Trong đó, bệnh khảm lá dưa chuột đã gây hại nặng làm thất thu năng suất khoảng 10 ha tại phường Hưng Đạo - thị xã Đông Triều. Bệnh khảm lá gây hại tất cả các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây dưa chuột, nếu không phòng bệnh kịp thời sẽ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Sau đây là những đặc điểm nhận biết và biện pháp quản lý bệnh khảm lá dưa chuột:
* Triệu chứng, tác hại của bệnh khảm lá dưa chuột:
Các triệu chứng của bệnh khảm lá dưa chuột có thể rất khác nhau tuỳ thuộc vào giống và thời gian nhiễm bệnh khác nhau. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Lá bị mất màu xanh, xuất hiện các mảng màu vàng hoặc đốm xanh nhạt (vết bệnh khảm). Lá non mọc ra có kích thước nhỏ hơn bình thường, nhăn nheo, biến dạng.
- Trên hoa xuất hiện những vệt trắng. Số lượng hoa trên cây rất ít, tỷ lệ đậu quả thấp.
- Quả có các đốm vàng hoặc xanh nhạt hoặc các đường vân, hình dạng bất thường, ăn có vị đắng.
- Cây bị nhiễm bệnh thường kém phát triển, còi cọc, đọt non bị xoăn lại, biến dạng, lóng ngắn lại, cây trở nên giòn và dễ gãy, cuối cùng cây có thể bị chết.
- Bệnh gây hại cả ở giai đoạn cây con, bệnh xuất hiện càng sớm thì mức độ thiệt hại càng nặng, khả năng thất thu càng cao gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Hình ảnh lá và cây dưa chuột bị bệnh khảm lá do Cucumber mosaic virus (CMV) gây hại tại phường Hưng Đạo - thị xã Đông Triều
* Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh khảm lá dưa chuột do vi rút Cucumber mosaic virus (CMV) gây ra.
Môi giới truyền bệnh là do các loại côn trùng hút chích như rầy, rệp dưa, bù lạch (bọ phấn trắng) truyền từ cây bệnh sang cây khỏe.
* Đặc điểm phát sinh, phát triển của bệnh:
- Bệnh phát sinh gây hại quanh năm, gây hại nặng hơn trong điều kiện khô, ít mưa và nhẹ trong mùa mưa.
- Bệnh được truyền từ cây bệnh sang cây khỏe qua côn trùng chích hút như bù lạch (bọ phấn trắng), rệp dưa; qua cơ giới như dụng cụ lao động, qua hạt giống.
- Mật độ côn trùng chích hút (rầy, rệp, bọ phấn trắng,..) càng cao thì tỉ lệ cây bị bệnh càng nhiều. Điều kiện khô và nóng sẽ là môi trường thuận lợi cho nhóm côn trùng chích hút phát triển gây hại, lan truyền bệnh làm bệnh khảm phát sinh, gây hại nặng.
- Bệnh thường gây hại ở giai đoạn cây ra hoa kết trái trở về sau.
Các triệu chứng có thể trầm trọng hơn ở nhiệt độ cao, vườn sử dụng thuốc diệt cỏ, thiếu dinh dưỡng.
* Biện pháp quản lý:
Bệnh khảm lá dưa chuột do virus gây ra nên hiện chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, có thể quản lý bệnh bằng cách quản lý con đường lây lan qua việc áp dụng đồng thời nhiều biện pháp:
- Sử dụng hạt giống và cây giống sạch bệnh, không bị nhiễm virus, không dùng giống ở những ruộng bị bệnh. Chọn giống kháng bệnh, kháng côn trùng chích hút hoặc cây dưa chuột khỏe có sức chống chịu cao với bệnh khảm lá.
- Vệ sinh tàn dư cây trồng vụ trước, nhất là những cây trồng là ký chủ của virus như cây họ bầu bí, khoai tây, cà chua, thuốc lá, đậu đỗ… Tránh trồng gần các ruộng có các cây trồng nêu trên và đang ở giai đoạn cây lớn đến sắp thu hoạch. Vệ sinh các loài cỏ và cây dại quanh bờ để hạn chế nơi cư trú của côn trùng chích hút (môi giới truyền bệnh).
- Làm đất kĩ nhằm tiêu diệt các mầm bệnh.
- Luân canh với lúa nước hoặc cây trồng khác họ như: hành tỏi, đậu đỗ,... để cắt đứt nguồn bệnh. Không nên trồng dưa leo và những cây thuộc họ bầu bí (nhất là dưa hấu) liên tục nhiều năm trên một ruộng, một khu vực,
- Bón phân đầy đủ, cân đối, không bón thừa phân đạm, tăng cường thêm các loại phân vi lượng, phân chuồng hoai mục giúp dưa chuột sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu bệnh..
- Vệ sinh tay chân, dụng cụ (dao, kéo,…) trước và sau mỗi lần cắt tỉa.
- Sử dụng các loại bẫy dính để bắt rầy, rệp, bọ phấn trắng,...
- Nhổ bỏ và tiêu huỷ các cây bị bệnh để tránh lây lan, không vứt cây bệnh bừa bãi, không sử dụng làm phân xanh hay xử lý chung với phân hữu cơ, vì vi rút có thể tồn tại trong tàn dư thực vật bị nhiễm bệnh.
- Kiểm tra ruộng thường xuyên, theo dõi chặt chẽ mật độ các loại côn trùng chích hút (rầy, rệp, bọ phấn trắng,…) để phòng kịp thời từ khi cây vừa mọc cho đến 25 - 30 ngày sau mọc (vì đây là giai đoạn quyết định tỷ lệ cây bị bệnh và mức độ bệnh nặng hay nhẹ), nếu thấy có nhiều côn trùng chích hút (rầy, rệp, bọ phấn trắng,..) có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất như: Thiamethoxam (ACTARA 25WG,…), Spirotetramat (Movento 150 OD,…), Pymetrozine (Chees 50WG,…), Afidopyropen (Mallot® 50DC,…),… để phun trừ. Khi phun cần tuân theo nguyên tắc “4 đúng”./.