1. Kết quả phân tích môi trường nuôi tôm nước lợ
9 vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh được quan trắc với tổng số 45 điểm (gồm 27 ao nuôi và 18 điểm nguồn cấp). Các chỉ tiêu được phân tích bao gồm nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, COD, NH3, NH4+, H2S, vi khuẩn Vibrio tổng số, thực vật phù du và tảo độc.
- Kết quả quan trắc môi trường ao nuôi tôm: Tại thời điểm quan trắc, các chỉ tiêu phân tích bao gồm: COD, NH4+, H2S của các mẫu quan trắc đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép. Không phát hiện tảo độc trong mẫu nước ao nuôi tôm
Các chỉ tiêu nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, NH3, thực vật phù du và vi khuẩn Vibrio tổng số tại một số ao nuôi có giá trị không phù hợp theo TCVN 13656:2023 (trong đó: nhiệt độ, pH, DO, độ mặn có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép; NH3, thực vật phù du và vi khuẩn Vibrio có giá trị cao hơn giới hạn cho phép).
Khu vực nuôi cá biển tại Vân Đồn sau bão Yagi
- Kết quả quan trắc môi trường nguồn nước cấp: Các chỉ tiêu Nhiệt độ, COD, NH3, NH4+, H2S, thực vật phù du tại các điểm nguồn cấp đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép, không phát hiện tảo độc tại các điểm thu nguồn nước cấp.
Các chỉ tiêu pH, DO, độ mặn và Vibrio tổng số tại một số điểm nguồn cấp có giá trị không phù hợp theo TCVN 13656:2023 (pH, DO, độ mặn có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép; Vibrio tổng số có giá trị cao hơn).
2. Kết quả phân tích môi trường nuôi nhuyễn thể/cá biển
Tổng 25 điểm được tiến hành quan trắc tại 05 vùng nuôi nhuyễn thể/cá biển (gồm Quảng Minh, Tâp Lập, Bản Sen, Thắng Lợi và Cẩm Đông). Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, COD, NH3, NH4+, H2S, Thực vật phù du và tảo độc.
Kết quả quan trắc cho thấy các chỉ tiêu Nhiệt độ, pH, COD, NH3, H2S và thực vật phù du đều có giá trị nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép.
Các chỉ tiêu: DO, độ mặn, NH4+ tại một số điểm quan trắc có giá trị không phù hợp theo TCVN 13656:2023. (NH4+ có giá trị cao hơn; DO, độ mặn có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép).
3. Kết quả phân tích mẫu môi trường vùng nuôi thủy sản nước ngọt
Tổng số 04 vùng nuôi thủy sản nước ngọt được quan trắc, trong đó 12 điểm ao nuôi và 08 điểm nguồn cấp. Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nhiệt độ, pH, DO, COD, NH3, NH4+, H2S, NO2- và Vi khuẩn Aeromonas sp. Tổng số.
- Kết quả quan trắc môi trường ao nuôi: Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nhiệt độ, H2S, NO2- tại tất cả các điểm quan trắc đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép, phù hợp cho nuôi trồng thủy sản.
Các chỉ tiêu: pH, DO, COD, NH3, NH4+, và Aeromonas sp. tổng số của một số mẫu có giá trị không phù hợp theo TCVN 13656:2023 (trong đó: COD, NH3, NH4+, Aeromonas sp. tổng số có giá trị cao hơn và pH, DO có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép).
- Kết quả quan trắc môi trường nguồn nước cấp: Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nhiệt độ, COD, NH3, H2S, NO2- tại 8 điểm quan trắc đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép, phù hợp cho nuôi trồng thủy sản.
Các chỉ tiêu pH, DO, NH4+ và mật độ Vi khuẩn Aeromonas sp. tổng số tại một số điểm nguồn cấp có giá trị không phù hợp (chỉ tiêu NH4+, mật độ Vi khuẩn Aeromonas sp. tổng số có giá trị cao hơn; pH, DO có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép).
4. Biện pháp giảm thiểu
*Môi trường nuôi tôm nước lợ
- Kiểm soát vi khuẩn Vibrio: Các ao nuôi có mật độ vi khuẩn Vibrio cao vượt ngưỡng giá trị giới hạn cần sử dụng chế phẩm diệt khuẩn như BKC, Iodine theo hướng dẫn. Đồng thời, cần tăng cường việc loại bỏ chất thải và thức ăn dư thừa bằng cách xi phông và xả đáy. Kiểm soát lượng thức ăn và bổ sung các sản phẩm vi sinh giúp ổn định chất lượng nước, giảm nguy cơ dịch bệnh. Theo dõi sức khỏe tôm thường xuyên để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với nguồn nước cấp có mật độ Vibrio tổng số cao cần thực hiện khử trùng nước trước khi cấp vào ao nuôi.
- Tăng cường oxy hòa tan (DO): Những ao nuôi có mức oxy hòa tan thấp cần tăng cường sục khí và vận hành quạt khí để đảm bảo mức oxy phù hợp cho sự phát triển của tôm.
- Điều chỉnh độ mặn: Đối với các ao có độ mặn thấp, cần thêm nước biển để tăng độ mặn đến mức thích hợp, nhằm giúp tôm tránh mắc bệnh và tăng trưởng tốt hơn.
- Điều chỉnh pH: Khi pH thấp, cần sử dụng các chất kiềm như vôi sống (CaO), vôi tôi (Ca(OH)₂) hoặc NaHCO₃ để điều chỉnh pH lên mức phù hợp, bảo đảm sự ổn định và an toàn cho môi trường nuôi. Liều lượng sử dụng cần tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Kiểm soát tảo: Ao nuôi có mật độ tảo cao (hàm lượng chlororylla cao) cần giảm lượng thức ăn thừa để tránh hiện tượng phú dưỡng. Các hộ nuôi cần theo dõi chặt chẽ tình trạng oxy thấp vào buổi sáng và pH cao vào buổi trưa hoặc chiều để có biện pháp điều chỉnh phù hợp
4.2. Môi trường nuôi nhuyễn thể/cá biển
- Tăng cường oxy hòa tan (DO): Những ao nuôi có mức oxy hòa tan thấp cần tăng cường sục khí và vận hành quạt khí để đảm bảo mức oxy phù hợp cho sự phát triển của tôm.
- Thường xuyên vệ sinh lồng bè, loại bỏ thức ăn dư thừa và cá chết để tránh ô nhiễm nguồn nước và ngăn ngừa bệnh tật.
- Sử dụng vôi sống hoặc TCCA, buộc trong túi vải và treo quanh lồng để khử trùng nước, giúp giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
- Theo dõi môi trường và sức khỏe vật nuôi: Liên tục kiểm tra tình trạng môi trường nước và sức khỏe của cá/nhuyễn thể. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, cần có biện pháp xử lý ngay để tránh dịch bệnh lây lan.
4.3. Môi trường nuôi cá nước ngọt
- Đối với nguồn nước cấp có mật độ vi khuẩn Aeromonas cao vượt ngưỡng giá trị giới hạn: Các hộ nuôi cần khử trùng nước nguồn cấp trước khi bơm vào ao bằng các biện pháp khử trùng thích hợp (sử dụng hóa chất diệt khuẩn theo hướng dẫn của nhà sản xuất) để phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn gây bệnh cho cá. Đối với nước ao nuôi có mật độ vi khuẩn Aeromonas tổng số cao vượt giới hạn cho phép cần xử lý ao nuôi bằng các chế phẩm diệt khuẩn BKC, Iodine… (liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất). Kiểm soát lượng thức ăn và sử dụng thêm các sản phẩm vi sinh để ổn định chất lượng nước và hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
- Đối với ao nuôi có DO thấp: Cần tăng cường sục khí để bổ sung oxy cho ao, đảm bảo lượng oxy hòa tan (DO) đạt mức yêu cầu để duy trì sức khỏe cho cá.
4.4. Các biện pháp khắc phục thiệt hại sau bão và ổn định sản xuất
4.4.1 Đối với các hộ nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng do bão Yagi:
- Đánh giá và thống kê thiệt hại: Cần kiểm tra kỹ lưỡng thiệt hại đối với cơ sở nuôi trồng, bao gồm lồng bè, bờ bao, các cơ sở hạ tầng và thiết bị liên quan khác để có biện pháp khắc phục phù hợp.
- Thu gom cá chết và vật liệu hư hỏng: Các hộ nuôi cần nhanh chóng thu dọn cá chết, lồng bè bị hư hại và các vật liệu khác để hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, tránh ô nhiễm và sự lây lan dịch bệnh.
- Kế hoạch tái sản xuất: Lập kế hoạch khôi phục sản xuất, bao gồm việc sửa chữa và thay thế cơ sở hạ tầng, nhưng chỉ được thả nuôi mới khi có khuyến cáo từ cơ quan quản lý để đảm bảo các điều kiện môi trường đã ổn định và phù hợp.
4.4.2 Biện pháp phòng và trị bệnh trong mùa mưa bão:
- Bổ sung vitamin vào thức ăn cho tôm, cá để tăng cường hệ miễn dịch.
- Định kỳ xử lý diệt khuẩn môi trường nước để khử trùng nước và phòng bệnh cho tôm, cá.
- Chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị sục khí/ quạt khí để cung cấp oxy kịp thời cho các đối tượng nuôi.
- Thường xuyên theo dõi và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm.
- Đối với ao nuôi: Khi mưa lớn kéo dài: Nước ao nuôi thường bị đục và pH giảm đột ngột. Do đó, cần bón vôi với liều lượng 0,7-1,0 kg/100 m³ nước để ổn định pH và giảm độ đục, giúp duy trì môi trường ao nuôi ổn định cho cá phát triển tốt.
- Đối với lồng nuôi cần thường xuyên vệ sinh lồng, đảm bảo thông thoáng để đảm bảo nước lưu thông qua lồng tốt, hạn chế ô nhiễm.
- Đối với tôm, cá đã đạt kích cỡ thương phẩm cần có phương án tiêu thụ sớm để phòng tránh thất thoát./.