Kết quả quan trắc cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tháng 8/2024

04/09/2024 15:12

      Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 315/KH-UBND ngày 22/12/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phòng, chống dịch bệnh tỉnh Quảng Ninh năm 2024; trong tháng 8/2024, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với cơ quan chuyên môn địa phương, đơn vị chức năng thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Chi cục Thủy sản thông tin kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tháng 8 năm 2024 và một số khuyến cáo kiểm soát biến động môi trường, hạn chế dịch bệnh cho các địa phương trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

 1. Kết quả phân tích môi trường nuôi tôm nước lợ

 9 vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh được quan trắc với tổng số 45 điểm (gồm 27 ao nuôi và 18 điểm nguồn cấp). Các chỉ tiêu được phân tích bao gồm nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, COD, NH3, NH4+, H2S, vi khuẩn Vibrio tổng số, thực vật phù du và tảo độc.

 - Kết quả quan trắc môi trường ao nuôi tôm: Tại thời điểm quan trắc, các chỉ tiêu phân tích bao gồm: COD, NH4+, H2S của các mẫu quan trắc đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép. Không phát hiện tảo độc trong mẫu nước ao nuôi tôm

 Các chỉ tiêu nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, NH3, thực vật phù du và vi khuẩn Vibrio tổng số tại một số ao nuôi có giá trị không phù hợp theo TCVN 13656:2023 (trong đó: nhiệt độ, pH, DO, độ mặn có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép; NH3, thực vật phù du và vi khuẩn Vibrio có giá trị cao hơn giới hạn cho phép).

 - Kết quả quan trắc môi trường nguồn nước cấp: Các chỉ tiêu COD, NH3, NH4+, H2S, thực vật phù du và Vibrio tổng số tại các điểm nguồn cấp đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép, không phát hiện tảo độc tại các điểm thu nguồn nước cấp.

 Các chỉ tiêu Nhiệt độ, pH, DO, độ mặn tại một số điểm nguồn cấp có giá trị không phù hợp theo TCVN 13656:2023 (có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép).

 2. Kết quả phân tích môi trường nuôi nhuyễn thể/cá biển

 Tổng 25 điểm được tiến hành quan trắc tại 05 vùng nuôi nhuyễn thể/cá biển (gồm Quảng Minh, Tâp Lập, Bản Sen, Thắng Lợi và Cẩm Đông). Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, COD, NH3, NH4+, H2S, Thực vật phù du và tảo độc. 

Thực hiện lấy mẫu tại khu vực nuôi cá biển

 Kết quả quan trắc cho thấy các chỉ tiêu Nhiệt độ, DO, COD, NH3, H2S và thực vật phù du đều có giá trị nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Không phát hiện tảo độc trong tất cả các mẫu nước.

 Các chỉ tiêu: pH, độ mặn, NH4+ tại một số điểm quan trắc có giá trị không phù hợp theo TCVN 13656:2023. (NH4+ có giá trị cao hơn; pH, độ mặn có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép).

 3. Kết quả phân tích mẫu môi trường vùng nuôi thủy sản nước ngọt

 Tổng số 04 vùng nuôi thủy sản nước ngọt được quan trắc, trong đó 12 điểm ao nuôi và 08 điểm nguồn cấp. Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nhiệt độ, pH, DO, COD, NH3, NH4+, H2S, NO2- và Vi khuẩn Aeromonas sp. Tổng số.

 - Kết quả quan trắc môi trường ao nuôi: Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nhiệt độ, COD, NH3, NH4+, H2S, NO2- tại tất cả các điểm quan trắc đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép, phù hợp cho nuôi trồng thủy sản.

 Các chỉ tiêu: DO, pH và Aeromonas sp. tổng số của một số mẫu có giá trị không phù hợp theo TCVN 13656:2023 (trong đó: pH, Aeromonas sp. tổng số có giá trị cao hơn và DO có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép).

 - Kết quả quan trắc môi trường nguồn nước cấp: Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nhiệt độ, pH, COD, NH3, H2S, NO2- tại 8 điểm quan trắc đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép, phù hợp cho nuôi trồng thủy sản. 

 Các chỉ tiêu DO, NH4+ và mật độ Vi khuẩn Aeromonas sp. tổng số tại một số điểm nguồn cấp có giá trị không phù hợp (chỉ tiêu NH4+, mật độ Vi khuẩn Aeromonas sp. tổng số có giá trị cao hơn, DO có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép).

 4. Biện pháp giảm thiểu

 4.1 Môi trường nuôi tôm nước lợ

 - Đối với ao nuôi có mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số cao vượt giới hạn cho phép cần xử lý ao nuôi bằng các chế phẩm diệt khuẩn BKC, Iodine... (liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất). Tăng cường xi phông, xả đáy để loại bỏ các chất thải, thức ăn dư thừa. Kiểm soát lượng thức ăn và sử dụng thêm các sản phẩm vi sinh để ổn định chất lượng nước và hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

 - Ao nuôi có oxy hoà tan (DO) thấp cần tăng cường chạy quạt khí, sục khí đến khi đạt mức yêu cầu;

 - Ao nuôi có độ mặn thấp, pH cần tiến hành tăng độ mặn và tăng pH để giảm các nguy cơ mắc bệnh và giúp tôm tăng trưởng tốt.

 - Các ao nuôi có hàm lượng NH3  cao, mật độ tảo cao cần tăng cường kiểm soát lượng thức ăn, tránh dư thừa gây hiện tượng phú dưỡng. Các ao này có thể xuất hiện hiện tượng oxy thấp vào thời điểm sáng sớm và pH cao vượt ngưỡng vào buổi trưa/chiều, do đó các hộ nuôi cần thường xuyên theo dõi để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

 - Các hộ có ao nuôi gần các điểm Nguồn cấp có độ mặn thấp, pH thấp cần tiến hành nâng độ mặn và pH về giá trị thích hợp ở ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi tôm:

 + Sử dụng các chất kiềm như vôi sống hoặc vôi tôi cho vào ao lắng để tăng pH một cách ổn định và an toàn, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 + Pha loãng nước biển với nước ao để tăng độ mặn. Lưu ý thêm từ từ để tránh thay đổi đột ngột.

 4.2 Môi trường nuôi nhuyễn thể/cá biển

 - Người nuôi cần duy trì các biện pháp phòng bệnh tổng hợp: Thường xuyên vệ sinh lồng bè, loại bỏ thức ăn dư thừa, cá chết ra khỏi lồng, sử dụng vôi sống hoặc TCCA dạng viên to buộc trong túi vải và treo quanh lồng để khử trùng nguồn nước, tần suất 2 lần/tháng; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết sức khoẻ của cá/nhuyễn thể để có biện pháp xử lý kịp thời.

 - Kiểm tra và gia cố các lồng, dây buộc, neo để đảm bảo không bị hỏng hoặc gió mạnh.

 4.3 Môi trường nuôi cá nước ngọt

 - Đối với nước nguồn cấp có mật độ Aeromonas tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép, các hộ nuôi cần thực hiện các biện pháp khử trùng trước khi cấp vào ao nuôi.

 - Đối với ao nuôi có DO thấp cần tăng cường sục khí để cung cấp oxy cho ao.

 - Ao nuôi có pH cao cần tiến hành thay một phần nước ao bằng nước mới có pH thấp hơn với 10-20% lượng nước ao mỗi ngày cho đến khi pH đạt mức mong muốn.

 - Áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp để duy trì chất lượng nước ổn định.

 Trước tình hình thiên tai, mưa bão những tháng cuối năm có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, các hộ nuôi cần chuẩn bị sẵn các phương án tích trữ nguồn nước phù hợp để xử lý khi cần thiết; gia cố, tu sửa bờ ao, lồng nuôi để tránh thất thoát vật nuôi; có các biện pháp phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng cho tôm, cá nuôi bằng cách bổ sung Vitamin, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn định kỳ 10 - 15 ngày/đợt, mỗi đợt từ 5 - 7 ngày; điều chỉnh lượng thức ăn khi có mưa bão hoặc thay đổi thời tiết để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí; thu hoạch khi đối tượng nuôi đạt kích thước thương phẩm để tránh rủi ro, thiệt hại./.

 

Nguyễn Thị Thu Hiền - Chi cục Thủy sản


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 220
Đã truy cập: 3329324