Quản lý tốt đàn chó, mèo – bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng
Thời gian qua, bệnh Dại phát sinh phức tạp trên địa bàn tỉnh, ghi nhận tại 06 địa phương với 11 sự kiện chó phát bệnh dại, nghi dại đã có 144 người phải điều trị dự phòng phơi nhiễm. Nguyên nhân do một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đàn chó, người nuôi chó chưa chấp hành việc nghiêm túc trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Việc tiêm phòng Dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ cao (trung bình trên 80%), tuy nhiên thấp hơn thực tế rất nhiều so với tổng đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng; chưa thành lập các đội, tổ chuyên trách để xử lý bắt chó thả rông, chó không tiêm phòng vắc xin dại tại địa bàn; công tác xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo chưa được thực hiện nghiêm theo Nghị định số 90/2017/NĐ- CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thú y; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luậtvề phòng, chống bệnh Dại chưa thường xuyên, liên tục.
Chủ nuôi chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó
Năm 2022, tỉnh ghi nhận 01 ổ bệnh dại trên chó tại Móng Cái, không ghi nhận trường hợp tử vong do dại (giảm 3 ca so với cùng kỳ năm 2021). Thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho đàn chó được: 92.500 liều (đạt 95%KH).
Năm 2023: Lũy kế 11 tháng, toàn tỉnh xảy ra 11 ổ dịch bệnh dại trên chó trên địa bàn 6 địa phương; đã xử lý tiêu hủy 62 con chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại; đã có 02 người chết và 144 người phơi nhiễm với bệnh dại. Thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho đàn chó được: 94.534 liều (đạt 99% kế hoạch năm).
Để chủ động phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 16/03/2022 về thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2022 – 2023, theo đó giao Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì tham mưu phòng, chống bệnh Dại ở động vật trên phạm vi toàn tỉnh và phối hợp với Sở Y tế để triển khai các giải pháp phòng, chống dại trên người; thành lập đoàn kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin phòng, chống bệnh Dại; xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí giám sát chủ động phát hiện vi rút gây bệnh Dại; xây dựng chương trình phối hợp với Sở Y tế trong trao đổi thông tin, phối hợp phòng, chống bệnh động vật lây sang người; tổ chức tổng kết công tác phòng, chống bệnh động vật và triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó (mèo).
Căn cứ Luật Thú y, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và hướng dẫn phòng, chống bệnh Dại tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; để công tác phòng, chống bệnh Dại đạt hiệu quả trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, UBND các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp theo Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 16/03/2022 về thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2023, theo đó tập trung: Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của bệnh dại và biện pháp phòng trừ; Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập đội bắt giữ chó thả rông, chó không tiêm phòng và xử lý nghiêm các chủ nuôi không chấp hành quy định về phòng chống bệnh dại; thống kê chính xác chủ nuôi chó, số lượng chó, cập nhật biến động về tổng đàn và tổ chức tiêm phòng vắc xin đại trà, tiêm phòng bổ sung đạt 100% tổng đàn thuộc diện tiêm; năm 2024-2025, xây dựng thí điểm vùng an toàn bệnh dại cấp xã tại thành phố Hạ Long và Uông Bí và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh trong các năm tiếp theo.
Để đảm bảo khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại vào năm 2030 yêu cầu sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương, từ xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh Dại. Chấp hành nghiêm hướng dẫn, thực hiện đồng bộ các giải pháp: Quy định quản lý chó, mèo nuôi; tiêm phòng vắc xin Dại bắt buộc; quy định về xử lý ổ dịch bệnh Dại; xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định phòng, chống bệnh Dại của các chủ vật nuôi, chính quyền cấp xã thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai không nghiêm túc công tác phòng, chống bệnh Dại động vật.
Quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh Dại (tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)
1. Đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi)
a) Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;
b) Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
c) Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;
d) Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;
đ) Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn bao gồm các thông tin sau đây:
- Họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi;
- Số lượng chó nuôi;
- Ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc-xin dại.
b) Hằng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn;
c) Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận;
d) Phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông và bắt động vật mắc bệnh Dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách;
đ) Phối hợp với cơ quan y tế tổ chức được tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách theo quy định của ngành y tế./.