Nền tảng vững chắc
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhận định: trải qua 20 năm, hệ thống tin học và thống kê ngành tài chính đã không ngừng phát triển và trưởng thành với nguồn nhân lực có chất lượng cao, có đủ năng lực thực hiện các dự án, việc ứng dụng CNTT của ngành tài chính đã đạt được những thành tích quan trọng phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô, điều hành tài chính - ngân sách quốc gia của lãnh đạo Bộ và Chính phủ; phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; tạo dựng nền tảng cho Chính phủ điện tử, tài chính điện tử, phát triển được nguồn nhân lực CNTT có năng lực thực hiện các dự án, thúc đẩy sự phát triển tin học và thống kê tài chính của ngành.
|
Quan khách tham quan khu trưng bày các hiện vật lịch sử của hệ thống CNTT ngành Tài chính. Ảnh: Chí Thanh. |
** TS. Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông: Bộ Thông tin & Truyền thông, cơ quan quản lý Nhà nước về CNTT, đánh giá rất cao những kết quả triển khai ứng dụng CNTT của Cục Tin học - Thống kê tài chính và hệ thống các cơ quan chuyên trách ứng dụng CNTT trong toàn ngành Tài chính. Sau 20 năm, Bộ Tài chính đã thiết lập được một nền tảng phục vụ Chính phủ điện tử, với những con số hết sức ấn tượng, cụ thể như: 92% cán bộ, công chức được cấp máy vi tính, 100% đơn vị có mạng cục bộ, 100% máy tính được kết nối mạng cục bộ, hạ tầng truyền thông thống nhất ngành tài chính với trên 1.700 điểm được kết nối… Đặc biệt, Bộ Tài chính là Bộ đầu tiên sử dụng hệ thống chứng thực chữ ký số trong giao dịch hành chính của Bộ. Thực tiến triển khai thành công ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính cho phép rút ra những bài học kinh nghiệm cho các Bộ, ngành khác về tầm nhìn, định hướng, chiến lược, tổ chức hệ thống bộ máy chuyên trách ứng dụng CNTT, thiết lập cơ sở hạ tầng… |
Minh hoạ rõ hơn cho nhận định trên, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học & Thống kê Tài chính, Bộ Tài chính cho biết: Hiện toàn ngành Tài chính đã có gần 4.000 cán bộ tin học chuyên trách với 400 cán bộ tại Trung ương. Tổ chức CNTT-Thống kê trong ngành đã được chuẩn hoá gồm Cục Tin học & Thống kê tài chính tại cơ quan Bộ Tài chính và 5 Cục Ứng dụng CNTT - Thống kê trực thuộc 5 hệ thống dọc gồm Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Với bộ máy này, Bộ Tài chính là đơn vị cấp Bộ đầu tiên quyết định triển khai đồng bộ mô hình tổ chức Cục CNTT tại tất cả các đơn vị cấp Trung ương trong ngành.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã có 60 phần mềm ứng dụng nghiệp vụ chính, bao gồm cả những hệ thống ứng dụng lớn dạng ERP theo mô hình tập trung, điển hình như ứng dụng Oracle ERP trong quản lý ngân sách và kho bạc TABMIS, ứng dụng thuế thu nhập cá nhân trên hệ thống SAP… (đây là những hệ thống ứng dụng đạt trình độ công nghệ tiên tiến trên thế giới).
Về hạ tầng CNTT, truyền thông, Bộ Tài chính đã có hệ thống gồm 4.500 máy chủ và 66.000 máy trạm, hệ thống phòng máy chủ data center đạt tiêu chuẩn quốc tế, 2.000 mạng cục bộ được kết nối diện rộng bởi mạng hạ tầng truyền thông thống nhất của ngành với 3.500 kênh truyền băng thông rộng.
Ngoài ra, một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tài chính ngân sách, hệ thống thông tin thống kê cũng đã được xây dựng. Các cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước… cũng đang tích cực được triển khai để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều hệ thống dịch vụ công đang được vận hành thí điểm như khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cấp mã số qua mạng Internet… bước đầu mang lại những lợi ích thiết thực cho xã hội.
“Có thể thấy, ứng dụng CNTT hiện đại đã thực sự trở thành nền tảng tất yếu không thể thiếu trong tiến trình hiện đại hoá và cải cách hành chính của ngành Tài chính”, ông Đặng Đức Mai nhấn mạnh.
|
Có sự ủng hộ, hỗ trợ của nhiều đối tác trong nước và nước ngoài. Ảnh: Chí Thanh |
Tiếp tục triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm
Ngành Tài chính hiện đang tập trung lớn trong cải cách quản lý tài chính công, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá các quy trình nghiệp vụ thu chi ngân sách… Giới CNTT - thống kê tài chính cũng đang tích cực xây dựng Đề án Chính phủ điện tử trong lĩnh vực Tài chính để trình Chính phủ duyệt, với định hướng xây dựng các dịch vụ tài chính công điện tử hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp.
** TS. Đỗ Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam: Liên tục từ năm 2005 đến năm 2009, hàng năm, ngành Tài chính đều có một cán bộ lãnh đạo Tin học được tôn vinh là CIO (lãnh đạo CNTT tiêu biểu) của khu vực Đông Dương. Điều này khẳng định các lãnh đạo chủ chốt của ngành Tin học - Thống kê tài chính là những người có uy tín, được đồng nghiệp và cộng đồng xã hội đánh giá cao. |
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhận định: để hệ thống thông tin tài chính bảo đảm hỗ trợ hiệu quả cho các nhiệm vụ như xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu quốc gia tài chính, phát triển và ứng dụng CNTT trong hệ thống tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thời gian tới, có 3 nhiệm vụ trọng tâm mà hệ thống Tin học - Thống kê tài chính cần quan tâm thực hiện.
Một là, hoàn thành kế hoạch ứng dụng CNTT ngành tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đặc biệt cần tập trung nguồn lực để cùng với các đơn vị trong ngành hoàn thành đúng thời hạn các dự án trọng điểm như dự án TABMIS, dự án Hiện đại hoá thuế, Hải quan, Chứng khoán và dự trữ nhà nước...
Hai là, cải tiến, xây dựng cổng thông tin của Bộ Tài chính phong phú về nội dung, thuận tiện cho người sử dụng trên cơ sở hướng vào nhu cầu của các đối tượng phục vụ.
Ba là, quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực về CNTT, với chất lượng cao, đây là yếu tố quyết định thành công của quá trình triển khai, thực hiện các chương trình, dự án cải cách, hiện đại hoá ngành tài chính.
Dưới đây là một số hình ảnh của Lễ kỷ niệm 20 năm Tin học - Thống kê tài chính
|
Sơ đồ hệ thống CNTT ngành Tài chính. Ảnh Chí Thanh. |
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh với các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực CNTT. Ảnh: Chí Thanh. |
|
Quan khách tham quan Triển lãm. Ảnh: Chí Thanh |