Trong 3 khóa gần đây (XI, XII, XIII), ngay sau khi hoàn thiện tổ chức, nhân sự cho nhiệm kỳ mới, tại hội nghị đầu tiên sau Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều tập trung cho công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên và toàn diện. Cụ thể hóa mục tiêu Đại hội Đảng đề ra, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để từng bước hoàn thiện, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Cử tri thôn 2 (xã Bằng Cả, TP Hạ Long) bỏ phiếu bầu trưởng thôn nhiệm kỳ 2022-2025. Ảnh: Hoàng Nga
Như nhiều địa phương khác trong nước, hơn 2 năm qua, Quảng Ninh phải đối diện nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Trước thử thách đó, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đạt kết quả tích cực, trong đó có công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tỉnh ủy đã tổ chức kịp thời việc tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; triển khai quyết liệt chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp. Trong quá trình triển khai, các cấp ủy tích cực nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội để tuyên truyền định hướng, động viên tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn; bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao ý thức về tinh thần tự giác, sửa đổi lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng “sát dân, gần dân”; tăng cường đấu tranh với các hiện tượng thoái hóa, biến chất; siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết loại bỏ những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng, chính quyền.
Điều này được thể hiện rõ nét từ việc tỉnh chủ động đổi mới cách thức giao nhiệm vụ cho tập thể, cán bộ, đảng viên, gắn với cơ chế giám sát tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác, ràng buộc trách nhiệm và quyền hạn; nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong các cơ quan, đơn vị; phát hiện những vấn đề mới phát sinh để đề ra kế hoạch, lộ trình, giải pháp khắc phục...
Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các chỉ thị của Bộ Chính trị (Chỉ thị số 06 khóa X, Chỉ thị số 03 khóa XI, Chỉ thị số 05 khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy đảng chú trọng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy đảng đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp và chương trình công tác hằng năm, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Tổ chức quán triệt học tập chuyên đề và đăng ký làm theo Bác; xây dựng và nhân rộng các mô hình học và làm theo Bác thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội...
Điểm cầu Quảng Ninh tham gia Hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến vào dự thảo Đề án về xây dựng tổ chức, cơ sở đảng và đảng viên.
Thông qua việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) đã tạo chuyển biến rõ nét, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Các cấp uỷ đảng quan tâm nhiều hơn đến việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm của cán bộ, đảng viên; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến rõ nét; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, ý thức trách nhiệm với công việc được giao của cán bộ được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được đổi mới, đã phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, với công tác thanh tra của Nhà nước, công tác giám sát của Quốc hội và HĐND. Qua kiểm tra, giám sát đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn các tổ chức đảng và đảng viên, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
Cùng với những nhiệm vụ trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên và thống nhất nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và tính chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng. Trong đó đã tổ chức kiểm tra đối với một số cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Quy định số 04-QĐ/TU (ngày 7/6/2017) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại một số đảng bộ trực thuộc tỉnh; tổ chức các hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của trung ương và của Tỉnh ủy; xây dựng, củng cố tổ chức đảng, quản lý và phát triển đảng viên bảo đảm số lượng, chất lượng.
Song song với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quảng Ninh đã thực hiện tinh giản biên chế sớm so với toàn quốc 4 năm và giảm liên tục trong gần 10 năm qua từ khi tỉnh thực hiện Đề án 25. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã thực hiện giảm gần 20% công chức, khoảng 9% người làm việc; 10,51% CBCC cấp xã; 39,18% người hoạt động không chuyên trách cấp xã; 33,33% người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố; 18% đầu mối cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp và hoàn thành mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập trước 1 năm so với chỉ đạo chung của trung ương. So với cả nước, chưa có một tỉnh nào giảm sâu về công chức ở cấp xã như Quảng Ninh. Qua đó đã phát huy kết quả rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy mô kinh tế tăng gấp đôi, thu ngân sách năm sau tăng hơn năm trước, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với bình quân cả nước, thu hút đầu tư ngày một tăng; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo; vị thế, uy tín của tỉnh được nâng cao.