Điểm báo ngày 2/12

02/12/2021 15:14

Những trụ cột kinh tế trọng điểm giúp Quảng Ninh giữ vững mức tăng trưởng kinh tế 2 con số (Phapluatplus.vn 02/12)

Xác định được các trụ cột kinh tế trọng tâm, thu hút đầu tư với các cơ chế chính sách thông thoáng, giúp Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng kinh tế.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8,2% trong 9 tháng đầu năm, Quảng Ninh đã và đang duy trì tốc độ tăng trưởng với các chỉ số khả quan thể hiện qua tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 34.377tỷ đồng, bằng 96% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch Covid-19 đã tác động hầu khắp các lĩnh vực, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển KT-XH. Tuy nhiên, với quan điểm, chiến lược đúng đắn, khoa học; chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước thực hiện thành công mục tiêu kép; kiên định mục tiêu, điều hành thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng 2 con số năm 2021 trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, tỉnh đã kiên trì thực hiện thành công phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, dự phòng tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; kiên cường vượt qua các khó khăn, thách thức, giữ vững “vùng xanh” an toàn. Xây dựng, ban hành kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế, gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương.

Trong đó, xác định rõ khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt để chỉ đạo điều hành thu - chi ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn các dự án gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 3 của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Ký – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh – yêu cầu tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn với dịch COVID-19 để phát triển kinh tế-xã hội.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số, đòi hỏi các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, phát huy tối đa những kinh nghiệm quý báu đã triển khai thành công trong điều hành kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2020.

Trong đó, phải kiên trì giữ vững sức sản xuất, phát huy vai trò trụ cột khu vực công nghiệp - xây dựng trong tăng trưởng kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các công trình, dự án động lực; phấn đấu chậm nhất ngày 1/1/2022 khánh thành 3 công trình: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1.

Bên cạnh đó, tận dụng mọi cơ hội an toàn dịch bệnh để thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ, trọng điểm là các hoạt động thương mại bán lẻ, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải…; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục cải tiến mạnh mẽ hơn nữa phương thức làm việc phù hợp với tình hình mới đảm bảo tiến độ, chất lượng để phục vụ người dân, doanh nghiệp, tuyệt đối không để đình trệ công việc.

“Cả hệ thống chính trị toàn tỉnh tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, phát huy cao độ truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương, của tỉnh".

"Nhất định chúng ta sẽ kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19 và hiện thực hóa thành công “mục tiêu kép” trong năm 2021 và những năm tiếp theo” – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.

Theo phân tích của các ngành chức năng, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài. Chuyển trạng thái chống dịch từ “Zero Covid” sang “Sống chung với covid” là một thách thức đối với những địa bàn đã giữ được là “vùng xanh an toàn” trong suốt thời gian qua. Bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã được xây dựng trong bối cảnh sản xuất trong vùng xanh an toàn, khi chuyển trạng thái chống dịch đồng nghĩa với việc chấp nhận sẽ có những xáo trộn nếu như có F0 xuất hiện trong cộng đồng hoặc trong người lao động của doanh nghiệp. Hiện một số tỉnh gần với Quảng Ninh còn đang xuất hiện các ổ dịch mới... sẽ tiếp tục tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch và thu ngân sách trên địa bàn.

Khó khăn thách thức còn nhiều nhưng các chuyên gia kinh tế lại cho rằng động lực tăng trưởng của Quảng Ninh vẫn còn rất mạnh mẽ nếu tận dụng tốt các cơ hội từ địa bàn an toàn để tăng tốc phát triển kinh tế nhờ các chuỗi cung ứng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì ổn định.

Trong bối cảnh thực hiện chiến lược chống dịch mới, tỉnh Quảng Ninh đã sẵn sàng tâm thế thích ứng, linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ngày 24/10 tỉnh khởi công, khởi động 4 dự án có tổng mức đầu tư hơn 280.000 tỷ đồng. Gồm: Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; Sân golf Đông Triều; Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh và Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1). Đây là những dự án tiếp nối chiến lược phát triển theo phương thức “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh, mô hình hợp tác công – tư…

Về phát triển kinh tế-xã hội, Quảng Ninh xác định rõ trụ cột tăng trưởng của năm 2022 là phát huy thế mạnh của các trụ cột kinh tế trọng điểm. Cụ thể, tập trung cho công nghiệp-xây dựng; trong đó, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, trọng tâm là các dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) thế hệ mới; ổn định, phát triển bền vững ngành than; đầu tư các dự án trọng điểm đầu tư công, FDI, đầu tư ngoài ngân sách, khu vực dân doanh.

Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng mà Quảng Ninh đang có thêm lợi thế vượt trội như thương mại biên giới, xuất nhất khẩu, thương mại điện tử, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, cảng biển; phát triển bền vững nông-lâm-ngư nghiệp, trọng điểm là thủy sản.

Cùng đó, đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế, khu công nghiệp và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2022. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Năm 2022, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, nông nghiệp, nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

Năm 2021, Quảng Ninh ước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 10,01%, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 51.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao đầu năm, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Những phụ nữ vùng cao làm kinh tế giỏi (Tapchicongthuong.vn 01/12)

 Đặc điểm chung của những điển hình nêu trên là chị em đều là dân tộc thiểu số, sinh sống và làm ăn trên các vùng nằm trong danh sách các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời, họ không chỉ được chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn hỗ trợ cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, mà bản thân chị em, sau khi thoát nghèo đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình với các hộ trong và ngoài địa bàn.

Ở bên kia vùng cực Đông của Tổ quốc, chị Lý Thị Gái ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, là xã khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ninh, được Chi hội phụ nữ cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ việc làm của Hội phụ nữ. Sau nhiều năm lao động gia đình chị đã có cơ ngơi bề thế, với chuồng trại nuôi gần 2.000 con gà bản Đầm Hà, trên 40 lợn, và các loại cây ăn quả trên diện tích đất đồi của gia đình. Mỗi năm gia đình chị cung cấp ra thị trường trên 3.000 con gà, 40 – 60 con lợn thịt, đồng thời trừ chi phí gia đình chị thu lãi khoảng 150 – 200 triệu đồng/năm.

Ở đây có 2 câu chuyện. Thứ nhất, người nông dân có thể thoát nghèo làm giàu ở những địa bàn khó khăn, địa hình chia cắt, đồi núi dốc đứng, khí hậu khắc nghiệt nếu được hướng dẫn nuôi trồng cây con phù hợp. Thứ hai, những điển hình tiên tiến sản xuất giỏi vừa truyền cảm hứng đến các hộ gia đình khác vươn lên, vừa là thành viên tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào sản xuất giỏi, xây dựng nông thôn mới, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch...

Quảng Ninh: Hợp long cầu Ka Long 2 trên cao tốc Vân Đồn-Móng Cái (TTXVN/VietnamPlus.vn, ngày 01/12)

Cầu Ka Long 2 nối đôi bờ Đông-Tây của thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) là cây cầu cuối tuyến trong tổng số 32 cây cầu trên toàn tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái.

Chiều 1/12, cầu Ka Long 2 nối đôi bờ Đông-Tây của thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) trên tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đã chính thức được hợp long.

Đây là cây cầu cuối tuyến trong tổng số 32 cây cầu trên toàn tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái.

Cầu Ka Long 2 có vị trí tại Km 148+600 thuộc dự án cao tốc Tiên Yên-Móng Cái do Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát là Tedi-Tedi north-Apeco và nhà thầu thi công là Công ty 479 Hòa Bình.

Cầu được thiết kế làm 2 đơn nguyên riêng biệt, chiều dài cầu 410,7m và chiều rộng cầu 27m. Cầu chính sử dụng dầm hộp bêtông cốt thép dự ứng lực thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng; cầu dẫn là dầm bê tông dự ứng lực chữ I đúc sẵn nhịp 33m. Cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.

Thời gian thi công theo hồ sơ thiết kế là 21 tháng; thời gian thực tế thi công từ 8/2020 đến nay là 16 tháng.

Với trên 100 công nhân làm việc liên tục 3 ca/ngày, dù gặp những khó khăn về thời tiết và dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến thi công, huy động công nhân, máy móc thiết bị, vật tư vật liệu và các chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao, nhưng việc thi công Cầu Ka Long 2 đã đảm bảo vượt tiến độ đề ra.

Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái (được chia làm 2 dự án thành phần gồm dự án cao tốc Vân Đồn-Tiên Yên và dự án cao tốc Tiên Yên-Móng Cái) là một trong 3 dự án công trình giao thông động lực, trọng điểm đang được tỉnh Quảng Ninh tập trung hoàn thành vào cuối năm 2021.

Đây là tuyến đường nằm trong hệ thống tuyến đường cao tốc Hà Nội-Quảng Ninh có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái xuống còn khoảng 3 giờ; kết nối với các khu kinh tế trọng điểm, tạo thuận lợi giao thông đường bộ từ hướng Lạng Sơn đi Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long; phát huy sân bay Vân Đồn; kết nối cửa ngõ giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc; tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, kết nối các khu kinh tế trọng điểm và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tuyến cao tốc đi qua.

Quảng Ninh: Hoàn thiện thể chế để thu hút vốn FDI (Diendandoanhnghiep.vn 02/12)

Dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Đón bắt được tình hình đó Quảng Ninh hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút vốn FDI.

Một trong những lĩnh vực được tỉnh Quảng Ninh quan tâm là cần phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút được nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là đối với dự án có nguồn vốn FDI.

Theo ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh: từ đầu năm đến nay đã tiếp xúc, làm việc với gần 30 lượt nhà đầu tư. Trong đó, điển hình là Ban đã làm việc với Công ty Iris Ohyama (Nhật Bản) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án điện gia dụng, tủ lạnh; Tập đoàn Amata, Công ty TNHH Toyota Tsusho và Công ty Aapico Hitech PCL (Thái Lan) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án Tổ hợp Smart City Móng Cái và các dự án sản xuất công nghiệp ô tô; Công ty TNHH VSIP Hải Phòng nghiên cứu triển khai đầu tư dự án hạ tầng KCN; Tập đoàn BYD (Trung Quốc) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án về lĩnh vực chế biến, chế tạo; làm việc với Công ty Jinsung Hitec Co., Ltd (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án Jinsung Hitec Vina...

Đặc biệt, chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, với sự hỗ trợ, cam kết của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định lựa chọn Quảng Ninh đầu tư 2 dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao tại KCN Sông Khoai. Dự án thứ nhất có tên gọi Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD và dự án thứ 2 là Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam, có tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD. Đây là 2 dự án có nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay, kỳ vọng sẽ tạo ra những dư địa phát triển mới trong lĩnh vực công nghiệp.

Ngoài 2 dự án cấp mới tiêu biểu nói trên, tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận thêm nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, như: Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam (10 triệu USD); Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam (30 triệu USD); Dự án Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận (10 triệu USD); Dự án Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (8 triệu USD); Dự án Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina (trên 13 triệu USD).

Hiện nay việc thu hút FDI đã, đang đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của Quảng Ninh. Mặc dù vậy, việc thu hút vốn FDI vào tỉnh vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Theo lãnh đạo BQL KKT Quảng Ninh: 2 năm đương đầu với đại dịch COVID -19, thu hút FDI tại Quảng Ninh vẫn đạt được sự tăng trưởng đáng khích lệ. Theo đó, năm 2020, tỉnh thực hiện cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 45 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, tổng mức đầu tư đăng ký 24.109 tỷ đồng, tăng 55,5% so với năm 2019.

Trong đó có 28 dự án FDI, vốn đăng ký 526,2 triệu USD, tăng 84,5% so với năm 2019. Bước sang năm 2021, dù dịch COVID -19 vẫn có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, tuy nhiên, 9 tháng năm 2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận thu hút 8 dự án đầu tư FDI mới và điều chỉnh tăng vốn cho 4 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,076 tỷ USD, tăng 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh: Theo Kế hoạch 377-KH/TU, Quảng Ninh đã xây dựng một số chỉ tiêu thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn 2021-2025, 2025-2030. Cụ thể như: Vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 2,5-3 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030 khoảng 3-4,5 tỷ USD. Vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 1,5-2 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030 khoảng 2-3 tỷ USD. Cùng với đó, đến năm 2025, tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng trên 50% và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỷ lệ nội địa hóa bằng mức trung bình của cả nước (đạt mức 30% vào năm 2025 và đạt 40% vào năm 2030); tỷ trọng lao động qua đào tạo năm 2025 đạt 87,5% (trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 50,8%); năm 2030 đạt trên 90%.

Nhìn vào chỉ tiêu phấn đấu này, có thể thấy quyết tâm rất lớn của Quảng Ninh trong đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI vào tỉnh. Đồng thời, cũng sẽ tạo ra những “áp lực” không nhỏ, để các cấp, ngành, địa phương không thể bằng lòng với những kết quả đạt được, mà luôn phải đưa ra những giải pháp mới, mang tính đột phá, để gia tăng dòng vốn đầu tư FDI vào tỉnh, địa phương mình.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn chia sẻ: Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 kéo dài, số lượt đoàn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm trước. Để thu hút dòng vốn đầu tư FDI, tỉnh đã tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến; chủ động kết nối, mời gọi với các doanh nghiệp đầu tư FDI đã đầu tư thành công tại Việt Nam… Cùng với đó, để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp, trong đó có khối FDI, tỉnh đã, đang triển khai có hiệu quả nhiều chỉ số cải cách. Quảng Ninh hiện là địa phương duy nhất dẫn đầu cả nước cùng lúc ở cả 4 Chỉ số (PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI).

"Quảng Ninh đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách mới để thu hút vốn FDI hiệu quả hơn. Trong đó, xác định rõ phương châm là chuyển từ “thu hút bằng mọi giá” sang “thu hút có chọn lọc”; từ “thu hút thụ động” sang “thu hút chủ động”; từ “thu hút dựa trên hiệu quả tài chính và quy mô dự án” sang “thu hút dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường”. Qua đó, nhằm gia tăng hiệu quả những đóng góp của khối FDI vào sự phát triển của tỉnh theo hướng bền vững"

Theo bà Somhatai Panichewa - TGĐ công ty cổ phần Amata Việt Nam cho biết: Ngay từ những ngày đầu đến nghiên cứu tại Quảng Ninh, Amata đã xác định đây là dự án lớn nhất mà Tập đoàn triển khai tại Việt Nam. Tập đoàn Amata dự kiến sẽ tiếp tục phát triển thêm một số KCN trên địa bàn tỉnh, thông qua việc hợp tác với những nhà đầu tư lớn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan để kéo các nhà đầu thứ cấp lớn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ này về. Một trong những bước đi mới thực hiên cam kết của Tập đoàn Amata với Quảng Ninh đó chính là việc kêu gọi và mời hợp tác với 2 nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hạ Long (Quảng Ninh): Ưu tiên vốn đầu tư tạo sinh kế để người dân giảm nghèo bền vững (Baodantoc.vn 02/12)

Vận dụng các nguồn lực để triển khai các dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, TP. Hạ Long còn 62 hộ nghèo, 139 hộ cận nghèo.

Công tác giảm nghèo, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển toàn diện của TP. Hạ Long giai đoạn 2015 - 2020. Thành phố đã chú trọng xây dựng, triển khai, ban hành các chính sách để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thụ hưởng, thoát nghèo, huy động sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng... Theo đó, Chương trình 135, Chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai hiệu quả trên địa bàn Thành phố, bộ mặt nông thôn ngày càng được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại.

Trong 5 năm qua, Thành phố đã bố trí nguồn lực triển khai tốt các dự án hỗ trợ trong Chương trình Giảm nghèo, với tổng kinh phí gần 234 tỷ đồng. Trong đó, trên 205 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (57 công trình) cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; trên 7 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất và mô hình giảm nghèo; trên 7 tỷ đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở hộ nghèo...

Một trong những dự án đạt hiệu quả cao, là Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Có thể kể đến các mô hình: Trồng 5.000 cây ba kích/0,5ha tại thôn Phú Liễn (xã Đồng Sơn); nuôi lợn thương phẩm tại xã Đồng Lâm; nuôi gà Lương Phượng thả vườn tại xã Đồng Sơn; trồng cây ổi Đài Loan tại xã Sơn Dương; mô hình nuôi trâu sinh sản với 30 hộ nghèo, cận nghèo ở nhiều xã tham gia. Thu nhập của các hộ gia đình tham gia mô hình tăng 5 - 10%/năm; mỗi năm có 70 - 75% số hộ thoát nghèo, cận nghèo.

Ông Đinh Mạnh Đới, dân tộc Tày, thôn 1, xã Dân Chủ, TP. Hạ Long, là một trong những người đầu tiên trồng ổi Đài Loan, sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh cho biết, giống ổi mới cho năng suất cao, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 2ha ổi cũng được vài trăm triệu đồng.

Năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, TP. Hạ Long còn 62 hộ nghèo, 139 hộ cận nghèo. Đây là những hộ khó có điều kiện thoát nghèo, bởi nguyên nhân nghèo phần lớn là gia đình có người già yếu, bệnh tật phải điều trị dài ngày tại bệnh viện, gia đình có người mắc bệnh xã hội...

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, cho biết: “Đối với các hộ có tinh thần, ý thức cao vượt khó, tình nguyện viết đơn phấn đấu thoát nghèo, cận nghèo năm 2022, Thành phố đặc biệt quan tâm cả về vật chất, tinh thần, chung tay giúp đỡ các hộ vươn lên.

Giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố phấn đấu bình quân mỗi năm giảm 25% số hộ nghèo, 10% số hộ cận nghèo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Thành phố quyết tâm không để tái nghèo, tái cận nghèo, hạn chế tối đa phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Theo đó, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo, cận nghèo, tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm và triển khai nhiều mô hình đa dạng sinh kế phát triển sản xuất, giúp các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững...

Quảng Ninh phát động hưởng ứng Ngày Mua sắm trực tuyến Việt Nam 2021 (Baophapluat.vn 02/12)

Thực hiện Quyết định số 2649/QĐ-BCT ngày 24/11/2021 của Bộ Công Thương về việc tổ chức “Ngày Mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021”, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch số 4057/KH-SCT triển khai thực hiện “Ngày Mua sắm trực tuyến - Online Friday 2021” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức các hoạt động khuyến mãi, tham gia chương trình “Ngày Mua sắm trực tuyến - Online Friday 2021”. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ đăng ký tham gia chương trình mã giảm giá chung tại muasamvn và muasamvietnam tại địa chỉ http://muasamvietnam.onlinefriday.vn. Hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%.

Công dân, người tiêu dùng trên toàn tỉnh Quảng Ninh có thể truy cập địa chỉ http://onlinefriday.vn và ứng dụng Online Friday trên các nền tảng di động để lấy thông tin về các chương trình khuyến mãi, giảm giá của các doanh nghiệp tham gia chương trình và mua sắm tại các website, ứng dụng của các doanh nghiệp.

Online Friday là ngày hội mua sắm trực tuyến của Việt Nam, được Chính phủ phê duyệt tổ chức thường niên vào ngày thứ 6 đầu tiên của tháng 12. Online Friday diễn ra lần đầu tiên vào năm 2014. Chương trình Online Friday được Bộ Công Thương kỳ vọng góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam nói riêng và cho ngành công thương nói chung.

Thời gian diễn ra chương trình “Ngày Mua sắm trực tuyến Việt Nam 2021” là thứ 6, ngày 3/12. Ngoài ra, dịp này cũng diễn ra chương trình “Tuần lễ Mua sắm trực tuyến”, từ ngày 27/11 - 5/12 và được thực hiện trên website chương trình “Ngày Mua sắm trực tuyến Việt Nam 2021”.

Quảng Ninh có trên 3.700 doanh nghiệp ứng dụng hóa đơn điện tử (TTXVN/Baotintuc.vn/Bnews.vn 02/12, Thanh Vân)

Sau hơn 1 tuần Tổng cục thuế chính thức vận hành hệ thống triển khai hóa đơn điện tử, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có trên 3.700 doanh nghiệp đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử theo nghị định và thông tư mới, đạt tỷ lệ trên 43%, trở thành đơn vị dẫn đầu trong 6 địa phương được chọn thực hiện thí điểm nội dung này.

Ngành thuế Quảng Ninh tiếp tục tuyên truyền, triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật để đạt mục tiêu hoàn thành chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử.

Ông Nghiêm Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đại lý thuế Cường Linh, thành phố Hạ Long cho biết, đơn vị vừa sử dụng vừa hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ứng dụng hóa đơn điện tử. Sự khác biệt căn bản trong triển khai hóa đơn điện tử theo thông tư và nghị định mới lần này có sự kết nối với cơ quan thuế qua việc cấp mã hóa đơn thay vì như trước đây chỉ có sự giao dịch hóa đơn giữa người mua và người bán trên các phần mềm điện tử.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử là nền tảng kiểm soát đồng bộ thông tin của hàng hóa; đồng thời, mang lại sự an toàn, tiết kiệm, minh bạch, giúp cho cơ quan thuế kiểm tra, quản lý tốt, tránh làm phiền doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được in mẫu hóa đơn theo lựa chọn cũng có thể tạo thêm logo cho mẫu hóa đơn để quảng bá cho thương hiệu của mình.

Theo phân tích của ông Cường, trước đây, khi cơ quan chức năng cần kiểm tra, xác minh một tờ hóa đơn thì doanh nghiệp phải in và gửi hóa đơn lên để cơ quan quản lý kiểm tra thông tin. Thì nay, theo thông tư mới, hóa đơn điện tử đưa vào sử dụng phải có mã xác thực của cơ quan thuế. Trước khi phát hành hóa đơn gửi cho khách hàng, người nộp thuế phải gửi thông tin hóa đơn theo một tệp định dạng của ngành thuế về cho cơ quan thuế để lấy mã xác thực. Như vậy, mọi dữ liệu đã được cơ quan quản lý thuế nắm bắt, quản lý. Việc này tạo thuận lợi cho kiểm tra, kiểm soát thông tin hàng hóa.

Tại Quảng Ninh đã có 95% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính từ năm 2011 hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Đây là nền tảng để địa phương này triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Việc sử dụng hóa đơn điện tử là giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia và là cơ sở để ngành thuế có những chuyển đổi căn bản trong quản lý.

Hình thức hóa đơn điện tử có mã và không có mã là khái niệm mới được quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Thông qua mã quản lý là một dãy số duy nhất, ngẫu nhiên do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra, một số đơn vị quản lý có thể kiểm tra thông tin của hàng hóa chỉ sau một thao tác nhấp chuột máy tính.

Là một trong những nhà cung cấp phần mềm sử dụng hóa đơn điện tử, Trung tá Nguyễn Sỹ Trúc - Giám đốc Viettel Quảng Ninh cho biết, ưu điểm lớn nhất khi sử dụng phần mềm này là hàng hóa lưu thông trên đường thì các đơn vị liên ngành được phép cũng có thể kiểm tra mà không cần huy động tất cả lực lượng như trước đây.

Theo Thông tư 32/2011/TT-BTC thì các hóa đơn được lưu ở doanh nghiệp. Còn theo thông tư mới, việc lưu trữ hóa đơn sẽ thực hiện ở cơ quan thuế qua hệ thống mã đã cấp trong đó tích hợp về nguồn gốc, thông tin sản phẩm và doanh nghiệp. Các đơn vị chỉ cần tra cứu và quét mã QR là sẽ kiểm tra được. Để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp chuyển đổi nền tảng sang sử dụng hóa đơn điện tử theo thông tư mới, Chi nhánh Viettel Quảng Ninh luôn có đội ngũ nhân viên tư vấn trực 24/7.

Ông Ngô Trung Chính - Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Trang Đức Lộc, thành phố Cẩm Phả cho biết, ông đến tận trung tâm của Viettel Quảng Ninh để được tư vấn, hỗ trợ về chuyển đổi hóa đơn điện tử theo Thông tư 78/2021/TT-BTC cho cụ thể. Giai đoạn đầu, không ít doanh nghiệp chưa nắm rõ được cách triển khai nên cần được hỗ trợ. Nên có lộ trình thực hiện để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi, tránh thiếu sót - ông Chính đề xuất.

Cục trưởng Cục thuế Quảng Ninh Cao Ngọc Tuấn thông tin, ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp, người dân thấy được lợi ích của hóa đơn điện tử; đồng thời, tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các nhà cung cấp phần mềm, đường truyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi có vướng mắc; giao, kiểm soát chỉ tiêu và phát động thi đua, khen thưởng kịp thời những đơn vị triển khai tốt hóa đơn điện tử... Tính đến trước tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 8.644 doanh nghiệp đủ điều kiện chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư Thông tư 78/2021/TT-BTC.

Ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Cục thuế Quảng Ninh triển khai quyết liệt việc sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn; tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền về lợi ích; kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc chuyển đổi, sử dụng hóa đơn điện tử theo nghị định, thông tư mới trong tháng 12 này đối với toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn; vận động các hộ kinh doanh cá thể kê khai, chuyển đổi sang hóa đơn điện tử trong tháng 1/2022.

 

 

Thu Minh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin sở ban ngành
Bản đồ

Lịch công tác trống

Tin tiêu điểm
Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 28778
Đã truy cập: 52700935

© Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Cơ quan quản lý nhà nước và thường trực kỹ thuật: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung trang chủ: Trung tâm Truyền thông tỉnh.

- Quản lý nội dung các Cổng thành phần: Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức. 

Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ  Website này.