Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay công an toàn tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực tập 297 phương án chữa cháy, trong đó có 20 phương án chữa cháy tại khu dân cư và 407 phương án CNCH. Với những tình huống thực tập được xây dựng sát với thực tế, đây là một trong những giải pháp thiết thực để làm tốt công tác phòng ngừa, cũng như đạt hiệu quả cao trong chữa cháy và CNCH.
Một trong những tình huống cứu người mắc kẹt trên cao được thực hiện tại thực tập phương án chữa cháy tòa nhà The Sapphire 2 Hạ Long.
Ngày 21/7 vừa qua, Công an tỉnh đã tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH quy mô cấp tỉnh tại khách sạn The Sapphire Hạ Long (toà nhà The Sapphire 2 Hạ Long) với sự tham gia của gần 500 người thuộc nhiều lực lượng. Với nhiều tình huống chữa cháy, CNCH có tính chất phức tạp được thực hiện đồng thời, liên tục, đòi hỏi giữa các lực lượng, các mũi tấn công phải có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất theo kỹ, chiến thuật chữa cháy và CNCH. Đây cũng là phương án lớn cấp tỉnh đầu tiên được tổ chức thực tập trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.
The Sapphire 2 Hạ Long là tòa nhà có quy mô 31 tầng nổi, 2 tầng hầm, hoạt động dưới hình thức văn phòng, căn hộ - khách sạn. Đây là nơi thường xuyên tập trung đông người, tồn chứa lượng chất cháy lớn, nguồn lửa, nguồn nhiệt đa dạng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao.
Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty CP Ngoại thương và Phát triển đầu tư địa ốc Châu lục (chủ đầu tư khách sạn The Sapphire Hạ Long), cho biết: Kể từ khi đi vào hoạt động (tháng 7/2021) đến nay, khách sạn thường xuyên đón các đoàn khách quy mô lớn. Do đó, công tác PCCC là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chủ đầu tư. Qua buổi thực tập, tôi thấy công tác tổ chức, phương án, cũng như sự phối hợp giữa các lực lượng được thực hiện rất tốt, bài bản. Ngay sau buổi thực tập, chúng tôi sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm nội bộ để có phương án PCCC tốt nhất, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành tại khách sạn.
Quảng Ninh được Bộ Công an xác định là địa bàn trọng điểm về công tác PCCC&CNCH với tốc độ đô thị hóa cao, thu hút nhiều dự án FDI; đã và đang hình thành nhiều khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp với quy mô lớn; số lượng nhà cao tầng, siêu cao tầng tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng với độ cao từ 9 tầng trở lên, tập trung chủ yếu tại các thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái.
Chương trình thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại khu dân cư trên địa bàn huyện Tiên Yên, do Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) tổ chức.
Những năm gần đây, công tác PCCC&CNCH đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn luôn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy (theo tiêu chí thống kê), làm 1 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính trên 6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy giảm 3 vụ, nhưng thiệt hại về tài sản tăng khoảng 2,5 tỷ đồng.
"Với tính chất như vậy, Công an tỉnh luôn xác định công tác PCCC&CNCH phải luôn được đặt lên hàng đầu, phải là công tác trọng tâm, thực hiện thường xuyên, lấy phòng ngừa là chính, phòng ngừa từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Đồng thời, phải chủ động xây dựng và thực tập, diễn tập các phương án chữa cháy và CNCH đối với các cơ sở, loại hình và địa bàn, khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tổ chức chữa cháy và CNCH với phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản" - Thượng tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh.
Lực lượng và phương tiện tham gia thực tập phương án chữa cháy trên biển.
Thông qua các buổi thực tập phương án, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, lực lượng PCCC chuyên ngành, Đội PCCC cơ sở và các lực lượng tham gia phối hợp được rèn luyện về thể chất, tâm lý, bản lĩnh, nâng cao trình độ, năng lực chữa cháy và CNCH; tăng cường khả năng phối hợp, hiệp đồng tác chiến, thể hiện tính chuyên nghiệp nhằm xử lý kịp thời, nhanh chóng, có hiệu quả các vụ cháy, nổ.
Thượng tá Trần Huy Nghị, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, khẳng định: Sau mỗi buổi thực tập, lực lượng chữa cháy đều họp rút kinh nghiệm toàn diện công tác tổ chức thực tập. Từ đó chỉ ra những mặt tích cực để tiếp tục phát huy, làm rõ những tồn tại, hạn chế, thiếu sót để khắc phục, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời vào phương án, sao cho phù hợp với thực tiễn công tác PCCC&CNCH đối với từng loại hình; đảm bảo khi có tình huống xảy ra, không bị động, nhanh chóng khống chế đám cháy, cứu được người và tài sản.