Những ngày này 50 năm về trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở thời điểm vô cùng cam go và ác liệt. Trước lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng triệu thanh niên cả nước hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, trong đó, có thanh niên ngành Than. Họ đã tạm gác tay máy, tay búa tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh và ngành Than huy động một lực lượng lớn chi viện cho chiến trường.
Các CCB Binh đoàn Than chụp ảnh kỷ niệm cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam
Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng TV Tập đoàn CN Than Khoáng sản Việt Nam đọc diễn văn kỷ niệm ôn lại truyền thống Binh đoàn Than
Đồng chí Lê Quang Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi lễ
Đồng chí Lê Quang Tùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trao bằng công nhận địa điểm Binh đoàn Than xuất quân là Di tích lịch sử cấp Tỉnh
Khánh thành bia lưu niệm sự kiện Binh đoàn Than xuất quân
Ngày 30/7/1967, tại phố Cây tháp, Binh đoàn Than chính thức được thành lập. Trải qua 5 tháng huấn luyện, các chiến sỹ Binh đoàn Than đã sẵn sàng lên đường vào Nam chiến đấu. Đúng 14 giờ 15 phút ngày 16/12/1967, Binh đoàn Than mang phiên hiệu 921 dưới sự chỉ huy của đồng chí Nghiêm Trọng Trương bắt đầu nhằm hướng miền Nam tiến bước. Sau 45 ngày đêm hành quân gian nan vất vả, Binh đoàn đã tập kết đúng nơi quy định ở chiến trường B5 kịp tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Trong chiến dịch này, Binh đoàn đã đánh chiếm điểm cao 689, 845, 833 và cắt đường số 9, tạo điều kiện cho các đơn vị khác tiến lên làm chủ nhiều vị trí chiến lược quan trọng. Tổng kết chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, Binh đoàn đã góp sức cùng toàn quân và dân miền Nam tiêu diệt 20 vạn tên địch, trong đó có 7 vạn tên Mỹ, phá huỷ 3.400 máy bay, 500 xe quân sự, 4.000 khẩu pháo các loại, giải phóng cho 16 vạn dân, mở rộng vùng căn cứ cách mạng.
Sau chiến dịch Mậu Thân, 3 tiếng “Binh đoàn Than” đã trở thành niềm tự hào của nhân dân Vùng mỏ và là nỗi khiếp đảm đối với kẻ thù. “Vinh dự cho chúng tôi là những người có tác phong công nghiệp nên thời gian, giờ giấc, kỷ luật rất cao, đánh địch kiên quyết. Sau trận đánh đầu tiên lập chiến công, Đài BBC phía bên kia nói về Binh đoàn của chúng tôi với lời miêu tả - một Binh đoàn toàn những người thợ mỏ, đánh rất gan dạ. Vì vậy, chúng tìm cách tiêu diệt Binh đoàn” - ông Bùi Duy Thinh, chiến sỹ Binh đoàn Than năm xưa kể lại.
Còn với CCB Binh đoàn Than Trần Bá Đức thì niềm xúc động và tự hào khi được là người lính Binh đoàn lại dâng lên trong ngày lễ kỷ niệm 50 năm Binh đoàn Than ra trận: “Chúng tôi những người lính Binh đoàn Than mang trong mình phẩm chất của người lính cụ Hồ và truyền thống của giai cấp công nhân mỏ nên khi nhận nhiệm vụ vào các chiến trường ác liệt nhất đều phát huy rất tốt bản chất của giai cấp công nhân. Ngay những trận đầu tiên, anh em trong Binh đoàn đã không ngại khó khăn gian khổ, lập chiến công. Rồi sau đó, đáng nhớ nhất là tại mặt trận Quảng Trị, trong 81 ngày đêm năm 1972, chúng tôi tham gia trong lực lượng của Sư đoàn 35, Quân đoàn 2, rất nhiều đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành những Dũng sĩ diệt Mỹ. Đó là chiến trường ác liệt nhất nhưng tất cả chiến sĩ Binh đoàn Than đều vượt lên khó khăn, thể hiện bản lĩnh”.
Với tác phong, tính kỷ luật cao của người Thợ mỏ, truyền thống "Kỳ luật và Đồng Tâm", những người lính Binh đoàn Than đã được chia ra bổ sung cho các đơn vị trong chiến trường từ Miền Trung đến đồng bằng Nam Bộ, tham gia chiến đấu các trận đánh Plây Cần, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Tum… dọc Tây Nguyên, chiến dịch Xuân Hè 69, chiến dịch Thu Đông 1970 - 1971, chiến dịch Xuân 1972… rồi vượt đèo Phượng Hoàng, đánh sân bay Chư Cúc, giải phóng Nha Trang, tiến về giải phóng Sài Gòn.
Kể từ khi được thành lập đến ngày giải phóng, bằng tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Binh đoàn Than đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ. Đặc biệt là trong trận quyết đấu cuối cùng tại trung tâm đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn, nhiều cán bộ chiến sỹ của Binh đoàn Than đã tham gia Đoàn quân đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Ông Bùi Duy Thinh – thợ lái máy xúc mỏ Hà Tu, một chiến sỹ của Binh đoàn Than năm ấy, may mắn là người được chứng kiến giây phút quân ta tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 chia sẻ: “Tôi là người duy nhất trong Binh đoàn Than còn ở lại chiến trường cho đến tận ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chứng kiến giây phút lá cờ của Mặt trận giải phóng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quân Sài Gòn ngày 30/4/1975 khó có thể diễn tả hết cảm xúc dâng trào, vô cùng sung sướng và tự hào đối với người lính Binh đoàn Than như tôi".
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã tôi luyện cho các chiến sỹ Binh đoàn Than trưởng thành. Trên 1000 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc. Chiến tranh kết thúc, đa số những người lính của Binh đoàn Than đã trở về đất mỏ như lời thề ngày xuất quân. Ông Nguyễn Hải Hiệp - Trưởng ban liên lạc Binh đoàn Than nhấn mạnh: “Trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt, nhiều đồng chí trong Binh đoàn Than đã anh dũng hi sinh, có những đồng chí bị địch tra tấn dã man song luôn giữ nguyên khí tiết của người công nhân mỏ, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân Quảng Ninh. Và khi kết thúc chiến tranh, một số chiến sỹ Binh đoàn Than năm xưa tiếp tục công tác trong ngành than, một số nghỉ chế độ. Dù ở cương vị nào, những người lính Binh đoàn Than đều tích cực tham gia các hoạt động, đều chung ý chí xây dựng ngành Than ngày càng vững mạnh và tỉnh Quảng Ninh thân yêu ngày một giàu đẹp”.
Trong lời phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Hội đồng TV Tập đoàn CN Than Khoáng sản Việt Nam - khẳng định: Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Binh đoàn Than nhằm ôn lại những trang sử vẻ vang của Binh đoàn. Đây cũng là dịp để CNCB Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam tri ân những anh hùng, liệt sĩ, người có công của Binh đoàn Than trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể ở chiến trường. Mặc dù không phải là một phiên hiệu trong quân đội, nhưng "Binh đoàn Than" đã đi vào lịch sử ngành Than và tỉnh Quảng Ninh như một niềm kiêu hãnh của người thợ mỏ nói riêng, nhân dân Quảng Ninh nói chung.
Về phía tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Lê Quang Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời tri ân tới các thương binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng, nhất là các chiến sỹ Binh đoàn Than năm xưa. Đồng chí khẳng định, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Than làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa nói chung và với các chiến sỹ Binh đoàn Than năm xưa nói riêng.
Nhân dịp này, địa điểm Binh đoàn Than xuất quân từ Rạp Bạch Đằng đến Bến phà Bãi Cháy cũ đã được trao bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây sẽ là địa điểm để các thế hệ người dân Vùng mỏ có thể đến tìm hiểu và thêm tự hào về truyền thống của thế hệ thợ mỏ đi trước./.