Cảnh báo sâu bệnh gây hại trên cây cam trong thời gian tới và biện pháp quản lý

06/10/2023 22:06

      Hiện nay, cây cam trên địa bàn tỉnh đang giai đoạn phát triển quả - quả già. Thời gian vừa qua thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa, đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sinh vật hại phát sinh, gây hại cây cam như: Rệp sáp, ruồi đục quả, bướm chích hút quả, bệnh muội đen, bệnh loét,…

 Theo báo cáo, tổng hợp số liệu của các địa phương: Từ 05/9 – 27/9/2023, diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật hại trên cây cam toàn tỉnh khoảng: 47 ha, trong đó: Diện tích nhiễm rệp sáp: 4 ha, diện tích nhiễm bướm chích hút quả:17 ha, diện tích nhiễm ruồi đục quả: 24 ha, diện tích nhiễm bệnh muội đen: 2 ha.

 Dự báo trong thời gian tới, với điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ như hiện nay rất thuận lợi cho các đối tượng sinh vật hại: Rệp sáp, ruồi đục quả, bướm chích hút quả, bệnh muội đen phát sinh gây hại mạnh, có thể gây nhiều thiệt hại kinh tế cho người trồng.

 * Một số hình ảnh sinh vật gây hại và triệu chứng gây hại: 

Ruồi vàng và triệu chứng gây hại quả cam 

Bệnh muội đen gây hại mặt trên, mặt dưới lá và trên quả

 

Rệp sáp hại quả cam và Bướm chích hút quả cam

 Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sinh vật hại: Rệp sáp, ruồi đục quả, bướm chích hút quả, bệnh muội đen gây hại trên cây cam trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

 * Biện pháp quản lý:

 - Biện pháp quản lý chung:

 Chủ động thoát nước tốt khi có mưa.

 Thường xuyên tỉa bỏ những cành tược, cành già, cành bị sâu bệnh gây hại, dọn cỏ rác, phát quang cây bụi, dây leo, để vườn luôn được thông thoáng, đủ ánh sáng, độ ẩm thấp.

 Chăm sóc bón phân, tưới nước đầy đủ để cây luôn đủ dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt.

 Sử dụng biện pháp bao quả (nếu có điều kiện).

 - Biện pháp quản lý riêng:

 + Quản lý rệp sáp:

 Bảo vệ và lợi dụng thiên địch tự nhiên như: Bọ rùa, nhện, kiến vàng, bọ cánh cứng, .. để diệt rệp.

 Khi rệp gây hại nhiều, có thể dùng một trong các thuốc như: Movento 150OD, Actara 25WG, … để phun trừ.

 + Quản lý bướm chích hút quả:

 Dùng vợt bắt và giết trưởng thành bướm chích hút quả vào ban đêm, trong khoảng từ 18-22 giờ.

 Sử dụng bẫy bả thức ăn: Dùng chuối, dứa, mít chín,… trộn với thuốc trừ sâu không hoặc ít mùi để không ảnh hưởng đến mùi thơm của bẫy mồi để dẫn dụ bướm chích hút quả và tiêu diệt chúng, đặt trong vườn (khoảng 5-10 bẫy/ha). Chú ý đặt bẫy ở những cây xung quanh vườn, đặc biệt phía gần rừng hoặc nhiều cây bụi, không treo bẫy ở giữa vườn.

 Dùng đạm thủy phân làm bả dẫn dụ: 1 lít pha loãng 3 - 4 lần thêm thuốc trừ sâu hóa học và tẩm vào giẻ hay đựng trong bát, túi nilon, treo lên tán cây, bướm hút giẻ bị nhiễm thuốc sẽ chết.

 + Quản lý ruồi đục quả:

 Thu nhặt quả bị ruồi đục đem tiêu hủy để diệt dòi ở trong quả.

 Dùng các loại tấm dính diệt ruồi vàng bóc ra treo lên cây (tùy mật độ ruồi, diện tích cụ thể từng vườn để treo tấm dính cho phù hợp), ngoài tác dụng diệt ruồi đục quả còn có tác dụng diệt các loại côn trùng khác khi dính vào tấm dính.

 Sử dụng bả protein để diệt ruồi đực, tẩm 2ml hợp chất dẫn dụ (ME hoặc CuE + 20% thuốc trừ sâu) vào bẫy. Treo bẫy lên cây nơi râm mát ở độ cao 1,5-2m. Mỗi ha treo 20- 30 bẫy, cứ sáu tuần thay bả một lần.

 Sử dụng thuốc dẫn dụ diệt ruồi vàng Vizubon D: Hộp nhỏ chứa 2 chai thuốc gồm: 1 chai chứa chất dẫn dụ ruồi và 1 chai chứa chất diệt ruồi. Khi sử dụng, mở nắp 2 chai thuốc, đổ hết chai chứa chất diệt ruồi vào chai chứa chất dẫn dụ, rồi đậy nắp kín, lắc đều. Sau đó, dùng bông, vải tẩm khoảng 1-2ml hỗn hợp thuốc đã trộn vào bẫy, treo lên cây. Treo từ 2-3 bẫy cho 1000m2, treo cách mặt đất từ 1- 2m ở chỗ dâm mát tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp làm giảm hiệu lực. Sau 10-15 ngày, đổ hết xác ruồi chết, tẩm thuốc mới vào bẫy, tiếp tục treo lên cây. Thuốc đã hỗn hợp nếu không dùng hết, đậy nắp kín, để nơi thoáng mát và có thể sử dụng trong vòng 6 tháng. Dùng thuốc rắc xung quanh gốc cây để trừ nhộng của ruồi.

 Dùng một số loại quả chín trước, có mùi thơm như: Chuối, mít, dứa,…cắt lát và tẩm thuốc trừ sâu vào, sau đó treo xung quanh vườn để dẫn dụ tiêu diệt ruồi.

 + Quản lý bệnh muội đen:

 Nếu vườn bị bệnh gây hại nhiều có thể sử dụng một trong những loại thuốc trừ nấm như: Score 250EC, Pylacol 700WP,... để phun.

 Lưu ý: Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân theo nguyên tắc “4 đúng”./.

Phạm Thị Hiệp - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 2027
Đã truy cập: 3275384