Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Minh Sơn - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Vũ Duy Văn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc sở; đồng chí Nguyễn Văn Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc sở, đồng chí Ngô Tất Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy, Phó Giám đốc sở, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bí thư, Phó Bí thư các Chi, Đảng uỷ bộ phận; Trưởng, Phó các phòng, đơn vị trực thuộc Sở; Bí thư, Phó Bí thư các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ bộ phận; Giám đốc (Phó Giám đốc phụ trách) các đơn vị thuộc Sở; Trưởng các phòng và tương đương thuộc các Chi cục, Trung tâm; Văn phòng Điều phối nông thôn mới; Trưởng các phòng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý: rừng phòng hộ hồ Yên Lập, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn, Kỳ Thượng; Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1, số 2 thuộc Chi cục Kiểm lâm và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức cơ quan Văn phòng sở với 108 đại biểu tham dự.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại hội nghị, đại biểu tham dự đã được nghe đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quán triệt triển khai Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Quy định số 114-QĐ/TW gồm 5 chương, 16 điều quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm. So với Quy định số 205 trước đây, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng trong Quy định số 114 đã được mở rộng hơn. Các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn đã được bổ sung một số hành vi mới, bao gồm: Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Bên cạnh đó, Quy định số 114 cũng quy định 6 hành vi chạy chức, chạy quyền trên cơ sở kế thừa Quy định số 205, có bổ sung hành vi mới là: Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.
Để tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, Quy định số 114 cũng nhấn mạnh đến việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan.
Hội nghị quán triệt triển khai Quy định số 114-QĐ/TW, Quy định số 117-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 73/2023/NĐ/CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định “về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quán triệt triển khai Quy định 117-QĐ/TW ngày 18/8/2023 của Bộ Chính trị về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Đây là Quy định có nhiều nội dung quan trọng cụ thể hóa tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ gìn nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng cũng như góp phần hoàn thiện Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Quy định gồm 4 chương và 15 điều, quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc; căn cứ để xin lỗi và phục hồi quyền lợi; trường hợp không thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi; trách nhiệm của tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan; trách nhiệm của tổ chức đảng giải quyết, xác định kỷ luật oan; quyền và trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.
Đối tượng áp dụng là tổ chức đảng bị kỷ luật oan (bao gồm cả tổ chức đảng đã giải tán, giải thể, kết thúc hoạt động, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập về tổ chức); đảng viên bị kỷ luật oan (bao gồm cả đảng viên không còn sinh hoạt đảng, đã qua đời, mất năng lực hành vi dân sự, toà án tuyên bố mất tích); tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan (bao gồm cả tổ chức đảng giải quyết khiếu nại kỷ luật); tổ chức đảng giải quyết, xác định kỷ luật oan (cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền giải quyết đối với quyết định của tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan); các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hội nghị tiếp tục được nghe đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quán triệt triển khai Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng chí Đảng uỷ sở nhấn mạnh Nghị định 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ, áp dụng đối với toàn thể cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nghị định đã nêu rõ nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ; cụ thể, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. Khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan nhà nước cấp trên và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện, có kết quả đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Cơ quan sử dụng cán bộ báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp trước khi phê duyệt và đánh giá kết quả thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định và pháp luật có liên quan. Cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện đối với việc đề xuất và thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo.
Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định.
Những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ: Lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cản trở, gây khó khăn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ năng động, sáng tạo, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất, thực hiện, hoàn thành đề xuất vì lợi ích chung. Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong trình tự, thủ tục phê duyệt và triển khai thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Không chấp hành sự phân công của cơ quan, tổ chức về việc giao thực hiện đề xuất; thực hiện không đúng đề xuất được cơ quan sử dụng cán bộ quyết định cho thực hiện; không chấp hành chỉ đạo của cơ quan sử dụng cán bộ về việc tiếp tục, dừng hoặc chấm dứt thực hiện đề xuất; lợi dụng việc thực hiện đề xuất để né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ khác được giao theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan.
Chính sách khuyến khích cán bộ: Cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo, cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ được khuyến khích bằng các hình thức sau đây theo quy định của pháp luật có liên quan: Tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị; được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với những đề xuất được đánh giá là hoàn thành; được lấy làm căn cứ để đánh giá trước khi xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển theo hướng ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả cao; được đánh giá là có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ để xét nâng ngạch công chức; được xét nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng theo quy định của pháp luật đối với những đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành; được động viên, khuyến khích bằng các hình thức khác phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc sở phát chỉ đạo tại Hội nghị
Để thực hiện có kết quả các Quy định mới của Trung ương, phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc sở yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị, trực tiếp là người đứng đầu tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt triển khai đầy đủ, nghiêm túc Quy định số 114-QĐ/TW, Quy định số 117-QĐ/TW và Nghị định số 73/2023/NĐ/CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định “về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo sự thống nhất trong nhận thức và tư tưởng chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Đối với Quy định 114-QĐ/TW, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quyền hạn, trách nhiệm của mình về công tác cán bộ; thực hiện việc rà soát những người có quan hệ gia đình đang đảm nhiệm các chức danh không được bố trí theo quy định; bố trí, sắp xếp đảm bảo đúng quy định. Trong quá trình rà soát, nghiêm cấm việc lợi dụng việc rà soát để có những hành vi tham nhũng, tiêu cực liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức cán bộ trong các cơ quan, đơn vị. Ngoài 13 vị trí trong Quy định 114, đề nghị người có quan hệ gia đình ở các vị trí khác cũng cần nêu cao sự gương mẫu, cá nhân phải tự giác, cân nhắc kỹ lưỡng để bố trí cán bộ, tạo sự đồng tình trong hệ thống chính trị, trong dư luận, bảo đảm quy tắc, quy định.
Đồng chí Bí thư Đảng uỷ sở cũng yêu cầu người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng và người làm công tác tham mưu về công tác cán bộ phải nắm vững, đầy đủ những nội dung cơ bản, những điểm mới, điểm cốt lõi của Quy định số 114-NQ/TW về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ để tham mưu và tổ chức thực hiện nghiêm trong thực tiễn.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình, quy chế về công tác cán bộ, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy định số 114-QĐ/TW và các quy định mới của Trung ương về công tác cán bộ, đảm bảo chủ trương, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, sát với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Phải xây dựng kế hoạch và tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát; thực hiện cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới và cấp dưới giám sát cấp trên; giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức và giám sát của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý đảng viên; khẩn trương hoàn thiện việc tổng rà soát, cập nhật, bổ sung hồ sơ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo phân cấp quản lý.
Đối với Quy định 117, đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc sở yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm, thận trọng, khách quan để tránh những sai sót, tránh bị xử lý… Ủy ban kiểm tra Đảng ủy sở thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 117-QĐ/TW; việc xử lý kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật những tổ chức đảng, đảng viên.
Đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc sở đề nghị sau Hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh bằng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý bằng hình thức phù hợp. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ sở được phân công phụ trách các chi, đảng bộ bộ phận trực thuộc trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện ở chi, đảng bộ bộ phận và cơ quan, đơn vị mình theo dõi, phụ trách./.