Đình Đông Mai: Từ hai tấm bia Hậu Thần bi kí năm Cảnh Hưng thứ 45 (1784) và bia Vạn đại bi kí Minh Mệnh thứ 15 (1834), qua chất liệu và phong cách tạo tác của 41 tảng đá kê chân cột còn lưu giữ ở di tích là những căn cứ khoa học minh chứng đình Đông Mai đã được xây dựng từ thế kỉ XVIII và được nhân dân hương hỏa phụng thờ hàng trăm năm và kéo dài cho tới ngày nay. Theo Thần tích-Thần sắc làng Đông Mai, tổng Đạm Thủy, huyện Đông Triều (do Kỳ lão, Kỳ mục, Hương hội Lý dịch xã Đông Mai, tổng Đạm Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương kê khai), đình làng Đông Mai thờ Thành hoàng làng là Lưu Ân Cư Sĩ Đại Vương. Có 04 sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho Ngài: Tự Đức (1880), Đồng Khánh (1887), Duy Tân (1909), Khải Định (1924). Đình Đông Mai ngày nay quay hướng Tây, kiến trúc chữ Đinh theo kiến trúc truyền thống của đình làng Việt gồm Bái đường và Hậu cung.
Chùa Đông Mai: Theo lời kể của các cụ cao tuổi tại địa phương thì chùa Đông Mai được dựng vào cùng thời điểm xây dựng đình Đông Mai. Căn cứ vào các hiện vật còn lưu giữ được tại di tích (những tảng kê chân cột, tháp mộ sư..) cho thấy Chùa Đông Mai đã tồn tại vào khoảng cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX. Trải qua thời gian và chiến tranh nên Chùa không còn giữ được kiến trúc ban đầu. Đến khoảng những năm 70 (thế kỉ XX), nhân dân làng Đông Mai đã cùng nhau xây dựng lại ngôi chùa trên nền chùa cũ. Chùa có ba gian kiểu chữ nhất, mái lợp ngói ống, đầu hồi bít đốc. Năm 2010, nhân dân địa phương xây dựng lại chùa Đông Mai, gồm ba gian tiền đường và một gian thượng điện, chùa có diện tích 138m2, Đây cũng là hiện trạng của Chùa Đông Mai ngày nay. Chùa Đông Mai thờ Phật, Đức Ông, Tam tòa Thánh Mẫu. Tượng được thờ ở chùa rất đa dạng và phong phú. Tượng Phật ở chùa là một quần thể chứ không phải chỉ vài bức tượng đơn lẻ. Bên cạnh đó, chùa còn có ban thờ Đức Ông, ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Chùa Đông Mai quay hướng Tây Bắc, kiến trúc chữ Đinh theo kiến trúc truyền thống của chùa làng Việt gồm Tiền đường và Thượng điện.
Nghè Đông Mai: Nghè Đông Mai được xây dựng vào đầu thế kỉ XIX để thờ Lý Thường Kiệt. Theo lời kể của các cụ cao tuổi tại địa phương, xưa kia Lý Thường Kiệt đi thị sát qua đây, thấy nơi này có phong cảnh đẹp, trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập, đông vui, nên Ông đã dừng chân nghỉ tại đây. Tương truyền, từ sau khi ông dừng chân nơi này, đời sống của bà con ngày càng khấm khá, dân trong làng cho đây là điềm lành nên đã lập Nghè thờ ông. Nghè Đông Mai quay hướng Nam, mới được tôn tạo năm 2021. Nghè nằm trong khuôn viên 485m2, diện tích 24,1 m2, kiến trúc chữ Nhất, một gian với bốn hàng cột trụ, không xây tường bao, mái lợp ngói mũi hài, góc mái có đầu đao trang trí hình rồng
Theo Thần tích - Thần sắc làng Đông Mai: đình Đông Mai tổ chức tế lễ vào các ngày 11,12,13,14,15 tháng Giêng (âm lịch) và 19, 20, 21, 22, 23 tháng 10 (âm lịch). Hiện nay, nhân dân xã Nguyễn Huệ tổ chức lễ hội đình Đông Mai vào các ngày: ngày 11-12/tháng Giêng và 19-20/10 (âm lịch) hàng năm Lễ rước Thành hoàng du xuân được tổ chức 2 năm/lần: từ đình đi ra đường chính- nghè Giá – đường chính - về đình.Mỗi dịp đình Đông Mai tổ chức lễ hội đình, Ban quản lý di tích và nhân dân đều có lễ vật dâng tại chùa, nghè, lễ vật gồm: xôi, chè, hoa quả, trầu cau.. sau đó mới làm các thủ tục lễ hội tại đình; chùa Đông Mai có ba ngày lễ chính trong năm là ngày: lễ Mẫu (ngày 3 tháng 3 âm lịch), lễ Phật đản (15/4 âm lịch) và ngày giỗ tổ (ngày 8/6 âm lịch).
Các tư liệu lịch sử văn hóa về Đình, Chùa, Nghè Đông Mai góp phần làm phong phú thêm di sản văn hoá quý giá và có những đóng góp nhất định cho công tác nghiên cứu khoa học về vùng đất Nguyễn Huệ (Đông Triều) nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Các hiện vật: văn bia, sắc phong, … là những căn cứ khoa học quan trọng cho thấy sự xuất hiện, tồn tại của đình, chùa Đông Mai trong lịch sử. Những di vật ấy không chỉ cho thấy được quy mô, tầm quan trọng của di tích, sự quan tâm của các triều đại phong kiến Việt Nam đối với di tích mà còn chứa đựng những thông tin về quá trình hình thành, phát triển của di vật và di tích cũng như về điều kiện kinh tế, xã hội trong một giai đoạn phát triển nhất định của địa phương. Thông qua nội dung các văn bia ghi lại việc bầu Hậu thần và các tục lệ thờ cúng, phối hưởng của các vị Hậu thần tại đình đã góp phần cung cấp nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu tục và lệ bầu Hậu thần của nhân dân ta.
Với những giá trị đó, cụm di tích lịch sử đình, chùa, nghè Đông Mai đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 09/3/2022 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với cụm di tích lịch sử đình, chùa, nghè Đông Mai tạo thêm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa phong tục tập quán của nhân dân, bảo vệ những giá trị lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của di tích, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Hoàng Phương - phòng QLDS