Ước thực hiện 6 tháng, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt khoảng 33.124,71 ha, đạt 54,06% kế hoạch năm, bằng 100,65% cùng kỳ. Trong đó: diện tích lúa ước đạt 14.856,34 ha, bằng 100,13% cùng kỳ; tiếp tục phát triển diện tích lúa chất lượng cao J02 đạt 96 ha); diện tích ngô gieo trồng ước đạt 4.568,27 ha, bằng 103,62% CK. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt 6 tháng ước đạt 103.914,67 tấn, bằng 100% KBTT, bằng 100,22% cùng kỳ. Tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh đạt khoảng 7.951 ha, trong đó: Diện tích cây ăn quả đạt khoảng 6.225 ha; Diện tích cây chè búp (cây công nghiệp dài ngày) đạt khoảng 1.054 ha, giai đoạn sinh trưởng: phát triển búp; diện tích cây lâu năm khác đạt khoảng 248 ha.
Bên cạnh việc duy trì ổn định năng suất các loại cây trồng, giá cả nhiều mặt hàng nông sản tăng cao như vải chín sớm, vải thiều tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; giá thóc tăng trung bình khoảng 10%,... trong khi đó giá cả nhiều loại vật tư đầu vào giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 đã giúp tăng thu nhập cho người nông dân. Đây là yếu tố tích cực góp phần đưa chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế toàn ngành đề ra với mức tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 4,21%, cao hơn 0,09 điểm % so với mục tiêu kịch bản tăng trưởng (KBTT); So với các chỉ tiêu được điều chỉnh, 6 tháng ước đạt 4,3%, cao hơn 0,17 điểm % so với mục tiêu KBTT.
Đồng chí Ngô Tất Thắng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thăm quan, chỉ đạo tại mô hình trồng lúa J02 tại huyện Hải Hà
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì các vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, ATTP với diện tích được chứng nhận VietGAP 322,35ha, 329 ha quế hữu cơ và 10 ha trà hoa vàng theo tiêu chuẩn hữu cơ; cấp xác nhận mới thêm 06 mã vùng trồng phục vụ nội tiêu. Lũy kế đến thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp được 62 mã số vùng trồng (trong đó: 46 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 16 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu) với tổng diện tích trên 1.520 ha và 09 mã số cơ sở đóng gói; tiếp tục duy trì cập nhật dữ liệu tại mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng theo hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu với tổng diện tích 60 ha; Duy trì các vùng sản xuất hàng hóa tập trung khoảng 6.358 ha (tương ứng với hơn 10.900 ha diện tích trồng trọt) đối với các sản phẩm: rau, lúa chất lượng, lúa nếp cái hoa vàng, cây ăn quả (na, vải, cam); cây công nghiệp lâu năm (chè, cây dong riềng); hoa, cây cảnh.
Xác định 6 tháng cuối năm là thời điểm quan trọng, then chốt để hoàn thành mục tiêu kịch bản tăng trưởng cả năm 2024 với các chỉ tiêu lĩnh vực trồng trọt về diện tích cây hàng năm đạt 62.420 ha, phấn đấu tổng diện sản lượng lương thực cây có hạt đạt 220.038-220.042 tấn. Để đạt được những chỉ tiêu trên, lĩnh vực Trồng trọt quyết tâm tranh thủ những yếu tố tích cực, thuận lợi vượt lên các khó khăn, thách thức, các yếu tố gây bất lợi cho sản xuất trồng trọt, thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau: Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Đông 2024 linh hoạt, thích ứng với thời tiết, biến đổi khí hậu, phù hợp với thị trường để đạt được mục tiêu tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, các sản phẩm đặc hữu địa phương; nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu để xuất khẩu và mở rộng thị trường nông sản; nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại cây trồng, chủ động phòng ngừa đối với loại sâu bệnh mới. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng. Tăng cường công tác tuyên truyền tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT tới người sản xuất, hình thức tập huấn cần phải đổi mới, tăng cường hướng dẫn thực hành, giảm lý thuyết. Tăng cường các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, thu gom xử lý và tái xử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu…/.
Nguyễn Thị Thu Hà - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật