã truy cập: 3460262