Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để trồng cây ăn quả tập trung trong đó na là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao nhất (đạt 200 triệu đồng/ha/năm) so với các loại cây trồng khác. Cây na được trồng chủ yếu tại một số địa phương ở khu vực miền Tây như Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Hạ Long với tổng diện tích khoảng 1.113,5 ha.
Sau khi thực hiện nhiệm vụ không sử dụng ngân sách đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của giống na QN-D1 ghép trên gốc na dai tại Quảng Ninh, nhận thấy giống na QN-D1 có nhiều đặc điểm vượt trội so với giống na địa phương, Kỹ sư Nguyễn Khắc Dũng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và nhóm nghiên cứu đã đề xuất và được phê duyệt nhiệm vụ Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc na QN-D1. Nhiệm vụ được thực hiện từ tháng 5/2021 với mục tiêu bổ sung giống mới vào cơ cấu giống cây ăn quả nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại quảng Ninh.
Về nội dung nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nhân giống ghép cành; trong đó tập trung thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của thời vụ ghép; tiêu chuẩn cành ghép, tiêu chuẩn gốc ghép đến tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây sau ghép; xây dựng mô hình vườn ươm giống tại thôn Đá Trắng, xã Tiền An, thị xã Quảng Yên.
Về nội dung nghiên cứu hoàn thiện quy trình quy trình trồng, chăm sóc na QN-D1, nhóm nghiên cứu đã triển khai các thí nghiệm nghiên cứu kỹ thuật ghép cải tạo trên gốc na địa phương; nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tạo quả trái vụ; xây dựng mô hình trồng na QN-D1 tại 3 địa phương Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, quy mô 0,5ha/địa phương.
Ghép cải tạo na QN-D1 trên gốc na địa phương
Sau 3 năm triển khai, đến nay nhiệm vụ khoa học đã mang lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Kỹ sư Nguyễn Khắc Dũng - chủ nhiệm nhiệm vụ khẳng định: “Hoàn toàn có thể nhân giống na QN-D1 tại Quảng Ninh bằng phương pháp ghép cành với việc sử dụng gốc ghép là na địa phương (na dai, na bở), cành ghép tiêu chuẩn là đoạn cành na QN-D1 bánh tẻ có 3 mắt ngủ, ghép phù hợp nhất vào vụ tháng 6, cho tỷ lệ trên 80%. Để cải tạo vườn na địa phương giai đoạn kinh doanh bằng na QN-D1, có thể sử dụng phương pháp ghép tại vị trí cành cấp 1. Để tạo quả trái vụ, có thể sử dụng biện pháp cắt tỉa cành. Thời điểm tác động vào tháng 7, cắt tỉa 60% tổng số cành, bao quả bằng túi vải trắng. Kết quả cho thu hoạch vào tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau (dịp Tết Nguyên Đán); mã quả đẹp, quả nhiều thịt, ngọt, thơm; giá bán giới thiệu sản phẩm thời điểm cuối năm 2022 là 150-200 nghìn đồng/kg”. Nhiệm vụ đã xây dựng được vườn ươm giống công suất 1 vạn cây; xây dựng thành công 3 mô hình trình diễn, đây là địa điểm thăm quan, học tập, giới thiệu giống na mới và chuyển giao kỹ thuật cho bà con những khu vực lân cận.
Thí nghiệm các loại túi bao đến chất lượng quả trên na QN-D1
Nói về đặc điểm của giống na QN-D1, ông Nguyễn Hồng Khanh - thôn Hổ Lao, xã Tân Việt, thị xã Đông Triều - hộ dân được chọn tham gia xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cho biết: “Cây na QN-D1 sinh trưởng nhanh gấp 1,5 lần so với na dai, ít sâu bệnh. Đặc biệt, cây có khả năng phát triển trong điều kiện nhiệt độ thấp nên có thể rải vụ thu hoạch vào dịp tết Nguyên Đán mang lại giá trị kinh tế cao”. Hiện tại diện tích 0,5 ha mô hình trồng thử nghiệm na QN-D1 đang được hộ gia đình ông chăm sóc theo đúng hưỡng dẫn kỹ thuật của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh và được theo dõi, đánh giá, so sánh với vườn trồng na dai, na bở tại địa phương.
Nói thêm về năng suất và chất lượng quả Na QN-D1, Kỹ sư Nguyễn Văn Phú - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Na QN-D1 cho năng suất cao (10 tấn/ha); quả to (trọng lượng bình quân 500 gam/quả), ngọt thơm vị dứa (độ Brix 20-25), ít hạt; thịt quả chắc, chịu được vận chuyển nên có tiềm năng xuất khẩu”.
Vườn na QN-D1 trái vụ (tháng 11/2023) tại thôn Giếng Đá, xã Tiền An, thị xã Quảng Yên
Sau khi thăm thực tế mô hình trong khuôn khổ Hội thảo Giới thiệu giống, kỹ thuật nhân giống và trồng na QN-D1 tại Quảng Ninh, TS. Nguyễn Đức Huy - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá rất cao về những kết quả đạt được của nhiệm vụ, đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh thời gian tới tiếp tục xây dựng mô hình, chuyển giao giống, kỹ thuật cho các địa phương thuộc vùng quy hoạch cây ăn quả tập trung của tỉnh, đặc biệt là các địa phương đang xây dựng và thực hiện Đề án cây ăn quả cấp huyện như: Hạ Long, Đầm Hà, Tiên Yên./.