Khu di tích và danh thắng Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là khu di tích lịch sử danh thắng theo Quyết định số15 VH/QĐ, ngày 13/3/1974.
Yên Tử là tên một ngọn núi cao nhất trong dãy núi thuộc cánh cung Đông Triều (1068m). Theo sách Đại Thanh thống nhất chí thì vào thời Hán có một đạo sĩ là Yên Kỳ Sinh tới tu hành tại núi Yên Tử. Vì vậy, quả núi vốn có tên là Vân Sơn (núi mây), Phù Vân (mây nổi), Tượng Sơn (núi voi)...từ đây mang tên ông (Yên Tử sơn: núi Thầy Yên). Yên Tử chỉ trở thành một trung tâm quan trọng của phật giáo Vịêt Nam kể từ khi Trần Nhân Tông đến đây tu hành và sáng lập thiền phái Trúc Lâm.
Hệ thống chùa, am, tháp ở Yên Tử tập trung trên sườn núi phía đông của ngọn núi. Không kể chùa Bí Thượng ở chân dốc Đỏ, chùa Cầm Thực ở Uông Bí, chùa Lân ở thôn Nam Mẫu thì đường lên Yên Tử sẽ qua một hành trình như sau: Giải Oan - Hòn Ngọc- Hoa yên - Bảo Sái - An Kỳ Sinh - Cổng Trời. Nơi đầu tiên ta đến là chùa Giải Oan, trùng tên với con suối chảy qua trước cửa chùa. Chùa Giải Oan nằm trên cao 50m, đứng khiêm nhường dưới tán lá cây, nhìn xuống dòng suối Giải Oan. Xung quanh chùa có năm ngọn tháp. Cách chùa 50m về phía trái, có một cây sung cổ thụ, tên nhà Phật là cây ưu đàm.
Hòn Ngọc nằm ở độ cao 400m cách chân núi. Đây là nơi vua quan hạ kiệu đi bộ lên chùa Hoa yên bái yết Trần Nhân Tông. Từ Hòn Ngọc nhìn lên, ở độ cao 700m là tháp tổ đồ sộ, cao 10m, còn gọi là Huệ Quang Kim Tự Tháp. Quây quần bao quanh tháp Tổ là những ngọn tháp với quy mô, kiểu dáng, chất liệu khác nhau. Pho tượng đá Trần Nhân Tông đặt trong lòng tháp Tổ là một tác phẩm điêu khắc có giá trị. Tượng cao 62m, tạc theo thế liên hoa tọa (ngồi thiền hình hoa sen). Đây là một tác phẩm nghệ thuật thời Trần nguyên vẹn hiếm hoi còn lại đến bây giờ.
Chùa Hoa Yên, trên độ cao 8 m so với nền tháp. Chùa Hoa Yên có quy mô lớn nhất và đẹp nhất trong hệ thống chùa am Yên Tử, vì thế xưa kia chùa còn có tên là chùa Cả. Ngôi chùa toạ lạc trên một dải đất hình cánh sen bao quanh sườn núi ở độ cao 800m so với chân núi. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, chùa còn lại bây giờ là một ngôi chùa theo kiến trúc Nguyễn, nhưng vẫn còn lưu lại đậm nét các dấu ấn kiến trúc, điêu khắc thời Trần, Lê. Đặc biệt, hệ thống tượng trong chùa Hoa Yên đều được đúc bằng đồng, trong đó lớn nhất là pho tượng Trần Nhân Tông.
Chùa Bảo Sái cheo leo, lưng tựa vào vách núi đá cao, cửa mở trông xuống đoạn đường khúc khửu. Cạnh chùa là Ngộ Ngữ Viện, mái là vách đá thiên nhiên, bàn và ghế đều bằng đá. Đây là nơi Trần Nhân Tông truyền đạo cho các đệ tử gần gũi của mình, trong đó có Bảo Sái. Trước sân có một giếng gọi là giếng thiêng, quanh năm đầy nước. Cách chùa Bảo Sái 200m về phía phía tây, trên cùng một độ cao với chùa Bảo Sái có chùa Vân Tiên (chùa trên mây), như là giới hạn cuối cùng ngăn cách trần gian với một thế giới khác. Chùa Vân Tiêu nhìn xuống vườn tháp Vọng Tiên Cung, gồm 5 ngọn tháp trên một gò đất tròn giống như một ngôi mộ lớn, trong đó có cây tháp bát giác cao 7m.
An Kỳ Sinh có am thờ và có cả mộ đệ tử của ông. Tượng An Kỳ Sinh độc đáo - một khối đá tự nhiên mà như có người tạc dựng đứng trên cao mây phủ, gây một không khí thần tiên cho không gian nơi đây. Người leo núi như đang đi vào cõi tiên Phật. Đi qua Cổng Trời là ta đã đến chóp núi Yên Tử, đỉnh cao nhất của Yên Tử. Trên đỉnh chóp này là một ngôi chùa làm bằng đồng - Chùa Đồng. Chùa có tên chữ là Thiên Trúc Tự. Cuối thời Lê kể gian đã lấy mất. Sau này một nhà hảo tâm đã cúng một ngôi chùa bằng bê tông cốt sắt. Và nay có thêm một ngôi chùa bằng đồng, có thể nói đây là một ngôi chùa bằng đồng duy nhất Việt Nam.
Thảm thực vật ở đây rất phong phú và đa dạng. Ngoài tùng, cúc, trúc là hai loại cây tiêu biểu, nơi đây còn có rất nhiều các loại gỗ quí khác nhau như lim, trầm, giẻ, sồi…,các loại cây thuốc quý như mã kích, tắc kè, xuyên khung…làm tô điểm thêm vẻ đẹp đất Phật cho Yên Tử. Thảm thực vật ở đây được xếp vào loại rừng đặc dụng, tương lai tới có thể sẽ trở thành rừng quốc gia Yên Tử.
Đứng giữa không gian bao la và kỳ ảo của Yên Tử, ta càng thấm thía mối quan hệ giữa giữa Đạo và Đời, càng hiểu sâu hơn nỗi niềm sâu kín của vị Trúc Lâm Đệ Nhất tổ Trần Nhân Tông.
Ngày nay, khu di tích Yên Tử đã trở thành một điểm đến lý tưởng của nhiều du khách thập phương. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư công sức để tôn tạo, tu sửa, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.