Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Đình- miếu Ngọc Vừng.

21/08/2019 19:34

Vừa qua, tại Di tích đình Ngọc Vừng- xã Ngọc Vừng, UBND huyện Vân Đồn tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Cụm di tích đình - miếu Ngọc Vừng.

Đến dự buổi lễ có đồng chí Tô Xuân Thao, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn; các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy- HĐND – UBND- UMTTQ huyện Vân Đồn, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Ngọc Vừng cùng đông nhân dân của địa phương đến tham dự.

Theo tài liệu ghi lại, đình Ngọc Vừng được dân trong làng lập vào khoảng Thế kỷ 18, ban đầu đình chỉ là một gian nhà nhỏ bằng vật liệu tạm để lấy chỗ hương khói, thờ phụng thần linh. Đình Ngọc Vừng là nơi thờ Bảo An chi thần và Phụ quốc Đô Thống chi thần (hai vị này hiện chưa không rõ tên tuổi) và ba anh em họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng). Các vị này được dân làng Ngọc Vừng tôn làm thành hoàng làng và thờ phụng. Hiện tại đình Ngọc Vừng còn lưu giữ ba đạo sắc phong vào các năm: Tự Đức thứ 3 (1850); Thành Thái thứ nhất (1889) và Khải Định  năm 1917 (sắc phục chế tại viện Nghiên cứu Hán Nôm). Ngoài thờ Thành hoàng làng, đình Ngọc Vừng cũng là nơi thờ phụng các dòng họ Tiên công: Nguyễn, Lê, Trần, Lâm, Phạm, Vũ, Bùi, là những dòng họ có công khai phá đất đai, dựng làng lập ấp ở Ngọc Vừng. Đình Ngọc Vừng còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trong cách mạng Tháng Tám như: thành lập chính quyền cách mạng lâm thời địa phương; nơi tổ chức hưởng ứng Quỹ Độc lập, Tuần lễ vàng; bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Ngọc Vừng là trụ sở của chính quyền cách mạng xã Ngọc Vừng.

Đến thập niên 20 của thế kỷ 20, đình được xây dựng lại bằng đá, gạch, mật mía, mái lợp ngói mũi. Ngoài chức năng văn hóa chính là nơi thờ Thành hoàng làng, đình còn là trung tâm hành chính, quản trị phục vụ cho mọi hoạt động thuộc về cộng đồng làng xã. Do, biến cố thăng trầm thời gian, với nhiều nguyên nhân khách quan, đến năm 1963, đình Ngọc Vừng đã trở thành phế tích. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng nhân dân, tháng 7 năm 2015, đình Ngọc Vừng được sự quan tâm phát tâm công đức của các tổ chức và cá nhân hảo tâm ngồi đình đã được phục dựng lại trên nền đất cũ đến tháng 11 năm 2016, ngôi đình hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Đào Văn Vũ- Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Vân Đồn thay mặt các đồng chí lãnh đạo Huyện Vân Đồn đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao và những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đảo Ngọc Vừng trong công tác bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn xã và Cụm di tích đình- miếu Ngọc Vừng. Trong thời gian tới, địa phương cần tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc về các giá trị của di tích; yêu cầu các hoạt động của di tích cần tuân theo các quy định của Luật Di sản và các quy định của pháp luật có liên quan.

 Một số hình ảnh tại lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đình- miếu Ngọc Vừng.

Đồng chí Tô Xuân Thao- Bí thư Huyện ủy Vân Đồn- Được sự ủy quyền của Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với cụm di tích đình- miếu Ngọc Vừng

Các đại biểu và nhân dân đến tham dự buổi lễ

 

Bùi Thị Giang- Phòng QLDS


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 43
Đã truy cập: 3054129