ĐỂ RỪNG XANH TRỞ LẠI

26/09/2024 08:36

      Bật gốc, gãy đổ, trụi lá, cả quả đồi không còn lấy một cây xanh nguyên vẹn… đó là những gì mà cơn bão Yagi để lại trên mỗi cánh rừng. Trên 117.000 ha rừng của Quảng Ninh bị bão Yagi quật ngã, tương đương với giá trị thiệt hại về kinh tế là trên 5.700 tỷ đồng. Đây là con số thiệt hại khổng lồ chưa từng có do thiên tai gây ra đối với lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Mức độ thiệt hại này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân trồng rừng trên địa bàn, ảnh hưởng nghiêm trọng sự phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh nhà.

 MỨC THIỆT HẠI PHẢI TÍNH LÀ 120%

 Có mặt trên cánh rừng keo ngay sau khi cơn bão đi qua. Ông Nguyễn Bá Trượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ không tin vào mắt mình trước cảnh tượng ngàn cây như một, đều gãy gục ngang thân. Cả chục héc ta keo lai của Công ty đang ở tuổi năm thứ 4, vốn tốt tươi là vậy, nay đã bị xoá sổ. Quả đồi giờ thành quả đồi chết. Ông Trượng bàng hoàng: Thiệt hại ngoài sức tưởng tượng của Công ty. Cánh rừng này Công ty trồng theo hướng cao sản, cây đang chắc, khoẻ, sắp trở thành rừng gỗ lớn. Những tưởng nó có thể tồn tại, vậy mà không, cơn bão đã thổi bay hoàn toàn… 

 Chung một cảm xúc như ông Trượng, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ba Chẽ trải lòng: Tôi khóc ngay trên rừng vì tuyệt vọng. Cuộc đời tôi sau nhiều biến cố đều chọn ở lại với rừng. Ngay cả khi một mình, chồng không còn, con không có, bố mẹ gọi về quê cho thân gái đỡ khổ nhưng tôi không bỏ rừng mà đi. Đến giờ này, khi tôi có bạn đồng hành và chúng tôi đã cùng nhau trồng lên những cánh rừng mới, chỉ chờ ngày rừng xanh, rừng giàu… thì phút chốc lại thành tay trắng...  

Công nhân Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ tần ngần nhìn cánh rừng sau bão 

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ba Chẽ xót xa trước cây rừng gỗ lớn bị bão đánh bật gốc 

 Cơn bão Yagi với sức gió mạnh nhất trên biển Đông 30 năm qua, mạnh nhất trên đất liền Việt Nam trong 70 năm qua đã đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh, khiến những cánh rừng không chịu nổi sức gió mà nhanh chóng bị tàn phá. Sau bão, các chủ rừng và đơn vị chuyên môn đã đi khảo sát thực tế, cho thấy diện tích rừng dưới 4 tuổi đều bị thiệt hại hoàn toàn và không thể tận thu. Những cánh rừng từ trên 5 tuổi có thể tận thu một phần, tuy nhiên chi phí tận thu cao trong khi giá thu mua  gỗ rừng trồng xuống rất thấp. Vì thế  mà hạch toán khai thác rừng lúc này là thu không đủ bù chi. 

Công nhân Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ba Chẽ dựng lại cây lim xanh.

 Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tính toán rằng, thiệt hại về rừng lần này không phải là thiệt hại 100% mà là thiệt hại đến 110%, 120%, bởi các chủ rừng còn phải mất chi phí dọn rừng đổ gãy trước khi trồng lại rừng. Những chủ rừng từng dồn công sức, dồn vốn liếng cho rừng, dồn cả hy vọng và niềm tin vào rừng, giờ gần như phải làm lại từ đầu. 

 TÁI THIẾT SẢN XUẤT LÂM NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HẾT SỨC KHÓ KHĂN 

Người dân xã Tân Dân (TP Hạ Long) thu dọn rừng bị gãy đổ

 Xác định cần nhanh chóng tái thiết sản xuất lâm nghiệp, trong bối cảnh hoang tàn sau bão, những chủ rừng Quảng Ninh đang rất nỗ lực để giải quyết rất nhiều khó khăn về vốn, về nhân công, về cây giống và diện trồng rừng… 

Diện tích rừng keo của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ bị thiệt hại do bão

 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ là đơn vị trồng rừng mạnh của toàn tỉnh. Cơn bão tràn qua đã làm ảnh hưởng toàn bộ diện tích 3.600ha rừng sản xuất của đơn vị, trong đó rất nhiều diện tích Công ty trồng bằng giống mô với chi phí khoảng 50-60 triệu đồng/ha, tức cao gấp đôi so với trồng theo quy trình thông thường. Tổng diện tích rừng của đơn vị bị thiệt hại từ mức độ nặng, rất nặng và thiệt hại hoàn toàn là trên 1.600ha, tương đương với giá trị gần 100 tỷ đồng.

 Ngay sau bão, lãnh đạo Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ gửi “tâm thư” chia sẻ, động viên tinh thần cán bộ, công nhân trong đơn vị. Thông điệp của Công ty gửi là sống nhờ rừng, phát triển từ rừng, gắn bó với rừng, cán bộ công nhân viên lâm nghiệp Hoành Bồ quyết tâm làm lại, gây dựng lại những cánh rừng xanh tốt như trước đây. Kịp thời khởi động trở lại, Công ty tập trung huy động nhân lực chống dựng, chăm sóc những cây còn khoẻ mạnh; cắt dọn cây đổ gãy, để tận thu một phần, phần còn lại không tận thu được do cây nhỏ hoặc địa hình không thuận lợi để vận chuyển thì cho dọn thực bì theo quy trình để tạo diện trồng rừng mới. 

Rừng thông 3 tuổi ở Hạ Long bị gãy ngang thân 

 Với khối lượng công việc Công ty cần phải làm để phục hồi rừng là rất lớn, kéo theo nhu cầu rất lớn về vốn, giống, con người và thiết bị để trồng rừng. Hiện Công ty lâm nghiệp Hoành Bồ ngoài huy động nguồn lực tự có đang rất cần được hỗ trợ nguồn lực về chính sách để có thể sớm tái sản xuất. Ông Nguyễn Văn Mậu, đội lâm nghiệp Thác Cát (Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ) cho biết: Theo kế hoạch của Công ty, mùa trồng rừng tới đây chúng tôi sẽ triển khai gấp 2 – 3 lần diện tích trồng trong những kỳ trồng rừng trước đó, mục tiêu đến hết năm 2025 đạt khoảng 1.500ha. Để làm được điều này, chúng tôi thật sự cần được quan tâm động viên, hỗ trợ thiết thực từ các cấp, các ngành.

 Theo con số của Chi cục Kiểm lâm, trên 117.000ha rừng của toàn tỉnh đã bị thiệt hại do bão số 3 Yagi, trong đó gần 20.000ha rừng phòng hộ và đặc dụng, còn lại là diện tích rừng sản xuất. Mức độ thiệt hại được chia ra là trên 77.000ha rừng bị thiệt hại hoàn toàn, gần 17.000 ha rừng ở mức độ thiệt hại nặng và rất nặng, 30% diện tích rừng thiệt hại một phần, tức mất khoảng 30%. Tính thiệt hại về giá trị kinh tế lâm nghiệp do cơn bão Yagi gây ra là trên 5.700 tỷ đồng. 

 Trên tinh thần vượt qua bão dữ, không chỉ Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ mà phần lớn các hộ gia đình trồng rừng, các công ty lâm nghiệp trên toàn tỉnh đều đã bắt đầu bắt tay vào việc phục hồi rừng. Đối với diện tích rừng dưới 4 năm tuổi đổ gãy do bão thì gần như không thể tận thu, các chủ rừng tập trung thu dọn, xử lý thực bì để sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới. Đối với diện tích rừng trên 4 năm tuổi, đã hình thành tỷ lệ gỗ rừng thì tiến hành khai thác theo kiểu vừa tận thu vừa dọn dẹp. Các đơn vị cũng khoanh vùng những khu vực thuận lợi, dễ trồng rừng để ưu tiên khắc phục trước, những cánh rừng có tỷ lệ đổ gãy ít hoặc cây bị đổ nhưng không bật gốc thì có thể để khai thác tận thu sau. 

 TRỢ LỰC NHỮNG CÁNH RỪNG XANH TRỞ LẠI 

 Để có thể trồng rừng trở lại với diện tích rất lớn như thời điểm hiện nay, một trong những điều kiện tiên quyết là cây giống. Ước tính, nhu cầu giống cây rừng để trồng rừng phục hồi sau bão Yagi của các hộ trồng rừng trên toàn tỉnh sẽ tăng đột biến, gấp 2 – 3 lần so với trước đây. Tỉnh Quảng Ninh hiện đang có 1 cơ sở sản xuất, nuôi cấy mô giống cây lâm nghiệp và gần 20 vườn ươm giống cây rừng, cơ bản có khả năng đáp ứng số lượng cây giống trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất. 

 Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nghiệp (thuộc Sở NN&PTNT) là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh chuyên nghiên cứu và sản xuất giống cây lâm nghiệp. Hiện đơn vị tập trung áp dụng công nghệ nuôi cấy mô để phục vụ sản xuất dòng bạch đàn, keo lai với chất lượng rất cao. Giống cây rừng ở đây được sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô đã được khẳng định chất lượng trên những cánh rừng sản xuất của Quảng Ninh nhiều năm qua. Theo bà Ngô Thị Nguyệt, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nghiệp, trước tình hình nhu cầu giống để trồng rừng tăng cao do tái sản xuất sau bão hiện nay, đặc biệt là giống cây sản xuất bằng công nghệ mô, Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nghiệp phát  huy thế mạnh sở hữu các phòng nghiên cứu cấu mô hoàn thiện, đồng thời tập trung nhân vật lực để nâng cao năng suất, sản lượng, trong đó ngay trong vụ đông xuân tới đây, đơn vị có thể cung ứng đến 4 triệu cây giống chất lượng cao, bao gồm các giống cây keo lai mô và giống cây bạch đàn GLGU9, GLSE9, đáp ứng nhu cầu về giống của người trồng rừng. 

Chủ rừng ở Tiên Yên dựng lại cây đổ sau bão, trồng bổ sung thêm cây xanh, hy vọng vào những cánh rừng xanh sẽ đc phục hồi

 Thực tế, ở tất cả các địa phương có rừng trong toàn tỉnh, công tác khắc phục sau bão đang được triển khai nỗ lực, tuy nhiên gặp phải rất nhiều khó khăn. Việc thu gom cây rừng gãy đổ do thiếu nhân lực, cung đường vận chuyển sau bão bị sạt trượt, hỏng hóc, giá thu mua giảm, thiếu khu vực tập kết do các xưởng chế biến quá tải, thậm chí một số xưởng cũng bị thiệt hại về nhà xưởng, máy móc, chưa thể đi vào vận hành… Riêng giá nhân công cắt dọn rừng hiện rất cao, nếu như trước kia chỉ có 300-350 ngàn đồng/ngày, giờ lên 400-450 ngàn đồng/ngày công mà còn khó tìm người. Trong khi đó, giá bán gỗ tận thu chỉ được 800 đồng/kg, có chỗ có khoảng 500 đồng/kg. Rừng càng xa, đường càng khó đi thì chi phí cho vận chuyển càng lớn, đồng nghĩa với việc phải bù lỗ, thế nhưng, nếu không dọn thực bì thì không có hiện trường để trồng vụ sau. Đặc biệt, với cây keo, trời nắng, cây bị gãy đổ sẽ nhanh bị khô và không thể bóc vỏ, làm giảm giá trị gỗ… 

 Trước tình hình này, ngày 19/9 vừa qua, UBND tỉnh đã họp, bàn giải pháp hỗ trợ tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3. Trước mắt, để hỗ trợ người dân triển khai những việc cần làm ngay, tỉnh Quảng Ninh tính đến việc huy động các lực lượng chức năng như công an, quân sự, kiểm lâm, tăng cường nhân lực để phối hợp, hỗ trợ xử lý thu gom cây rừng gãy đổ và xử lý thực bì cho các hộ trồng rừng, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa. Các địa phương bố trí các bãi tạm chứa để nhân dân tập kết gỗ khi khai thác mà chưa vận chuyển, tiêu thụ được, đồng thời, bố trí lực lượng rà soát, kiểm soát các tuyến đường có nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn trong khai thác và giảm nguy cơ cháy rừng. Đối với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản, tỉnh yêu cầu cần thống nhất mức giá, thực hiện công khai trên toàn tỉnh; có biện pháp, giải pháp xử lý, tiêu thụ, thu gom các cây chưa đủ tuổi khai thác với tinh thần chung tay chia sẻ rủi ro, "lá lành đùm lá rách", "là rách ít đùm lá rách nhiều" nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân. Tỉnh cũng đã đề nghị các ngân hàng kịp thời giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người trồng rừng thiệt hại sau bão như khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp... 

Ngày 19/9, UBND tỉnh họp, bàn giải pháp hỗ trợ tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3, chỉ đạo khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp 

 Tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ triển khai áp dụng các chính sách hiện hành cũng như vận dụng các cơ chế của trung ương để hỗ trợ một cách mạnh nhất cho nhân dân khôi phục sản xuất lâm nghiệp. Ví như Nghị quyết 37/2024 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững; Nghị định 58/2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Nghị định 91/2024 của Chính phủ về thi hành Luật lâm nghiệp... Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Riêng đối với Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày (9/1/2017) của Chính phủ hiện đã không bắt kịp với tình hình thực tế, tỉnh sẽ có những kiến nghị nhất định để phù hợp với tình hình của Quảng Ninh. Đối với rừng được trồng từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trồng rừng thay thế, theo ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đơn vị đang tham mưu cho tỉnh Quảng Ninh đề xuất Bộ NN&PTNT và Chính phủ ban hành quy định về thanh lý rừng; cùng với đó là việc tạm thời cho phép tổ chức khai thác tận thu ngay để đảm bảo giá trị lâm sản cũng như cơ chế bố trí nguồn kinh phí sẵn có là quỹ trồng rừng thay thế để các chủ rừng lập hồ sơ thiết kế, đảm bảo khi các đơn vị tận thu xong có thể trồng rừng ngay… 

Người dân, doanh nghiệp lâm nghiệp Quảng Ninh đang quyết tâm vực dậy, tạo ra, nhân lên những cánh rừng xanh. 

 Sau bão Yagi, có thể nói người trồng rừng Quảng Ninh, doanh nghiệp lâm nghiệp Quảng Ninh nặng trĩu những nỗi lo. Lo là đứt lứa keo này, năm sau, năm sau nữa, người sống dựa vào rừng sẽ không có việc làm, đồng nghĩa với việc không có thu nhập. Lo là các doanh nghiệp lâm nghiệp không có nguồn thu lấy gì để bố trí công việc cho người lao động, bố trí tài chính để trả lương và nộp BHXH. Ngành chế biến lâm nghiệp Quảng Ninh rơi vào tình cảnh đứt một lứa keo, nghĩa là sẽ thiếu nguồn nguyên liệu cung trầm trọng… Đáng mừng là trong bối cảnh khó khăn, bằng tình yêu với rừng, bằng niềm tin vào sự phục hồi của rừng sau bão dữ, bằng tinh thần "ngã ở đâu đứng lên ở đó", người dân, doanh nghiệp lâm nghiệp Quảng Ninh đang quyết tâm vực dậy, tạo ra, nhân lên những cánh rừng xanh. Cùng với những cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời và tương xứng, phù hợp với thời giá và tình hình hiện tại mà tỉnh Quảng Ninh đang và sẽ triển khai, tin rằng những khó khăn do thiên tai sẽ qua, người dân và doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn sẽ ổn định cuộc sống, ổn định sản xuất, ngành kinh tế rừng Quảng Ninh sẽ sớm phục hồi và phát triển trở lại./. 

 

 

Nguồn: VIỆT HOA - ĐỖ QUANG (Trung tâm Truyền thông tỉnh)


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1327
Đã truy cập: 3555056