Kiểm tra đồng ruộng sau bão số 3
1. Công tác chăm sóc cây trồng sau mưa bão:
a. Đối với cây lúa:
- Chủ động khơi thông dòng chảy, kiểm tra các bờ kênh, mương, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn những khu vực bị ngập úng. Xử lý các chất thải (bùn đất, rong rêu,…) bám trên lá lúa để đảm bảo cây lúa quang hợp tốt nhất, sinh trưởng phát triển phục hồi hiệu quả nhất.
- Đối với các diện tích lúa đã trỗ đến chắc xanh bị đổ ngã: Tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-4 gốc lúa lại với nhau bằng dây mềm (dây chuối, dây rơm, nilon) thành hình chân kiềng để tạo thế đứng vững cho cây lúa vào chắc và chín.
- Với những diện tích lúa giai đoạn đứng cái-làm đòng- chuẩn bị trỗ: Tiến hành dựng lúa nếu bị đổ rạp. Sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali theo khuyến cáo của nhà sản xuất để tăng khả năng chống đổ, giúp cây nhanh chóng phục hồi, đứng nhanh và thúc đẩy lúa trỗ thoát. Ngừng bón phân đạm và không bón phân lai rai nhằm hạn chế sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.
- Đối với diện tích lúa đã đến thời kì thu hoạch (chín trên 85%): Cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giải phóng đất để gieo trồng các cây vụ đông. Cần tính toán thời gian để làm bầu đối với nhóm cây ưa ấm cho phù hợp với thời gian thu hoạch lúa, tránh để cây con quá ngày trong bầu, khi trồng phục hồi chậm và bị còi cọc.
- Đối với diện tích lúa bị ngập úng nặng không có khả năng cho thu hoạch, cần tập trung tiêu thoát nước. Khuyến cáo chuyển đổi sang gieo trồng cây rau màu, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.
Lúa bị đổ ngã sau bão số 3
1. Đối với cây rau màu
- Tăng cường thực hiện khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng, với ruộng không tháo được nước cần dùng bơm hút hoặc tát cạn nước trong ruộng.không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ. Khi đã thoát cạn nước, dùng bình bơm nước lã rửa sạch đất, bùn bám trên mặt lá, khi lớp đất mặt đã khô cần xới phá váng, dựng lại các cây con bị nghiêng ngả, nén gốc để cây đứng thẳng, vững. Thu dọn tất cả các cây bị dập nát, bị héo không có khả năng hồi phục, cắt tỉa bỏ lá gốc già, rách tướp, vàng úa. Sau 2-3 ngày có thể hòa loãng 0,2 kg lân Supe với 10 lít nước để tưới gốc, kích thích bộ rễ phát triển, đồng thời phun các chế phẩm sinh học như KH, PennacP, Siêu lân...(lưu ý không tưới sát gốc và để phân dính lên lá) để giúp cây nhanh hồi phục. Sử dụng các loại thuốc phòng trừ nấm lở cổ rễ. Theo dõi kịp thời phát hiện và phòng chống các loại sâu bệnh hại.
- Các diện tích rau màu đến thời kì thu hoạch cần tập trung tranh thủ, kịp thời thu hoạch để đảm bảo năng suất chất lượng, giảm thiểu thiệt hại.
- Các diện tích khó có khả năng hồi phục cần vệ sinh đồng ruộng, khẩn trương cuốc lật đất, để khô và đập nhỏ, tranh thủ thời tiết thuận lợi gieo trồng lại bằng các loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.
- Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống để sẵn sàng gieo trồng lại nếu bị thiệt hại do mưa bão gây ra, chỉ tiến hành gieo trồng khi thời tiết thuận lợi cho việc gieo trồng các loại cây trồng.
c. Đối với cây ăn quả
Vườn na tại thị xã Đông Triều bị đổ ngã sau bão số 3
(1). Đối với cây ăn quả có múi và các cây khác:
- Đối với vườn cây bị ngập nước: Khẩn trương đào rãnh, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi hố, vườn cây. Loại bỏ rác bám trên cây để tránh tổn thương và loại bỏ nguồn bệnh. Rửa bùn bám trên lá để tăng khả năng quang hợp.
- Đối với vườn cây bị gãy cành, đổ nghiêng: Sau khi hết mưa khơi thoát nước vườn cây, tiến hành dựng thẳng gốc các cây bị đổ, dùng cọc chống để cây không bị nghiêng trở lại (áp dụng đối với cây thân gỗ). Cắt bỏ cành gẫy, cành bị tổn thương do bão, ngập lụt:
+ Đối với cây còn nguyên vẹn cành hoặc có ít cành bị gãy (<1/3 tán cây gãy): Chỉ cắt bỏ cành gãy, sau khi cây hồi phục mới tỉa cành, tạo tán.
+ Đối với cây có bộ tán bị gãy nhiều (>1/3 tán cây gãy): Cắt bỏ toàn bộ cành gãy, để lại các cành còn lá (cành thở), sau khi cây hồi phục sẽ tiến hành tạo lại bộ tán.
+ Đối với cây đang mang quả cần căn cứ vào mức độ gãy đổ để tỉa bớt hoặc cắt hết quả trên cây để cây tập trung dinh dưỡng nuôi cây, khôi phục cây.
(Lưu ý: Các vết tổn thương lớn do đổ gãy hoặc cắt bỏ phải xử lý bằng dung dịch sát khuẩn như: quét nước vôi, dung dịch Boóc-đô hoặc các thuốc BVTV có chứa gốc đồng).
- Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn,... tránh hiện tượng nứt, rụng quả.
- Khi vườn cây đã rút nước cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới. Dùng vôi bột để rắc, phun và tưới thuốc trừ nấm bệnh có hoạt chất Fosetyl Aluminium hoặc Metalaxyl + Mancozeb hoặc Dimethomorph. Sử dụng chế phẩm kích thích ra rễ mới ch cây ăn quả với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Sau 7-10 ngày bón bổ sung phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học (Trichoderma) hoặc phân hữu cơ vi sinh theo chiều tán cây giúp cây phát triển rễ tơ mới. Khi bộ rễ tơ bắt đầu hồi phục (khoảng 10-15 ngày), kiểm tra thấy rễ tơ xuất hiện thì bón phân NPK tổng hợp cân đối, đồng thời có thể phun phân bón lá giúp tăng cường khả năng phục hồi của cây kết hợp tủ gốc bằng rơm rạ hoặc vật liệu che phủ (cách gốc 30-50 cm), tưới đủ ẩm trong những ngày nắng nóng, hanh khô, tránh tình trạng cây mất nước.
- Các cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phấm sinh học đối kháng nấm hại bằng loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Đối với những cây thiệt hại nặng như trốc gốc, gãy nhánh nặng khó phục hồi, cần có kế hoạch sử dụng cây giống chất lượng cho trồng mới.
(2). Đối với cây chuối:
- Với những vườn chỉ bị rách lá, nghiêng cây và không bị gẫy thân: Cắt tỉa các lá bị gãy, vệ sinh đồng ruộng; khi đất đã se mặt bón phân với liều lượng thích hợp để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới.
- Với những vườn bị gẫy thân chính: Dọn và xử lý tàn dư cây gẫy đổ, chọn 1-2 chồi khỏe nhất trong khóm để chăm sóc thành cây thay thế cây chính đã bị gãy đổ.
- Cung cấp các dưỡng chất qua lá để tăng cường khả năng hồi phục của cây.
- Có thể sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ và tăngcường bón phân hữu cơ vi sinh để làm giàu hệ thống vi sinh vật đất, đặc biệt các vi sinh vật đối kháng.
2. Công tác phòng chống sinh vật gây hại
Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sinh vật hại sau bão. Phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.
a. Trên cây lúa:
- Có biện pháp phòng trừ sự bùng phát của sâu bệnh như: Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn,…Theo dõi, kiểm tra, lấy mẫu giám định vi rút lùn sọc đen để kịp thời phát hiện và phòng trừ.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng: Kiểm tra theo dõi chặt chẽ diễn biến, mật độ của rầy để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời. Những diện tích những diện tích có mật độ rầy từ 2.000 con/m2 (trà lúa giai đoạn trước trỗ), sử dụng một số loại thuốc như: Babsax 300WP, Anvado 100WP, Goldra 250WG, Vuachest 800WG,…Đối với những nơi có mật độ trên 1.000 con/m2 (trà lúa giai đoạn sau trỗ) sử dụng một số loại thuốc như: Bassa 50EC, Sachray 200WP,... để phun trừ. Trên các diện tích lúa bị đổ ngã tiến hành dựng lúa, rẽ lúa thành băng (luống nhỏ) từ 4-6 hàng lúa, đưa vòi phun xuống sát gốc lúa nơi cư trú của rầy để hiệu quả phòng trừ được cao.
- Sâu đục thân hai chấm: Theo dõi chặt chẽ mật độ ổ trứng trên lúa giai đoạn làm đòng - trỗ, nhất là lúa trỗ trung tuần tháng 9, diện tích lúa Nếp cái hoa vàng, bao thai và diện tích lúa cấy muộn trỗ đầu tháng 10, để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng chống. Hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tiến hành ngắt ổ trứng và tiêu hủy (đây là biện pháp có hiệu quả cao). Thực hiện phun trừ những diện tích lúa giai đoạn đòng trỗ có mật độ ổ trứng sâu đục thân từ 0,3 ổ/m2 trở lên. Khuyến cáo sử dụng bằng một trong các loại thuốc: Virtako 40WG, Prevathon 5SC,…để phun trừ. Phun khi lúa chuẩn bị trỗ bông (trước trỗ 4 - 5 ngày) và khi lúa trỗ bông được 5% số bông.
- Bệnh khô vằn: Hướng dẫn nông dân kiểm tra, phun trừ những diện tích có tỷ lệ bệnh từ 10% số dảnh bị bệnh trở lên bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu: Validacin 5SL, Anvil 5SC, Vanicide 5SL,...
- Bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn: Sau mưa bão, tỷ lệ bệnh có xu hướng gia tăng. Nếu phát hiện ruộng chớm bị bệnh, cần dừng ngay việc bón phân hóa học, nhất là đạm và thuốc kích thích sinh trưởng, phun phòng trừ bệnh bạc lá bằng các thuốc như: Kasagen 250 WP, Linacin 40SL, Kasumin 2SL, Lilacter 0.3SL...). Những ruộng bị bệnh nặng cần phun kép (2 lần) cách nhau 5 - 7 ngày.
- Bệnh đạo ôn cổ bông: Khi tỷ lệ bệnh từ 2-2,5% số bông, hoặc ngay khi lúa bắt đầu trỗ và khi lúa đã trỗ đều chỉ đạo nông dân phun trừ bằng các thuốc đặc hiệu như Filia-525SE; Tilbis Super 550SE, Kabum 650WP; Fuji-One 40EC, Difusan 40EC,…
b. Trên cây rau màu:
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, phát hiện kịp thời các loại bệnh do nấm, vi khuẩn, vi rút,…thường phát sinh gây hại trên rau màu sau bão như bệnh lở cổ rễ, bệnh thối thân, bệnh héo xanh,…
c. Trên cây ăn quả: Thực hiện phun phòng trừ bệnh hại trên cây ăn quả, liều lượng phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất (Bệnh loét, bệnh chảy gôm, bệnh khô cành,...)
Lưu ý:
- Nồng độ và liều lượng phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì; Sau khi phun trừ nếu gặp trời mưa phải tiến hành kiểm tra, nếu mật độ và tỷ lệ còn cao thì tiến hành phun lại;
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”./.