Chủ động theo dõi và phòng trừ sâu đục ngọn gây hại trên cây Lim xanh

29/11/2023 14:30

      Qua kết quả điều tra, theo dõi và tổng hợp từ báo cáo của các địa phương cho thấy, năm 2023 sâu đục ngọn gây hại trên cây Lim xanh thường gây hại rừng trồng giai đoạn 1-3 năm tuổi và thường tập trung gây hại vào 3 đợt chính là tháng 3, tháng 5 và tháng 7-8; tỷ lệ cây bị hại cũng khác nhau tại các địa phương phổ biến 10-30%, cao 60% số cây (Vân Đồn, Ba Chẽ….).

 Để giúp các đơn vị, chủ rừng chủ động trong việc phòng trừ sâu đục ngọn gây hại trên cây Lim kịp thời, hiệu quả, chúng tôi xin giới thiệu sơ bộ đặc điểm hình thái, tập tính gây hại và các biện pháp phòng trừ sâu đục ngọn hại cây Lim như sau:

 Sâu đục ngọn Cryptophlebia ombrodelta là loài sâu hại nguy hiểm đối với cây Lim tại rừng trồng. Sâu đục ngọn gây hại rất mạnh đối với cây Lim giai đoạn dưới 3 năm tuổi đặc biệt ở giai đoạn 1-2 năm tuổi.

 1. Đặc điểm hình thái

 Trưởng thành: có màu từ nâu đến nâu đỏ, con cái có đốm màu nâu sẫm, con đực có vảy giới tính ở cánh sau và bụng, con đực thiếu nếp gấp ở rìa cánh. Con cái có chiều dài thân 8-10 mm, có cánh trước dài 21-25 mm; Con đực có chiều dài thân 8-9 mm, có cánh trước dài 18-21 mm.

 Trứng: có hình vảy, gần tròn, đường kính 1-1,1 mm; trứng mới đẻ có màu trắng kem sau chuyển sang vàng nhạt và hồng.

 Sâu non: sâu tuổi nhỏ có màu trắng vàng, tuổi lớn chuyển sang màu nâu đỏ. Đầu và mảnh ngực trước lúc đầu có mầu đen hoặc nâu sẫm sau chuyển màu nâu nhạt hoặc hơi vàng. Sâu non đấy sức dài 19-23 mm. Sâu non có 5 tuổi.

 Nhộng: lúc đầu có màu nâu nhạt, sau sẫm màu, nhộng dài 10-13 mm, rộng 2-3 mm, nhộng đực nhỏ hơn nhộng cái. 

Hình thái các pha phát triển của sâu đục ngọn (Cryptophlebia ombrodelta ) gây hại Lim: a. trưởng thành cái; b trưởng thành đực; c. trứng, d. sâu non; e. nhộng.

 2. Đặc điểm sinh học và tập tính gây hại:

 - Sau khi vũ hóa trưởng thành giao phối và đẻ trứng sau 18-24 giờ. Trưởng thành sống khoảng 5-7 ngày. Trưởng thành có khả năng bay xa nhưng chúng thường tìm đến những nơi có nguồn thức ăn sẵn có gần nhất để đẻ trứng.

 - Trứng được đẻ rải rác trên các nõn, kẽ lá và mặt trên của lá. Thời gian trứng từ 4-5 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường.

 - Sâu non tuổi 1-2 ăn vào đỉnh nõn hoặc lá non, đến cuối tuổi 2 sâu non bắt đầu đục vào bên trong nõn. Sau đó chúng làm thành đường hang thải phân và nhả tơ phủ kín lỗ đục để tự bảo vệ. Sâu non tiếp tục đục lên đỉnh nõn rồi quay lại ăn phần phía dưới, lỗ đục thường xuyên được mở rộng và sâu thải phân và nhả tơ phủ kín lỗ đục. Khi thức ăn không đủ chúng có thể ra khỏi đường hang và tìm kiếm các ngọn khác để đục vào.

 Sâu đục ngọn gây hại rất mạnh đối với cây Lim giai đoạn dưới 3 năm tuổi đặc biệt ở giai đoạn 1-2 năm tuổi. Những nõn bị sâu đục ở giai đoạn đầu vẫn xanh sau đó vàng úa và héo. Khi quan sát thấy ngọn bị héo và tại lỗ đục có có phân màu trắng, chắc chắn có sâu non đang gây hại. Sau khi bị sâu gây hại, ngọn cây bị chết và sẽ mọc cụm chồi mới gây hiện tượng nhiều cành làm giảm chất lượng hình thân và ảnh hưởng đến sinh trường.

 Sâu đục ngọn thường gây hại tập trung vào 3 đợt: đầu tháng 3 đến đầu 4; tháng 5 -6 và tháng 7-8 hàng năm. 

Triệu chứng cây lim xanh bị sâu đục ngọn gây hại

 3. Biện pháp phòng trừ sâu đục ngọn trên cây Lim

 - Đối với diện tích rừng Lim 1-2 năm tuổi bị sâu gây hại, cần triển khai thực hiện một số biện pháp sau:

 + Cắt tỉa, thu gom các phần của cây Lim bị sâu gây hại đem tiêu hủy nhằm hạn chế nguồn phát sinh, gây hại của lứa sâu sau;

 + Theo dõi thời gian vũ hóa của sâu trưởng thành để xác định thời gian sâu non nở và gây hại để phòng trừ kịp thời;

 + Khi sâu non mới nở (khoảng 1-2 ngày tuổi) và bắt đầu gây hại có thể dùng thuốc Dupont Prevathon 5SC, Vitako 40WP,… để phun trừ nhằm hạn chế thấp nhất sự thiệt hại do sâu gây ra.

 - Đối với diện tích cây rừng chưa bị sâu gây hại:

 + Thực hiện phát dọn thực bì 3 lần/năm vào tháng 3, 7 và 11. Hai lần đầu chỉ phát theo hàng cây (bề rộng luống phát 2m), lần cuối phát toàn bộ diện tích.

 + Thường xuyên điều tra, theo dõi để phát hiện sớm các ổ trứng trên lá, sâu non và nhộng để xử lý kịp thời, hiệu quả (thu các ổ trứng trên lá, tiêu diệt sâu non và nhộng).

 Lưu ý:

 - Khi sâu đã đục vào trong thân cành, hoặc sâu tuổi đã lớn việc dùng thuốc bảo vệ thực vật đạt hiệu quả không cao.

 - Phun thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, nồng độ và liều lượng phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì. 

 - Đối với cây Lim sau khi bị sâu đục ngọn gây hại thường ra nhiều chồi, ngọn. Sau khi ra các ngọn mới được 3-6 tháng thực hiện lựa chọn ngọn chính (ngọn sinh trưởng nhanh, vượt lên và phải có thân chính hình thành một trục với gốc); các thân khác chèn ém thân chính cần cắt bỏ; cắt cành, thân chèn ép phải cát sát thân chính để không tổn thương đến gỗ; thời gian cắt vào mùa xuân đối với lát; lim vào đầu mùa sinh trưởng.

 Dự kiến thời gian điều tra, theo dõi sâu đục ngọn hại Lim tại Quảng Ninh

Thế hệ sâu

Thời gian điều tra

trưởng thành

Thời gian điều tra

sâu non

1

20/2-15/3

05/3-10/4

2

20/4-15/5

27/4-15/6

3

19/6-20/7

25/6-25/8

4

22/8-18/9

02/9-26/10

Nguyễn Thị Hằng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1797
Đã truy cập: 3314326