Chỉ thị 04-CT/TW: Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thu hồi tài sản tham nhũng

14/06/2021 16:39

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tích cực góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây là Chỉ thị đầu tiên của Trung ương Đảng về vấn đề này.
Ban Bí thư yêu cầu nâng cao hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Đây là một trong những nội dung chính và rất quan trọng trong Chỉ thị 04- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vừa được ban hành.
Chỉ thị của Ban Bí thư đã đánh giá nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lâu nay “vẫn còn hạn chế”. Gắn vào nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng, Chỉ thị  yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của mình về công tác thu hồi tài sản.
Theo đó, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế không phải chỉ là nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự và cũng không là việc riêng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là nhiệm vụ của tất cả cơ quan, từ kiểm tra của Đảng đến thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án dân sự các cấp. Nói cách khác, ngay từ những bước đầu tiên của hoạt động kiểm tra, thanh tra, tố tụng, các cơ quan này nếu phát hiện dấu hiệu, khả năng tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng thì phải sớm chủ động tính tới các biện pháp đảm bảo cho việc thu hồi tài sản sau này, không để đối tượng vi phạm tẩu tán, xóa dấu vết tài sản bất minh.
Theo tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư, cùng với việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm để thi hành đầy đủ, chặt chẽ, hiệu quả hơn các quy định pháp luật hiện có nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thì nhiều vấn đề mới cần được nghiên cứu, tính toán, thực thi.
Trước hết, phải khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ cho thu hồi tài sản như cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong toả; sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong toả tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp…Trong đó, đáng chú ý là Ban Bí thư giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu cơ chế thu hồi tài sản “không qua thủ tục kết tội”. Đây là vấn đề quan trọng và rất mới so với quy định hiện hành nói chung cần sớm được tập trung nghiên cứu, đánh giá một cách chuyên sâu về cơ chế thực thi, điều kiện bảo đảm thi hành, tính khả thi và hiệu quả thực hiện của cơ chế này để có những đề xuất phù hợp với điều kiện, thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Cũng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Tố tụng hình sự, Thi hành án dân sự và các lĩnh vực khác có liên quan để áp dụng có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, Ban Bí thư còn yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, bổ sung, sửa pháp luật, tăng thẩm quyền cho các lực lượng này với chủ trương là giao thẩm quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong truy nguyên, truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản trong từng giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản tham nhũng.
Để phòng ngừa có hiệu quả việc tẩu tán tài sản do phạm tội tham nhũng, kinh tế mà có, Ban Bí thư cũng yêu cầu hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt. Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để góp phần kiểm soát tài sản chặt chẽ, chính xác hơn, tạo thuận lợi cho công tác phòng chống tham nhũng nói chung, thi hành cán dân sự nói riêng..
Trong thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư cũng yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh, truy tìm và xử lý tài sản do phạm tội mà có đang ở nước ngoài. Đẩy mạnh tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam với các nước, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong phòng chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
Triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

 
Thực hiện Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, trình Ban Bí thư Trung ương Đảng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, đề xuất Ban Bí thư ban hành “Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
 
Thanh tra Sở
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp
 
 
 
 


 
 

https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=3220


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 268
Đã truy cập: 1138108