Bài học kinh nghiệm từ thực tế ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (YAGI) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

22/09/2024 14:31

       Bão số 3 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua, 70 năm trên đất liền, thời gian ảnh hưởng kéo dài, cùng với bão là mưa lớn diện rộng. Mặc dù công tác ứng phó được triển khai đồng bộ, quyết liệt đến mức tối đa có thể, song thiệt hại do bão gây ra là rất lớn cả về người lẫn tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực của xã hội, có những vấn đề mà cần phải thời gian dài mới có thể khắc phục được.

 

Ngày 21/9, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3

 Qua thực tiễn diễn biến và công tác chỉ đạo, ứng phó khắc phục thiệt hại của bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có thể tóm lược lại các kinh nghiệm để công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới phát huy hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại như sau:

 Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Ngay từ khi bão chưa ảnh hưởng đến nước ta, công tác chỉ đạo của Tỉnh đã thể hiện tính chủ động, từ sớm, từ xa, cụ thể: Đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó tại các địa bàn; quyết định thời gian cấm biển phù hợp (từ 11h00 ngày 06/9/2024); tổ chức trực chỉ huy 100% quân số (từ tỉnh, huyện, xã, phường); lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các Sở Chỉ huy phía trước tại các địa bàn Móng Cái, Vân Đồn để ứng phó kịp thời với tình hình. Đây là nét mới, thể hiện sự chủ động trước mọi tình huống thiên tai. Trong thời gian bão đổ bộ và sau bão, tuy hệ thống thông tin, liên lạc có lúc bị gián đoạn, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh vẫn tổ chức bám sát hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả. Có thể đánh giá, sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, điều hành nhất quán, đồng bộ, xuyên suốt, phản ứng kịp thời và trực tiếp trên hiện trường đã góp phần giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

 Nắm chắc diễn biến, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống, ứng phó, khắc phục với hậu quả thiên tai. Sau khi kết thúc bão, căn cứ tình hình thực tiễn, ngoài các các lực lượng tại chỗ, Tỉnh đã kịp thời đề nghị các lực lượng vũ trang của Quân Khu III, Quân chủng Hải quân, Quân chủng phòng không - không quân điều động lực lượng hỗ trợ; ngành điện, viễn thông đã huy động lực lượng từ các khu vực, địa phương khác để chi viện; trong đợt bão số 3 tỉnh Quảng Ninh đã huy động lực lượng, phương tiện hùng hậu, chưa từng có với: 70.660 lượt cán bộ, chiến sĩ; 1.535 cán bộ ngành điện, ngành viễn thông; 01 trực thăng; 1.580 lượt ô tô; 110 lượt máy xúc; 465 lượt tàu, xuồng), đến nay đã cơ bản  khắc phục hư hỏng về điện, viễn thông, nước, giao thông, môi trường.

 Làm tốt công tác dự báo, đánh giá tình hình để có giải pháp ứng phó, phản ứng chính xác, kịp thời, hiệu quả, linh hoạt. Luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, đồng thời không mất bình tĩnh trước các tình huống thiên tai, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

 Thông tin, tuyên truyền phổ biến kịp thời, thông suốt, đầy đủ tới cộng đồng; hướng dẫn trang bị kỹ năng cần thiết cho người dân để ứng phó với các tình huống cấp bách, bất ngờ. Cương quyết, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi khu vực được xác định nguy hiểm trước khi thiên tai xảy ra, phải “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết”. Thực tế vừa qua mặc dù đã được quán triệt song một số người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, thiếu trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân mình dẫn đến nguy hiểm, thương vong không đáng có như ra đường khi gió lớn, chằng chống nhà cửa trong mưa gió, trốn ở lại bè, phương tiện thủy....

 Làm tốt công tác truyền thông, phản ánh khách quan, trung thực, toàn diện tình hình, gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống thiên tai. Kịp thời xử lý nghiêm hành vi tung tin xấu, độc, nhiễu để ổn định tâm lý xã hội, khích lệ, động viên tinh thần Nhân dân. Phát huy sức mạnh đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, bản lĩnh sức mạnh của dân tộc trong hoạn nạn, khó khăn, qua theo dõi trên thị trường, trước, trong và sau khi bão số 3 đổ bộ giá cả các mặt hàng thiết yếu không biến động mạnh, không có hiện tượng đầu cơ, tích trữ, găm hàng…các siêu thị, cửa hàng, chợ…mở cửa ngay sau khi bão tan đã góp phần bình ổn, tạo tâm lý an tâm cho người dân.

 Phát triển hạ tầng phải gắn liền với công tác phòng, chống thiên tai; phải đánh giá, dự báo đầy đủ các yếu tố về địa chất, dòng chảy, gió... có khả năng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng để đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời khi tiến hành triển khai dự án (các kiến trúc đã bộc lộ một số bất cập; kết cấu kính, kết cấu nhẹ như: thép, tôn, tường thạch cao.. không chống chịu được sức gió trên cấp 12). Hạ tầng cơ sở phòng chống thiên tai (hồ chứa, đê điều…) trên địa bàn chỉ chịu được thiên tai cấp độ trung bình, thực tế đã xảy ra thiên tai vượt cấp thiết kế (ví dụ: hệ thống đê hiện nay chỉ chịu được gió cấp 9-10, tuy nhiên đã xuất hiện gió cấp 12-13). Trong thời gian tới đề nghị phải có giải pháp nghiên cứu theo hướng nâng cao năng lực chống chịu của các công trình.

 Rút kinh nghiệm thực tế thiên tai trong các năm qua và từ cơn bão số 3 để xây dựng phương án ứng phó phù hợp trên địa bàn tỉnh: Địa phương miền biển tập trung phương án ứng phó bão; miền núi phương án ứng phó mưa lớn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất; đô thị ứng phó ngập lụt, sạt lở..../.

Thành Minh (Phòng Kế hoạch tài chính)


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1322
Đã truy cập: 3555051