Kết quả khảo sát sơ bộ hiện trường, xác minh thông tin, địa điểm phát lộ di vật tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử

29/11/2021 10:38

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh trong quá trình Công ty CPPT Tùng Lâm tiến hành gia cố các trụ văng cáp tời tại khu vực ga 3 cáp treo thuộc Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí đã phát lộ một số di vật, Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Uông Bí chỉ đạo Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, các cơ quan chuyên môn, UBND xã Thượng Yên Công và đơn vị liên quan tạm dừng thi công khu vực phát hiện di vật; có phương án khoanh vùng khu vực phát hiện di vật; đồng thời giao Bảo tàng Quảng Ninh thực hiện khảo sát hiện trường phát hiện di vật, xác minh thông tin về di vật, địa điểm phát hiện di vật, báo cáo và đề xuất phương án bảo vệ cụ thể.

Trên cơ sở báo cáo của Bảo tàng Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao thông tin sơ bộ kết quả như sau:

1. Hiện trường nơi di vật phát lộ nằm trong khu vực Am Hoa, phía trên chếch về bên trái của ga cáp treo 3. Vị trí phát lộ nằm trong mặt bằng có diện tích khoảng 30m2 trên đỉnh của một dông núi chạy thoải từ trên xuống dưới; cách vị trí cây Xích Tùng được đánh số 135 khoảng 5m. Hiện trạng, cả hai hũ đồng nói trên đã không còn nằm trong địa tầng khi được được phát hiện mà đã được di dời, nhấc lên, làm sạch sơ bộ và tạo hố có kích thước 2mx1mx1m để đặt lại. Theo lời kể của những người tham gia thi công, cả hai hũ đồng được chôn trong cùng một khu vực ở độ sâu khoảng 50-70cm so với mặt nền, nằm cách nhau khoảng 70-80cm. Xung quanh hai hũ đồng có đất sét trắng, bên trên là đất đồi màu vàng, nâu và đá phiến. Không phát hiện dấu tích hay mảnh vỡ gạch, ngói, gốm sứ xung quanh. Cả hai hũ đồng đều bị vỡ một mảng lớn bên thân do lực tác động khi đào đất, có thể nhìn thấy di cốt xương bên trong; do đó, khiến cho một phần tạp chất là đất đồi và nước lẫn vào bên trong hũ. Hai hũ đều được làm bằng chất liệu đồng, có hình dáng và kỹ thuật chế tác tương tự nhau và đều có hai phần: thân và nắp đậy có núm tròn tạo dáng hình búp sen. Ở một hũ còn rõ vết gắn giữa thân và nắp một hợp chất màu xám nhạt và xám đen ở vành ngoài nắp và vai hũ. Một hũ khác cho thấy rõ một thanh đồng tròn dài xuyên qua đường kính nắp và miệng hũ để khóa nắp. Phần đáy của một hũ đồng đã có dấu hiệu bị oxy hóa nghiêm trọng. Hai hũ đồng đều có kích thước: Cao (cả núm) - khoảng 23cm; Rộng ngang thân - khoảng 20cm.

2. Nhận định sơ bộ, hai hũ đồng này có thể có niên đại thời Trần, thế kỷ XIII-XIV; phần xương cốt bên trong có thể thuộc về hai cá thể có mối liên hệ gần gũi về gia đình hoặc một tông phái tu hành thời Trần tại khu vực Am Hoa trên núi Yên Tử. Hiện tại, hai hũ đồng nói trên đã được thỉnh về đặt tại Ban thờ Tam Tổ, nhà Tổ chùa Hoa Yên để thuận tiện cho công tác trông nom, quản lý và bảo vệ.

Một trong hai hũ đồng được phát hiện tại địa điểm Am Hoa (ảnh: Bảo tàng QN)

Việc phát lộ 02 (hai) di vật hũ đồng nói trên tại địa điểm Am Hoa thuộc Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử ẩn chứa giá trị nhiều mặt về lịch sử văn hóa, khoa học; góp phần nghiên cứu, bổ sung và hỗ trợ quá trình xây dựng hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh - Bắc Giang và Hải Dương) trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới trong thời gian tới.

Nguyễn Trung Hà, ảnh: Bảo tàng QN


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 466
Đã truy cập: 2954541