Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của đàn ông Dao Thanh Y xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ. Lễ cấp sắc cũng tương tự như Lễ thành đinh của một số dân tộc khác. Đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành, được làm nghề cúng bái và được giao tiếp với cõi âm.
Để chuẩn bị cho lễ cấp sắc, từ trước đó mấy ngày gia đình đã đi thông báo cho bà con, xóm láng trong thôn, xã về sự việc trọng đại đối với gia đình và mời mọi người đến để chia vui, chúc mừng với gia đình. Đặc biệt, gia đình mời các thầy giỏi, các bà hát hay trong làng đến để làm Lễ. Tại xã Bằng Cả, nhóm thầy được nhiều người biết đến là nhóm ông Lý Văn Út, già làng, thầy mo giỏi và là người còn am hiểu nhiều về phong tục, tập quán tộc người Dao Thanh Y xã Bằng Cả.
Đã nhiều lần về xã Bằng Cả, gặp, nói chuyện với các nghệ nhân và được nghe kể về Lễ cấp sắc nhưng chưa một lần được chứng kiến tận mắt, thế nên lần này khi được nghe kể trong làng chuẩn bị tổ chức Lễ cấp sắc, tôi liền liên hệ để về. Vừa gặp tôi, ông Út đã hồ hởi cho biết: “Trước đây Lễ cấp sắc thường tổ chức trong 2 ngày 2 đêm nhưng dần về sau này do điều kiện khó khăn nên các thầy thường tổ chức đơn giản 1 ngày 1 đêm, tuy nhiên hôm nay thấy có cán bộ đến tìm hiểu, các thầy bàn với chủ nhà làm 2 ngày 1 đêm và gần như đầy đủ các thủ tục như trước, với mong muốn con cháu trong làng nhớ, hiểu về phong tục tập quán, bản sắc người Dao Thanh Y nơi đây,....”.
Lúc này, trong ngôi nhà 3 gian các thầy dán lên tường những bức tranh thờ Tam nguyên,... tiếng trống, chiêng khua vang, ban thờ khói hương nghi ngút, các thầy nhảy múa - Đây là lúc lễ xin phép thổ công, thổ địa, tổ tiên xem có được làm lễ hay không (hay gọi là Lễ nhập thầy với chủ), tuần tự nhập thầy cả trước, thầy hai sau. Thầy cả ngồi gian giữa, bên trên, 2 thầy 2 ngồi bên phải, nhà chủ bày mâm cỗ trong đó có rượu, gừng. Theo quan niệm Thánh đi ngang qua đây nghỉ chân phải có rượu uống, gừng giả làm gan rồng phục vụ Thánh,...
Các thầy lần lượt uống rượu, ông Út rót cho tôi một chén và bảo rằng đây là lộc Thánh, ông cho biết thêm: “Theo quan niệm của tộc người Dao Thanh Y, trong đời người chỉ cấp sắc một lần, nếu chưa cấp sắc thì dù có lớn tuổi đến đâu cũng chưa được coi là người trưởng thành, cấp sắc chính là nghi lễ chấm dứt thời thơ ấu để đặt tên mới. Từ đây, anh ta bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của một người đàn ông thực sự: Lấy vợ, dựng nhà, đi xa. Cấp sắc còn là cầu mong thần thánh phù hộ, nhờ đó mới làm ăn, học hành giỏi giang, không có ốm đau, bệnh tật”. Trước khi cấp sắc, người được cấp sắc phải kiêng khem một số thủ tục như: không được nói tục chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng, không được để ý đến phụ nữ,... người con trai bắt đầu làm Lễ cấp sắc có thể từ 6 tháng tuổi trở lên (nhưng phải được tuổi, các thầy phải chọn ngày, tháng tốt để làm). Số lượng các thầy thì căn cứ vào số người được cấp sắc nhưng theo quy định cụ thể như: nếu cấp sắc cho 2 người thì sẽ có 2 thầy cả, 2 thầy hai; cấp sắc cho 4 người thì có 2 thầy cả, 6 thầy hai; 2 thầy cả có 6 người giúp việc, 2 thầy hai có 2 người giúp việc. Nhiệm vụ của các thầy cũng được phân định rõ ràng, thầy cả: quản lý toàn bộ ông bà tổ tiên, cầu mong cho gia đình ấm yên; thầy hai quản lý gia tài, của cải, không được để mất mát và quản lý 2 người được cấp sắc, dạy dỗ cho thật thông minh,...
Lễ nhập thầy với chủ
Lễ cấp sắc thường trải qua 13 tiết lễ, các tiết lễ chủ yếu là cúng tổ tiên, cúng Ngọc Hoàng, Bàn Vương,... tại đây các thầy thay phiên nhau nhảy múa quanh người được cấp sắc, tiếng trống, chiêng khua vang cùng những lời cúng, khấn với mục đích mang những tà ma, dịch bệnh, u ám ra khỏi gia đình; các thầy sẽ thay nhau đi tìm hạt giống, của cải về cho gia đình; các thầy như là người nối cầu trung gian cho thần thánh gặp gỡ chủ nhà, ông bà tổ tiên cùng nhau cầu tài, cầu lộc,... các lễ tiết này diễn ra từ buổi chiều cho đến 12h đêm. Sáng ngày hôm sau, nghi lễ cấp sắc mới chính thức bắt đầu; ngay từ sớm, các thầy đã dậy để cúng và thay quần áo đỏ cho 2 người được cấp sắc, đây là thời điểm để chứng nhận cho người được cấp sắc chuẩn bị lên ngôi, các thầy đưa đèn soi xung quanh từ chân lên đầu và dừng lại ở đầu chứng nhận bản thân đã sáng sủa, có thể lên ngôi. Lúc này phía ngoài sân các thầy đã chuẩn bị 2 chiếc bàn và đưa 2 người được cấp sắc từ trong nhà ra ngồi trước bàn, cúng khấn và cử 2 thầy dạy các kỹ năng về săn bắt, ứng xử, giao tiếp,... và cuối cùng là chứng thực, ban sắc cho người được cấp sắc. Sắc là tờ giấy bản, trên đó viết chữ Hán với các nội dung như: họ tên, quê quán người được cấp sắc, lý do được cấp và những điều giáo huấn. Nội dung những điều giáo huấn là răn dạy người được cấp sắc sống lương thiện, không được sát sinh, không vô lễ với ông bà, cha mẹ, không được học điều xấu, không được dâm ô, không được trộm cắp,...
Điều đặc biệt trong Lễ cấp sắc tộc người Dao Thanh Y xã Bằng Cả, bên cạnh những lời cúng, khấn của các thầy thì các bà hát cấp sắc (thường là 4 bà) ngồi bên cạnh hát đu đưa, mục đích hát đu đưa về âm cho ông bà tổ tiên ngủ ngon, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cho chủ nhà làm ăn thịnh vượng, các thầy làm tốt lễ cấp sắc,...
Nối cầu giữa người được cấp sắc với ông bà tổ tiên
Kết thúc buổi lễ, các thầy, chủ nhà cùng 2 người được cấp sắc vào nhà, tại đây các thầy làm lễ cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã ủng hộ, cho phép các thầy làm lễ cấp sắc và ban phát quà cho 2 người được cấp sắc và kể từ đây người thụ lễ đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh.
Làm lễ cúng gia tiên sau khi được cấp sắc
Chia tay các thầy trong nhóm làm Lễ, tâm trạng tôi thật sự bồi hồi, tôi nhớ lại có người nào đó đã nói với tôi “Lễ cấp sắc hay lắm, tìm hiểu được nó thì có thể coi là đã hiểu về văn hóa người Dao,...”, thiết nghĩ trong xã hội hiện nay, khi văn hóa truyền thống đang dần mai một, mất đi thì việc bảo tồn và phát huy Lễ cấp sắc là rất cần thiết, nhất là khi UBND tỉnh đầu tư cho xã xây dựng Dự án Trung tâm Bảo tồn bản Văn hóa tộc người Dao Thanh Y trên diện tích hơn 5 héc ta với chức năng là nơi bảo tồn các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, như mở lớp truyền dạy kỹ năng thêu hoa văn trên trang phục truyền thống, cách ủ và chế biến rượu bâu, các hình thức sinh hoạt nghệ thuật, trò chơi dân gian,... phục vụ phát triển du lịch thì việc tuyên truyền cho người dân hiểu để từ đó bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tuyền thống là việc cấp bách, cần làm ngay.