Đánh giá hoạt động sản xuất chăn nuôi năm 2023 trên địa bàn tỉnh

07/12/2023 14:24

      Năm 2023, hoạt động sản xuất chăn nuôi nhìn chung thuận lợi, tuy vẫn phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục… đa số các ổ dịch phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, không kiểm soát được an toàn sinh học;  các ổ dịch được kiểm soát tốt, được khống chế kịp thời, không lây lan rộng.

      Theo số liệu ước tính của Cục Thống kê tỉnh, tổng đàn gia súc, gia cầm năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022  hiện có: Đàn trâu 25.462 con (tăng 6,1% so với cùng kỳ), đàn bò 29.345 con (tăng 4,4% so với cùng kỳ) đàn lợn 296.283 con (tăng 8,5% so với cùng kỳ); đàn gia cầm đạt 5.421 nghìn con (tăng 12,9% so với cùng kỳ); tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 101.131,98 tấn (tăng 2,3% so với cùng kỳ).

      Hiện nay quy mô phát triển về tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn) trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, kết quả ước tính thực hiện không đạt các chỉ tiêu giao theo Kế hoạch tỉnh giao (tại Quyết định số 3636/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh), cụ thể: (1) Đàn trâu (đạt 79,5% so với KH): Do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cơ giới trong nông nghiệp dần thay thế sức kéo cho trâu bò, diện tích chăn thả tự nhiên bị thu hẹp; hiện nay ở vùng nông thôn, miền núi xuất hiện nhiều ngành nghề, khu công nghiệp có thu nhập khá đã thu hút lao động tham gia, khiến số hộ chăn nuôi giảm; (2) Đàn bò (đạt 78% so với KH): Công ty TNHH Phú Lâm hiện có 4.810 con (giảm 60,7% so với cùng kỳ năm 2022), nguyên nhân do giá nhập bò thịt, giá thức ăn tăng cao, lãi suất vốn vay ngân hàng tăng và một số nguyên nhân chủ quan khác nên công ty mới nhập được 2.561 con (đạt 51,2% so với KH nhập bò thịt); (3) Đàn lợn (đạt 80,1% so với KH): Khu vực chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, không kiểm soát được an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và chi phí sản xuất nên hiệu quả chăn nuôi không cao, nhiều hộ thua lỗ (giá lợn thịt hơi thấp, chi phí phòng dịch tăng cao, giá thức chăn nuôi giảm không đáng kể, giá lợn giống cao) nên người chăn nuôi đã hạn chế tăng đàn hoặc dừng hẳn không nuôi (số lượng hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh giảm trên 5.000 hộ); các dự án chăn nuôi triển khai chậm, chưa đi vào sản xuất;các doanh nghiệp chăn nuôi sản xuất cầm chừng do giá các loại sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất trong thời gian dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận người chăn nuôi, khả năng tái đàn và tốc độ tăng trưởng của đàn lợn. Quy mô phát triển đàn gia cầm tăng cao đạt 5.421 nghìn con (tăng 34% so với KH tỉnh giao) do gia cầm dễ nuôi, sinh sản nhanh, chu kỳ sinh trưởng ngắn, công tác tiêm phòng được quan tâm nên không xảy ra dịch bệnh trên diện rộng; giá thịt gia cầm hơi tăng dần qua các quý trong năm, hiện giữ ở mức ổn định (giá gà thịt lông màu ngắn ngày khoảng 62.000 đồng/kg, gà thả vườn trong khoảng 70.000 đồng-80.000 đồng/kg) có lãi cho người chăn nuôi. 

Ảnh minh họa

      Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện năm 2023; các Kế hoạch, Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về định hướng phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục  phối hợp với các địa phương thực hiện tham mưu đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng phương hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2024, với mục tiêu: Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ổn định thị trường và giá cả sản phẩm chăn nuôi; Chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi; Kiểm soát chất lượng con giống, khuyến khích giải pháp cải tạo nâng cao tầm vóc đàn gia súc ăn cỏ; Giám sát và kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiệu quả, không để tái nhiễm; Quy định chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thuốc thú y./.

Trương Thị Hoài Thu - Chi cục Chăn nuôi và Thú y


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 2701
Đã truy cập: 3329022