Chỉ thị tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt

30/03/2024 13:57

        Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống chuột, góp phần bảo vệ sản xuất trồng trọt an toàn và giảm chi phí sản xuất. Ngày 15/3/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 1900/CT-BNN-BVTV về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt. Theo đó:

Ảnh minh họa

        Chuột là một trong những loài sinh vật gây hại khó kiểm soát do tập tính sống và khả năng nhân đàn nhanh chóng. Cây trồng thường xuyên chịu tổn thất do sự gây hại của chuột, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng, đặc biệt là lúa nước. Hàng năm, khoảng 60.000 ha lúa và nhiều diện tích cây trồng khác bị chuột gây hại. Mặc dù có ít diện tích mất trắng, nhưng có nhiều diện tích phải gieo cấy lại. Sự gia tăng mạnh mẽ của chuột hiện nay chủ yếu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp (hạn hán, lũ nhỏ hoặc không có lũ, thời tiết mùa đông ấm...), đồng thời, việc canh tác đa dạng và luân canh gối vụ liên tục cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chuột. Sự suy giảm của các loài thiên địch như rắn, chim cú mèo, mèo, …cũng góp phần vào tình trạng này. Hiện nay, công tác phòng chống chuột chưa được tổ chức quy mô và toàn diện, dẫn đến hiệu quả chưa đạt được như mong đợi. Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống chuột, góp phần bảo vệ sản xuất trồng trọt an toàn và giảm chi phí sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

        Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch diệt chuột hàng năm để bảo vệ sản xuất với các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình canh tác, đặc điểm địa hình, kinh tế xã hội ở địa phương. Trong đó phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức, phát động phong trào diệt chuột; tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt “diệt chuột tập trung” vào thời gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất hoặc trong các đợt lũ khi chuột còn đang co cụm. Tuỳ theo tình hình cụ thể tiến hành từ 3-5 đợt diệt chuột/năm, thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng thực hiện diệt chuột bằng bẫy cây trồng (TBS), bẫy dẫn dụ chuột vào sinh sống để quây bắt, bằng các biện thủ công như đào bắt, bẫy chuột và sử dụng bả diệt chuột. Tổ chức diệt chuột cả ngoài đồng, ven khu dân cư, bờ mương máng và các diện tích đất bỏ hoang. Hạn chế sử dụng nylon quây từng ruộng nhỏ để bảo vệ môi trường. Tuyệt đối không dùng điện hoặc thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam để diệt chuột. Chỉ đạo UBND các huyện tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột, nhất là ở cấp xã, hợp tác xã, thôn bản; phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn hướng dẫn các biện pháp diệt chuột cho các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng; chỉ đạo, hỗ trợ các xã, hợp tác xã và các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng thực hiện. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng ở địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Chỉ đạo các cơ quan thông tin tuyên truyền của địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền về các đợt diệt chuột; hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi. Bố trí kinh phí để các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện tổ chức, thực hiện công tác diệt chuột hiệu quả; khen thưởng các tổ chức cá nhân có thành tích tốt.

        Nội dung chi tiết:

SNN



Gửi ý kiến phản hồi

Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1359
Đã truy cập: 3340584